Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai: “Giữ tài sản để xây dựng thương hiệu”
Báo cáo tài chính của QCG cho biết, lợi nhuận hợp nhất của công ty trong năm 2015 là 51.816 triệu đồng và sau thuế là 21.841 triệu đồng. Trong đó, doanh thu từ BĐS là 245.614 triệu đồng; Doanh thu bán hàng 93.434 triệu đồng và doanh thu bán điện là 46.717 triệu đồng.
Ngoài ra, trong 2015, tổng tài sản ngắn hạn của tập đoàn tăng 13,1% và tổng tài sản dài hạn cũng đạt mức tăng hơn 25% so với năm 2014. Theo đó, tài sản ngắn hạn tăng chủ yếu do tăng giá trị hàng tồn kho từ việc tăng cường đầu tư vào các dự án trọng điểm và hàng tồn kho của các công ty con mà công ty đạt mức sở hữu đến 100% và dài hạn do tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang và chi phí vào các công ty liên kết đẩy nhanh hoàn thiện các dự án công ty góp vốn đầu tư.
Ông Thanh cho rằng là công ty đại chúng thì thông tin cần phải minh bạch và giá cổ phiếu là giá trị doanh nghiệp, vì tác động trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của cổ đông (Ảnh:Bảo Lan)
Tuy nhiên, theo cổ đông Thanh (nhthanh31@gmail.com) hiện đang sở hữu tới 600.000 cổ phiếu QCG, đặt vấn đề “Trong tất cả báo cáo tài chính của công ty là luôn có lãi, nhưng thực tế thì đã 4, 5 năm các nhà đầu tư như chúng tôi không hề được chia cổ tức. Điều này khiến chúng tôi nghi ngờ về tính thực của các con số mà công ty đã báo cáo và đặt câu hỏi về vai trò và năng lực của lãnh đạo QCG””.
Ông Thanh cho rằng, là công ty đại chúng thì giá cổ phiếu là giá trị doanh nghiệp, vì tác động trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của cổ đông. Nhưng QCG đang rớt ở mức thấp nhất, chỉ vì "công ty lo kinh doanh chứ không quan tâm đến cổ phiếu".
“Nếu giá cổ phiếu không tốt, thì các chiến lược kinh doanh của QCG khi cần huy động vốn thông qua cổ phiếu để mở rộng hoạt động hay thực hiện các chiến lược của công ty, khi đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.
Cũng như anh Thanh, một cổ đông khác cũng nêu vấn đề, trong hoạt động kinh doanh, có không ít doanh nghiệp cũng gặp khó khăn và họ đã bán bớt một phần tài sản để đảm bảo cho hoạt động của công ty, cũng như đảm bảo giá trị gia tăng cho cổ phiếu khi là một công ty đại chúng. “Tại sao QCG không bán bớt một vài dự án khó triển khai, để thu hồi vốn và tập trung cho việc triển khai những dự án khả thi khác. Vì chúng tôi cũng là những nhà đầu tư, chúng tôi cần công ty hoạt động có hiệu quả, có lãi nhưng đã 5 năm chúng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cổ tức”.
Cao ốc Sài gòn Plaza (Lê Thánh Tôn - Q1), cùng các dự án thủy điện hứa hẹn mang lại nguồn thu từ 120-140 tỷ/ năm cho QCG (Ảnh:Bảo Lan)
Trước những lo lắng của cổ đông, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT của QCG cũng trăn trở. Bà chia sẻ, bà không từ chối trách nhiệm của mình, khi công ty cũng đầu tư dàn trải và dẫn đến hiệu quả đạt được của công ty gặp nhiều rủi ro trong thời gian qua. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ những tác động của kinh tế toàn cầu, đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam khi đã hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, những rủi ro về thị trường tài chính trong nước; Lượng hàng tồn kho của thị trường bất động sản (BĐS), nhất là đối với các dự án ở vị trí xa trung tâm vẫn còn nhiều; Cùng với rủi ro về chính sách của Luật đất đai thay đổi liên tục... Tất cả những yếu tố đó, đã tác động không nhỏ đến các hoạt động của công ty.
Bà cho biết thêm, QCG hiện đang sở hữu nhiều BĐS nhưng hầu như tất cả các dự án đều như “chén chỉ có quai”. Nên là công ty góp vốn thì QCG cũng không thể “gánh” một phần tài chính đang thâm hụt của đối tác còn lại. Do khi mua lại một phần các dự án thì QCG cũng đã phải vay ngân hàng. Thậm chí là huy động từ những đối tác, bạn bè. Vì vậy, thực tế hoạt động của QCG đều có lãi nhưng phần lợi nhuận thực tế đều phải dùng để trả cho một phần chi phí từ những vốn vay đó.
“Các dự án BĐS của QCG phần lớn đều có những vị trí tốt và nhiều chủ đầu tư cũng mong muốn được mua lại, nhưng đều là những dự án mà QCG đã tâm huyết và xây dựng từ nhiều năm qua. Trong thời điểm khó khăn nhất, QCG đã cố gắng giữ lại - không phải chỉ để cho chúng tôi xây dựng thương hiệu, mà còn cho cả cổ đông một khi thị trường phục hồi”. Bà Loan trăn trở.
Thực tế, không chỉ với những dự án đang chỉ sở hữu một phần, như dự án Capella (quận 2) cũng mới chỉ sở hữu được 55%, dự án Cao ốc Sài gòn Plaza (Q1) sở hữu 96,39%, dự án Hải Âu - Hiệp Phú sở hữu 55%, dự án Việt Giai với 50% chủ sở hữu, khu dân cư phức hợp đa phước với 43,81%... Mà ngay cả với các dự án đang sở hữu 100% cũng đề đang triển khai dở dang, như dự án trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: Quốc Cường II -6B (Thủ Đức), dự án De Capella (Q2), dự án Mansion, dự án Văn phòng Võ Thị Sáu (Q3), dự án Khu dân cư phước kiển (Nhà Bè); Dự án Dân cư Trung Nghĩa dự án Marina, dự án Khu dân cư, khách sạn - căn hộ và thương mại dịch vụ (Đà nẵng)...
Mặc dù đã được ĐHĐCĐ, HĐQT và Ban giám đốc cam kết sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng vốn vay, không đầu tư dàn trải để đảm bảo nguồn vốn, cũng như củng cố niềm tin cho cổ đông, cùng chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2016 sẽ đạt lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng và những cam kết sẽ đem về nguồn thu ổn định từ 120 -140 tỷ/năm từ dự án 24 Lê Thánh Tôn và thủy điện (chưa kể doanh thu từ cao su). Tuy nhiên, một số cổ đông vẫn ngần ngại cho rằng “Các con số vẫn còn là một dấu hỏi, khi chỉ còn 2 quý nữa là hết năm 2016 ”. Một cổ đông chia sẻ.
Nói gì thì nói, một khi đã làm doanh nghiệp, thì mục đích không chỉ để kiếm tìm lợi nhuận, mà họ muốn xây dựng thương hiệu bằng những sản phẩm chất lượng, bằng các hoạt động có ích cho cộng đồng. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ vì muốn xây dựng thương hiệu và đều “cứ ôm khư khư” những tài sản “chết” ngay cả khi thiếu năng lực (về tài chính, về nhân lực, về chiến lược...) để triển khai, thì không chỉ làm giảm hình ảnh của thương hiệu, “xoáy mòn” niềm tin của cổ đông. Mà còn giảm tính thanh khoản của thị trường khi góp phần làm gia tăng các dự án tồn kho.
Bảo Lan