Câu chuyện mộc mạc đầy xúc động về món tiền nhỏ ông ngoại giấu kỹ dành cho cháu gái đi học xa
Chắc hẳn chúng ta ai cũng đều có những ký ức đẹp về ông bà mình. Dù đã lớn khôn, sinh con đẻ cái thì trong mắt ông bà chúng ta vẫn mãi là những đứa cháu bé bỏng dễ thương. Có rất nhiều chuyện cảm động về tình yêu của ông bà dành cho con cháu, ngoài tấm lòng cha mẹ thì sự nuông chiều của ông bà luôn ấm áp hơn tất thảy mọi thứ trên đời.
Chuyện về ông của cô gái nhỏ Sao Thương (19 tuổi, SV ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cũng tràn đầy tình thương như thế. Ngày nhỏ được ông cưng nựng ra sao, lớn lên vẫn y nguyên như vậy. Chỉ có một thứ thay đổi, đấy là trái tim của Sao Thương biết xúc động nhiều hơn, biết trân trọng những ngày tháng ít ỏi còn lại bên ông hơn. Được gặp ông ít ngày nhân lúc được nghỉ học, Thương suýt khóc òa vì món quà ông dấm dúi cất riêng cho cháu gái.
Tâm sự nhói lòng về người ông đã lấy đi bao nước mắt của hàng nghìn người.
"Mình đi học xa, về nhà chơi được mấy bữa, tối nay lại phải ra học nên tranh thủ sang chào ông bà một tiếng rồi mới đi. Qua đến nơi thì bà đi chơi chưa về, mình báo tối nay lên xe, thế là ông lọ mọ vào phòng lục lục cái gì đấy mang ra. Là một bọc tiền được ông bọc kĩ càng trong cái tờ giấy chứng nhận Đảng viên, hóa ra là tiền để dành được, ông đưa hết cho mình không sót một tờ!
Mình bảo ông giữ lại tiền lẻ mà xài, nhưng ông đã rút đến cả tờ 500 đồng cuối cùng rồi tự hào nói: 'Con cứ cầm hết đi tiền này ông không xài tới!'. Lúc đó mình chỉ biết cười thôi, nhưng trong lòng có hơi lợn cợn...
Thế đấy, ông chẳng có bao nhiêu nhưng số tiền đó là cả tấm lòng dành tặng cháu gái. Ông đã già lắm rồi, đi đứng phản ứng cũng chậm lắm, chỉ mong ông sống mãi với mình thôi... Muốn được thấy mỗi lần về nhà là lại có người đứng ở cổng nhìn cháu cười tươi như thế...".
Món tiền tuy ít ỏi nhưng lại là tài sản quý giá đáng trân trọng trong mắt cô cháu gái.
Ông bà có thể già đi, mắt mờ chân run, nhiều khi đãng trí, nhưng tình yêu thương dành cho con cháu thì không bao giờ phai mòn.
Đọc xong những dòng tâm sự của Thương, ai cũng rơm rớm tự bao giờ. Món tiền nhỏ ấy chưa đến 100 nghìn, nhưng cũng đủ khiến bao người xúc động, nhớ đến ông bà mình và biết ơn ông bà hơn vì đã hi sinh mọi thứ để dành trọn yêu thương cho con cháu. Hàng chục nghìn thành viên mạng đã lặng người trước câu chuyện ý nghĩa của cô sinh viên nhỏ.
Bạn Phương Dung chia sẻ: "Ông mình mất 4 năm rồi. Trước ông chỉ có lương thương binh thôi mà vẫn hay cho mình tiền, nhiều lúc cho còn giấu giấu sợ mấy đứa cháu khác thấy lại ghen tị. Đi học xa lâu không về được, ông lại nhắc bố mẹ mình gọi điện. Đợt ông ốm trước lúc mất, mình đã đi làm rồi, mà lần nào về ông cũng cho tiền như ngày bé".
Thương Lê thì tâm sự xót lòng: "Bà ngoại mình cũng chiều chuộng y như thế, ngày nào cũng cho 2-3 nghìn quà vặt, còn mua cho cả cái vòng bạc, mà mình cất lung tung đâu rồi, tìm mãi chẳng thấy, buồn quá".
Biết bao người xúc động khi nghĩ đến ông bà mình.
Nhiều người thiệt thòi vì ông bà mất sớm nên chẳng có cơ hội được cảm nhận sự nuông chiều như Thương. Họ chẳng được bồng bế, ngồi xe đạp cùng ông bà đi khắp nơi, lớn lên với sự bảo bọc dạy dỗ đầy yêu thương.
Khá bất ngờ vì mẩu tâm sự ngắn của mình được đông đảo thành viên mạng quan tâm, Sao Thương chia sẻ thêm những kỉ niệm đẹp đẽ về ông ngoại: "Ông em năm nay 84 tuổi rồi, đang sống ở Buôn Mê Thuột. Nhà em gần nhà ông bà, gần như ngày nào cũng chạy sang chơi với ông. Ông hiền lắm, chiều em vô cùng.
Ngày xưa lúc còn hoạt bát khỏe mạnh, ông hay lấy gỗ đóng bàn ghế, nhiều khi còn đóng cả nhà cho nhà em nữa. Hồi em học mẫu giáo, ông đóng cho em thành 1 con ngựa gỗ kiểu bập bênh cho em chơi mà giờ nó mất rồi.
Đợt nhà em còn ở dưới huyện, nhà ông trên phố, có mấy lần ông qua chơi trúng đợt tỉa bắp, ông hay bỏ hết hạt đi rồi lấy cái cùi bắp xây lâu đài, xong bắt con cua bỏ vô làm hoàng tử cho em chơi. Còn nhiều chuyện lắm, kể không hết được. Em may mắn còn đủ ông bà cả nội lẫn ngoại, nên giờ chỉ mong ông bà khỏe mạnh sống lâu hơn, em chưa bao giờ mất người thân nên rất sợ cảm giác ấy".
Thương thừa hưởng nhiều nét giống ông ngoại, nhất là đôi mắt và nụ cười.
Vừa kể chuyện mà Thương cũng muốn khóc nấc lên vì nhớ ông. Bây giờ, ông ngoại cô đã không còn minh mẫn nữa, thi thoảng vẫn không nhận ra Thương, nhưng vẫn cười rạng rỡ, ôm cháu gái thơm lên đầu y như ngày thơ ấu. Mỗi khi về thăm, cô hay bật cười vì bà bảo, ngày xưa đồng ý cưới ông vì ông đẹp trai nhất vùng. Ông vẫn đẹp trai như thế, nhưng yếu đi lắm rồi, vết thời gian cũng in hằn trên gương mặt, tóc thì bạc phơ...
Đâu chỉ có tâm sự của Sao Thương, đã từng có nhiều câu chuyện cảm động về ông bà, được cư dân mạng chia sẻ trong nỗi nhớ thương vô bờ bến, như cảnh ông bà đứng vẫy tay chia ly qua ô kính xe, bát cháo gà còn nguyên lông mặn chát do chính tay ông nấu...
Bát cháo chứa chan tình cảm người ông già nua mắt mờ dành cho đứa cháu xa quê lâu ngày mới về.
Ta mất gần 20 năm để lớn lên, nhưng mất cả đời để tìm về những ngày bé dại. Dù ở quê chẳng náo nhiệt đông vui như thành phố, không quán xá đồ ăn ngập tràn, chỉ có những điều giản dị mộc mạc bên nụ cười móm mém của ông bà, nhưng nó là một phần xúc cảm mà ai cũng trân trọng giữ gìn đến hết đời.
Lynk