Chưa có bùng nổ theo đà, thị trường giao dịch cầm chừng
Định vị thị trường
Vị thế đi sau của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được thể hiện khá rõ. Nếu như các chỉ số châu Á như NIKKEI 225 (+0,58%), TWSE (+1,06%), KOSPI (+0,88%) tiếp tục ghi nhận các nỗ lực tăng điểm tích cực thì VN-Index đang chịu chi phối của tâm lý yếu và sự thận trọng trước kỳ đáo hạn phái sinh tháng 8.
Sắc xanh đã được ghi nhận trong phần lớn phiên giao dịch nhưng tới cuối phiên, VN-Index vẫn bị triệt tiêu hết thành quả, đóng cửa giảm 0,06 điểm.
Chất xúc tác
Hợp đồng tương lai (HĐTL) VN30F2408 sẽ có giá chốt theo VN30 trong chiều mai (15/8). Trước phiên giao dịch, khối lượng mở của HĐTL tháng 8 đã được thu hẹp xuống còn hơn 35 nghìn đơn vị trong khi đó HĐTL tháng 9 đang ghi nhận sự gia tăng cho thấy nhà đầu tư đang có sự chuyển dịch để chuẩn bị trước cho kỳ đáo hạn phái sinh.
Trong khi đó, thanh khoản của cơ sở còn yếu với phiên thứ 7 liên tiếp khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh giảm gần 10% xuống 443 triệu đơn vị.
Nhóm nhà đầu tư nước nước ngoài đã mua ròng mạnh hơn với giá trị đạt hơn 660 tỷ đồng. Các mã KDC (+459 tỷ đồng) HDB (+197 tỷ đồng), MSN (+218 tỷ đồng) là những nhân tố chính giúp cho cán cân giao dịch của khối ngoại mở rộng. Đáng chú ý nhất là KDC được mua vào chủ yếu qua giao dịch thỏa thuận.
Khối ngoại đã mua ròng 4 phiên liên tiếp. |
Tính đến hết phiên giao dịch 14/8, khối ngoại đã có 4 phiên liên tiếp mua ròng trên HOSE với giá trị ròng đạt tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Một phiên bùng nổ theo đà (FTD) đang là sự kiện được nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thị trường mong chờ nhất vào lúc này. Nếu xuất hiện FTD, thị trường sẽ có sự bật tăng mạnh của giá cổ phiếu cũng như thanh khoản, qua đó giúp phủ nhận tâm lý hoài nghi hoặc thậm chí bi quan đang bao trùm.
Nhóm cổ phiếu lớn đã có những cố gắng kéo điểm trong phiên giao dịch với nhiều cổ phiếu luân phiên xuất hiện như VRE (+3,2%), SAB (+2,6%), MSN (+2,3%), VHM (+2,3%), BCM (+1,1%), BID (+0,9%). Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn chưa thực sự triệt để nên rung lắc cũng xuất hiện nhiều lần, đặc biệt trong phiên chiều.
Chỉ số VN-Index dù giảm không đáng kể nhưng việc đóng cửa trong sắc đỏ sau phiên ATC chính là kết quả cũng những rung lắc. Chốt phiên, chỉ số giảm 0,06 điểm xuống 1.230,36 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 13.044 tỷ đồng, tương đương 507,17 triệu đơn vị.
Các mã VCB (-1,7%), SSI (-0,9%), VPB (-0,8%), MBB (-0,8%) là những nhân tố đã góp phần cản trở chỉ số trong đó VCB "trả điểm" ngay sau phiên hôm qua có nhịp kéo ATC.
Được biết, VCB vừa công bố rút nội dung "Phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ" khỏi chương trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.
Thị trường phân hóa và rời rạc trước những vận động của nhóm Bluechips. Ngoại trừ một số mã như TCH (+3,31%), TDC (+6,61%), NAB (+3,09%) đi ngược, hầu hết các cổ phiếu đều giảm giá với biên độ quanh 2% như PDR (-2,2%), CSV (-1,53%), DIG (-2,01%), NKG (-1,44%), NT2 (-1,8%), NTL (-2,31%)…
2 nhóm cổ phiếu Chứng khoán và Đầu tư công đều chưa thể nối lại đà hồi phục. Các mã FTS (-1,6%), MBS (-1,5%), BSI (-2,7%), VCI (-1,1%), LCG (-1%), HHV (-1,3%), VCG (-0,5%) đều đóng cửa trong sắc đỏ do chịu lực bán chốt lời từ các vị thế bắt đáy trong tuần trước.
Với tỷ lệ các mã giảm chiếm 50% cùng thanh khoản yếu, rõ ràng thị trường vẫn chưa hề xuất hiện phiên FTD như kỳ vọng. Trong khi đó, VN-Index cũng chưa gỡ hết hoàn toàn những thiệt hại điểm số của phiên đầu tuần trước.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ, giảm lần lượt 0,22% và 0,15%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt gần 1.700 tỷ đồng.