Chính quyền cần phạt chủ thầu vì san lấp ao bằng rác thải gây ô nhiễm
Hàng nghìn mét vuông ao đang được san lấp bằng hỗn hợp đủ thứ từ chất bẩn.
Trước phản ánh của nhiều người dân khu vực thùng Quai Bị, thôn Phù Dực 1, UBND xã Phù Đổng đã yêu cầu chủ hợp đồng thuê thầu nghiêm túc việc thực hiện thu dọn, xử lý theo đúng quy định mang phế thải tại khu vực đi nơi khác, đảm bảo vệ sinh môi trường, xong trước ngày 10/8.
Thế nhưng đã hơn 10 ngày theo “ngày chốt” của chính quyền xã, rác thải vẫn ứ đọng, nhiều thùng xốp, bìa cát tông, gạch vụn, nilong trôi dạt không thể phân hủy. Nước trong ao bị hút gần cạn chỉ còn lại một vũng nước thải bốc mùi hôi thối.
Ghi nhận của phóng viên, mặt ao này luôn trong tình trạng rò khí và rỉ nước thải khiến cho không khí có mùi rất nồng.
Bà Nguyễn Thị H., người dân ở đối diện mặt ao bức xúc: “Hàng ngày vẫn có những xe chở phế thải đổ xuống ao. Đổ phế thải xong, họ dùng máy để san ủi. Nước ao thì ngày một cạn. Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều nhưng tình trạng vẫn không thay đổi.”
Mặt ao chỉ còn lại vũng nước thải bốc mùi.
Bác H. chia sẻ thêm: “Tôi ở đối diện mặt ao, trước đây, ao đầy nước xanh ngắt, buổi chiều gió từ đó thổi vào rất mát. Nhưng từ khi họ chở rác về đây lấp, mùi bốc lên rất khó chịu nhất là khi vừa mưa xong. Thỉnh thoảng họ còn đốt rác nữa, khói bụi làm cho sinh hoạt của chúng tôi bị ảnh hưởng.”
Rò rỉ khí thải gây ô nhiễm môi trường
Khi PV đem những bức xúc, băn khoăn của người dân tới chính quyền xã Phù Đổng để tìm ra câu trả lời, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chủ tịch xã Phù Đổng cho biết: “Vị trí đất này của một hộ gia đình trúng thầu, được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt cho thuê 5 năm. Chủ hộ có đơn xin cải tạo để trồng rau nhà màng, nhà lưới. UBND xã cũng đã làm việc, xin ý kiến của Đảng ủy và thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho đơn vị thầu san lấp mặt ao một phần để trồng rau sạch”.
Thế nhưng, qua quan sát của PV, chủ hợp đồng trúng thầu khu đất trên thực hiện những hành vi không phải để làm đất trồng rau sạch. Bởi trồng rau sạch thì họ phải cải tạo đất chứ không thể san lấp mặt ao bằng phế thải. Rau sạch không thể dung phế thải làm phân bón thế được. Hơn nữa, rác thải trên gây ô nhiễm môi trường sống trầm trọng, không thể là đất để trồng rau sạch được.
Rác thải ứ đọng vẫn chưa được xử lý.
Trả lời về vấn đề này, bà Thúy cho biết: “Chỗ ấy thật ra chỉ là đất đào móng nhà thôi, không phải rác thải xây dựng. Sau này, họ sẽ đổ lớp đất thịt lên trên, chứ làm sao dùng 100% đất thịt để san lấp được, thế thì tốn kém lắm”.
“Còn việc có xốp, bao bì, gỗ,... lẫn trong đó, chúng tôi đã có kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chủ thầu phải dọn vệ sinh, làm sạch sẽ phần họ đổ đất. Chúng tôi chỉ lập biên bản chứ không xử phạt hành chính đối với đơn vị thầu đất và vẫn đang đốc thúc đơn vị nhanh chóng dọn vệ sinh và san lấp”.
Nếu chủ hợp đồng thuê thầu không thực hiện việc thu dọn, xử lý theo đúng quy định, UBND xã sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng thuê thầu.
Bà Thúy cung cấp văn bản số 169/TB-UBND ngày 6/8/2018 thông báo về việc đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực thùng Quai Bị, thôn Phù Dực 1 trước ngày 10/8/2018.
Dọn vệ sinh trước ngày 10/8, nay chủ thầu vẫn để phế thải như vậy, phải chăng, lãnh đạo UBND xã Phù Đổng đang bao che phế thải gây ô nhiễm môi trường?
UBND xã có quyền yêu cầu, không phạt hành chính nhưng khi chủ doanh nghiệp thầu ao đó không thực hiện thì bắt buộc phải dung biện pháp xử lý mạnh hơn.
Câu hỏi đặt ra, liệu lãnh đạo UBND xã Phù Đổng có “lợi ích nhóm” gì trong này không?
Báo Thời Đại sẽ cung cấp thông tin chi tiết đến bạn đọc khi trao đổi với UBND huyện Gia Lâm.
N.Hòa