Châu Phi Nam Sahara: thị trường tiềm năng để xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Tọa đàm nhằm đánh giá triển vọng, những thuận lợi và khó khăn đối với công tác giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản Việt Nam tại thị trường châu Phi Nam Sahara, nhu cầu thành lập các phòng/không gian trưng bày hàng mẫu nông sản tại các Cơ quan đại diện Việt Nam. Đồng thời trao đổi phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá nông sản tại khu vực trong thời gian tới.
Tọa đàm có sự tham dự của gần 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến từ nhiều bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, liên minh hợp tác xã, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản và vận tải hàng hóa quốc tế.
Quang cảnh toạ đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá cao sự tham dự của các đại biểu, thể hiện sự quan tâm và nhu cầu tiếp cận thị trường châu Phi. Thứ trưởng nhấn mạnh khu vực châu Phi tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác giao thương của Việt Nam với thế giới, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế nhiều nước gặp khó khăn, nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch của Việt Nam với khu vực châu Phi lại tăng 4,7%, đạt 4,35 tỷ USD trong đó nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang khu vực đã tăng mạnh về lượng và giá trị, như gạo, cà phê, hạt điều…
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang khu vực châu Phi. Các nước châu Phi đều là các bạn bè truyền thống, hữu nghị của Việt Nam. Hai bên có nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, lãnh đạo nhiều nước châu Phi coi Việt Nam là hình mẫu xóa đói, giảm nghèo và mong muốn học hỏi kinh nghiệm, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam. Về phía Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế với khu vực châu Phi.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ tại toạ đàm. |
Thứ trưởng nhấn mạnh: khu vực châu Phi Nam Sahara với dân số gần 1 tỷ người là thị trường có nhiều tiềm năng và dư địa mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thành công, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng với các cường quốc về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp khác, các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cần có biện pháp, cách thức phù hợp để quảng bá nông sản một cách hiệu quả tới doanh nghiệp và người tiêu dùng sở tại.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh về nông-thủy sản của tỉnh, nhất là chế biến thủy sản, sản xuất lúa, gạo, muối. Ông Lê Tấn Cận nhấn mạnh sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cũng như các Sở, ngành kinh tế - thương mại - nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp địa phương sẽ giúp nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản sang khu vực châu Phi. Đồng thời khẳng định tỉnh Bạc Liêu sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Phi trong việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của tỉnh sang địa bàn.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng công tác quảng bá nông sản Việt Nam sang thị trường khu vực châu Phi Nam Sahara hiện đang gặp phải một số khó khăn như: thiếu thông tin, hiểu biết về thị trường, đối tác và quy định pháp luật, tập quán làm ăn của nước sở tại dẫn đến tâm lý e ngại, chưa chú trọng đúng mức đối với công tác quảng bá nông sản với khu vực; chi phí vận chuyển hàng mẫu cao do khoảng cách địa lý xa xôi; thủ tục hải quan phức tạp, các quy định rào cản kỹ thuật hạn chế nhập khẩu nông sản, quy cách bao bì sản phẩm và việc bảo quản hàng mẫu...
Bên cạnh đó, theo đại diện của Bộ Công Thương, có hiện tượng một số doanh nghiệp còn chưa chủ động trong công tác phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để quảng bá sản phẩm, chưa bảo đảm được nguồn hàng trưng bày.
Tại toạ đàm, các đại biểu đã trao đổi về ý tưởng thành lập, tổ chức phòng/không gian trưng bày hàng mẫu nông sản Việt Nam tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực. Các đại biểu cho rằng đây là biện pháp thiết thực để hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, để triển khai tốt mô hình này, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và logistics cần chú trọng phối hợp, gắn kết chặt chẽ, thường xuyên hơn với các Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực trong việc xác định sản phẩm ưu tiên thúc đẩy quảng bá đối với từng thị trường, cách thức tổ chức mô hình trưng bày; chủ động cung cấp hàng mẫu, tài liệu thông tin giới thiệu sản phẩm phù hợp một cách thường xuyên, lâu dài…
Với tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện ở khu vực luôn sẵn sàng phối hợp tích cực, chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá nông sản nhằm đạt được những hiệu quả thiết thực, thực chất, mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam.