"Cha đẻ" giống cam Vinh được Bộ NN&PTNT tôn vinh
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trao tặng bằng khen của Bộ Trưởng cho ông Phạm Quang Lộc. |
(Video chi tiết)
Dự buổi lễ tôn vinh có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tôn vinh những nỗ lực đóng góp trong việc tìm tòi, chọn lọc và phát triển giống cam Sông Con của ông Phạm Quang Lộc và tập thể nông trường Sông Con (Nghệ An).
Chân dung "cha đẻ" cam Vinh
Sinh năm 1927 tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Quang Lộc là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Con tỉnh Nghệ An, nguyên Quyền Trưởng ty Nông lâm tỉnh Thanh Hóa, nguyên Trưởng ban Quản lý quốc doanh nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp, nay là Bộ NN&PTNT.
Ông Phạm Quang Lộc đã có hơn 40 năm công tác liên tục trong ngành nông nghiệp. Trong thời gian công tác tại Nông trường Sông Con, ông Lộc là người trực tiếp phát hiện, lai ghép và tổ chức quảng bá, nhân rộng mô hình trồng cấy, phổ biến giống cam Sông Con.
Ông Phạm Quang Lộc phát biểu trong buổi lễ ghi nhận của Bộ NNPTNT. |
Ông đã được các chuyên gia và Bộ Trưởng Nông nghiệp (năm 1977) ghi nhận là người có công “khai sinh” ra giống cam Sông Con này. Cam Sông Con bắt nguồn từ một giống cam vùng Địa Trung Hải, do chủ đồn điền người Pháp đưa tới trồng ở nông trường Sông Con (Nghệ An).
Nhận thấy đây là giống cam ngon ngọt, hợp thổ nhưỡng, hình thức đẹp nên ông Lộc (khi đó là cán bộ của Nông trường Sông Con) đã trực tiếp thực hiện và tổ chức cho cán bộ kỹ thuật của nông trường lai ghép, nhân giống và sau đó phát triển đại trà.
Cam Sông Con hay còn gọi là cam Vinh đang giúp người nông dân làm giàu. |
Ở thị trường trong nước, cam Sông Con thường được đông đảo người tiêu dùng biết đến với tên Cam Vinh bởi cam này được trồng tại các nông trường ở Nghệ An sau đó chở về ga Vinh để đưa đi các nơi tiêu thụ.
"Từ những năm bao cấp, sản phẩm này đã có tốc độ trồng và tiêu thụ, xuất khẩu hàng đầu của nông sản nước ta" - ông Phạm Quang Lộc phát biểu trong buổi lễ ghi nhận của Bộ NNPTNT.
Với ưu điểm nổi trội cả về năng suất lẫn chất lượng, cam Sông Con có tốc độ phát triển nhanh. Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, giống cam Sông Con đã trở nên nổi tiếng và được trồng phổ biến không chỉ trong ngành nông trường mà còn được nhân rộng trên quy mô hàng chục nghìn hécta, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục nghìn tấn quả mỗi năm.
Một người nông dân đang chăm sóc vườn cam Vinh của mình. |
Việc chọn lọc, nhân giống và phát triển giống cam Sông Con đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngày nay, giống cam Sông Con thường được biết đến với tên gọi theo nơi trồng như cam Vinh (Nghệ An).