Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030
Thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT
Quyết định số 38/QĐ-TTg nêu rõ, BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Mở rộng diện bao phủ BHYT trên toàn quốc (Ảnh: T.L). |
Cùng với đó, phát triển ngành BHXH Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; hướng tới bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, công khai, minh bạch; chia sẻ và bền vững. Thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN, BHYT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại
Một trong những mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT. Từ đó, từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân.
Tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90% (năm 2030: 95%). Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH trên 85% (năm 2030: 90%). Số người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68% (năm 2030: 75%). |
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài chính các quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp; góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt khoảng 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% LLLĐ trong độ tuổi (năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt đạt khoảng 60% và 5%); có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (năm 2023: 60%); khoảng 35% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN (năm 2030: 45%); trên 95% dân số tham gia BHYT (năm 2030: trên 97%).
8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 08 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, tham gia xây dựng chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.
Hai là, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển số người tham gia và quản lý quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT (Ảnh: T.L). |
Ba là, nâng cao chất lượng công tác dự báo tài chính từng quỹ bảo hiểm trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn, dài hạn, kế hoạch đầu tư từng giai đoạn; hoàn thiện quy trình đầu tư và quản lý rủi ro các quỹ bảo hiểm.
Bốn là, cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH.
Năm là, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, văn hóa, lối sống, nhu cầu của từng nhóm người tham gia, từng vùng, miền để người dân, người lao động và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đạt sự đồng thuận cao, góp phần tiến tới BHXH và BHYT toàn dân.
Sáu là, đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực thực hiện và chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử quốc gia.
Tám là, tham mưu, tham gia các chương trình đàm phán và ký kết các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT; chủ động, tích cực tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực an sinh xã hội.
Về lĩnh vực chuyển đổi số, đến năm 2025, phấn đấu đạt: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 95% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% người tham gia BHXH, BHTN, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân tham gia BHYT đã được cấp Căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. |