Chiến dịch tìm kiếm MH370 chính thức kết thúc
Tuyên bố chính thức của Trung Quốc, Australia và Malaysia - 3 quốc gia tham gia chiến dịch - nêu rõ: "Bất chấp nỗ lực sử dụng mọi công nghệ tốt nhất hiện nay... chiến dịch tìm kiếm đã không thể xác định vị trí chiếc máy bay".
Các nhà chức trách cho biết: con tàu tìm kiếm cuối cùng đã rời đi vào hôm nay (17/1), sau khi rà soát khu vực có diện tích lên tới 120.000 km2 đáy biển Ấn Độ Dương trong suốt gần 3 năm qua.
Hồi tháng 7, 3 nước nói trên đã thống nhất sẽ chấm dứt chiến dịch tốn kém 145 triệu USD nếu không tìm thấy máy bay hoặc bất cứ một bằng chứng mới nào trong khu vực tìm kiếm.
Tháng trước, nhà chức trách Australia đã bác bỏ đề xuất dịch chuyển vị trí tìm kiếm về phía Bắc của một số nhân viên điều tra. Canberra tuyên bố: không có dấu hiệu nào củng cố cho lập luận trên.
Vị trí của chiếc máy bay Boeing 747 đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới, kể từ khi nó đột ngột biến mất trên hành trình từ Kuala Lampur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/3/2014.
Một số thiết bị hiện đại tham gia chiến dịch tìm kiếm MH370
Có nhiều giả thiết được đưa ra về việc liệu phi công có bị kiểm soát hay không, tất cả 239 người trên khoang đã thực sự thiệt mạng hay chưa, hoặc số phận của chiếc phi cơ...
Thêm vào đó, các nhà điều tra còn tin tưởng rằng có thể một ai đó đã cố tình tắt hệ thống liên lạc của máy bay trước khi nó bay tới không phận Ấn Độ Dương.
Quyết định chấm dứt tìm kiếm MH370 đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của người nhà các nạn nhân trên chuyến bay mất tích. Trong đó, một số người cho rằng chính phủ các nước nên xem xét việc mở rộng tìm kiếm thêm 25.000 km2.
Hiện, chỉ có 3 mảnh vỡ được các nhà chức trách xác nhận là thuộc về MH370. Chúng được phát hiện tại quốc đảo Mauritius, đảo Reunion của Pháp và một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Tanzania.
Ngoài ra, có khoảng 30 vật thể khác, được tìm thấy tại các bãi biển thuộc Mozambique, Tanzania và Nam Phi, đang bị nghi là mảnh vỡ của MH370.
Trọng Sang