Chuyên gia quốc tế đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tới sự phát triển của các trường đại học khu vực ASEAN
Chiều 8/8 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và trường Đại học Việt Nhật (VJU) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề: "Du học đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển của các trường đại học trong khu vực ASEAN?".
Các đại diện Ban tổ chức, diễn giả, đại diện nhóm nghiên cứu tại hội thảo (Ảnh: trường Đại học Việt Nhật). |
Nội dung chính của hội thảo đã công bố kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu JICA Ogata Sadako vì Hòa bình và Phát triển (Viện Nghiên cứu JICA).
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm bởi giáo sư Kuroda Kazuo (Đại học Waseda - cộng tác viên Viện Nghiên cứu JICA) và tiến sĩ Jung Hyun Ryu, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, đã tiến hành khảo sát tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ năm 2019 đến năm 2022, Viện Nghiên cứu JICA thực hiện nghiên cứu về tác động của du học đối với sự phát triển của các trường đại học thuộc khu vực ASEAN được thực hiện dựa trên dữ liệu mở rộng được thu thập từ khoảng 3.300 phiếu khảo sát và hơn 100 cuộc phỏng vấn thực hiện. Đối tượng nghiên cứu là giảng viên từ 10 trường đại học hàng đầu ở bốn quốc gia ASEAN: Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. |
Một số ý chính của kết quả nghiên cứu được đại diện nhóm nghiên cứu tại Việt Nam chia sẻ bao gồm: Việc tiếp thu ngoại ngữ thông qua du học có ý nghĩa đặc biệt hơn so với các quốc gia khác, bởi việc giảng viên sử dụng ngoại ngữ mang lại nhiều tác động tích cực tới công việc nghiên cứu và đóng góp xã hội, nhất là trong giáo dục đại học tại Việt Nam.
Giáo sư Kuroda Kazuo (Đại học Waseda - cộng tác viên Viện Nghiên cứu JICA) trình bày tại hội thảo (Ảnh: trường Đại học Việt Nhật). |
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Nhật Bản không chỉ là một điểm đến của du học sinh vì sau thời gian du học tại đất nước này, các du học sinh vẫn duy trì quan hệ với giáo sư hướng dẫn. Một trong những lý do là vì các trường đại học Nhật Bản đã có chính sách thúc đẩy hợp tác học thuật với các cựu du học sinh ngay cả khi họ đã trở về quê hương.
Tiến sĩ Jung Hyun Ryu, (giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, thành viên nhóm nghiên cứu) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: trường Đại học Việt Nhật). |
Bên cạnh đó, một số điểm hạn chế của việc du học của giảng viên người Việt cũng được báo cáo tại hội thảo. Theo tiến sĩ Jung Hyun Ryu, (giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, thành viên nhóm nghiên cứu), một số khía cạnh tiêu cực bao gồm khó khăn trong tái hòa nhập và việc mất kết nối khi trở về sau du học.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Kayashima Nobuko, Cố vấn nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu JICA - Chủ nhiệm đề tài - nhấn mạnh tầm quan trọng của du học đang chuyển từ “Chuyển giao tri thức và công nghệ từ các nước tiên tiến” sang “Khởi đầu phát triển của mạng lưới học thuật quốc tế”, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học.
Nhận xét về kết quả công trình nghiên cứu, tiến sĩ Kayashima Nobuko cũng nhấn mạnh rằng trao đổi học thuật và nhân lực trong khu vực ASEAN ngày càng mở rộng, nhờ đó vai trò của Việt Nam với tư cách vừa là nước phái cử vừa là nước tiếp nhận du học sinh càng trở nên quan trọng hơn.