Chạy xe máy về quê đón Tết: Cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn?
Trong những ngày cận tết, hàng triệu người bắt đầu cuộc hành hương trở về quê nhà đón Tết, trong đó có những bạn trẻ, sinh viên, lao động. Tại các cửa ngõ, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, số lượng phương tiện tăng đột biến và chen chúc nhau. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm giao thông. Chưa kể, những người đi xe máy trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu rải đinh trên các tuyến quốc lộ.
Do vậy, để có một chặng đường về quê an toàn bằng xe máy, nhiều bạn trẻ đã có những chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân khi về quê trong những ngày này.
Nguồn minh họa |
Lên lịch trình chi tiết
Các bạn trẻ cần lưu ý các cung đường, thời tiết... để không bị kẹt xe, lạc đường hoặc gặp những đoạn đường xấu.
Bảo dưỡng xe
Khác với điều khiển xe máy khu vực đô thị, điều khiển xe quãng đường dài liên tục yêu cầu chiếc xe hoạt động hết tốc lực. Do đó, trước khi khởi hành, chủ xe cần bảo dưỡng, thay thế một số bộ phận cần thiết.
Để xe được đảm bảo chạy tốt nhất, chủ xe có thể tự kiểm tra "xế cưng" tại nhà nếu có kinh nghiệm và đủ trang bị. Trong đó, một số hạng mục cần thiết được bổ sung như thay dầu động cơ, thay má phanh, kiểm tra và thay thế đèn chiếu sáng...
Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết
Thông thường, một hành trình dài về quê có thể xảy ra một số tình huống xe bị hư hỏng nhưng không có các trạm sửa chữa xe. Vì vậy, chủ xe cần chuẩn bị sẵn sàng một số vật dụng, cũng như quân tư trang, nước uống hay đồ ăn cần thiết, như thế sẽ giúp chuyến đi được phòng bị tốt hơn.
Trước ngày khởi hành, người đi xe cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để mang đến tinh thần thoải mái. Người lái cũng cần chuẩn bị trước những đồ dùng mang theo như balo, áo khoác, găng tay..., việc để sẵn sẽ giúp tránh được tình trạng bỏ sót đồ cũng như tâm lý bất an khi điều khiển xe.
Cách thức di chuyển
Trước khi khởi hành, nhiều người thường chở theo rất nhiều vật dụng như ba lô, máy móc hay thậm chí là quà tết về cho gia đình nên xe sẽ nặng, khó điều khiển hơn. Vì vậy, nên để những vật dụng nhỏ phía trước xe máy, còn ba lô hay vali thì nên được buộc chặt ở phía sau xe để có chỗ ngồi thoải mái nhất.
Tùy theo quãng đường và thời tiết của từng vùng miền, chủ xe cần điều chỉnh thời gian xuất phát và tốc độ di chuyển. Người lái cũng cần chủ động nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian chạy để lấy lại sự tỉnh táo cũng như cho phương tiện được nghỉ ngơi.
Không có con số cụ thể về thời gian nghỉ, tuy nhiên nên tạm dừng lái xe sau khoảng 2-3 giờ chạy. Với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 40 km/h, nên dừng nghỉ sau mỗi 100-150 km chạy xe.
Tuân thủ luật lệ giao thông
Hành trình về quê là quãng đường khá dài và không phải người nào cũngnắm được địa hình trên những cung đường đó. Do đó cần tìm hiểu quãng đường mình di chuyển trước và tuân thủ luật lệ giao thông.
Nên chọn đường vắng, ít xe, chạy thật chậm, tuân thủ đúng tốc độ, biển báo hay đèn tín hiệu, quan sát và giữ cho đầu óc tỉnh táo là điều ưu tiên hàng đầu khi chạy xe máy.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hiệp - nguyên Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, chia sẻ, trước đây, ông có người cậu, lên TP.HCM học, gần Tết chạy xe máy về Trà Vinh. Đi được nửa đường, người này buồn ngủ nhưng vẫn cố chạy. Hậu quả là chạy xuống ruộng. May mắn là chỗ đó không có vật nguy hiểm nên người không sao nhưng chiếc xe thì phải nhờ người kéo đến tiệm để sửa.
“Đi xe máy vài kilômét thì còn cố gắng được, còn đủ sức, tỉnh táo để đảm bảo an toàn, chứ chạy trên 100km thì không nên. Vì điều này ừa không yên tâm về chiếc xe, vừa mệt người, dễ thiếu tỉnh táo và khó phản ứng kịp thời”, ông Hiệp khuyên.