Câu chuyện của những cô gái trẻ vùng cao bị lừa bán sang xứ người
5 năm bị “cầm tù” và sự trốn thoát thần kỳ khỏi “địa ngục trần gian"
Câu chuyện của nạn nhân Hồ Thị Th, cô gái trẻ người Pa Cô (27 tuổi, dân tộc Pa Cô, trú tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vì tin lời hứa sẽ cho một công việc kiếm tiền từ một kẻ xấu mà đã bị lừa bán sang Trung Quốc là một minh chứng. Dù đã được giải cứu và hiện đã trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng trong ký ức của Th, cuộc sống “làm trâu ngựa” đầy tủi nhục ấy vẫn khiến những giấc ngủ chẳng được yên.
Chuyện xảy ra vào năm 2019, chị Th khi đó để lại con nhỏ cho chồng ở quê để vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. 20 ngày sau, Th nghỉ việc do sức khỏe yếu và trình độ thấp nên không thể làm được. Khi không biết làm gì để duy trì cuộc sống, cô gái dân tộc Pa Cô được một đối tượng rủ ra Hà Nội bán quần áo lương 6 triệu được bao ăn, bao ở.
Chỉ vì tin vào lời hứa đó, Th đã dần bị mắc bẫy. Đến lúc bị đưa lên Lạng Sơn, Th vẫn tin rằng đang cùng mọi người đi lấy hàng cho công ty ở Trung Quốc. Sự thân mật trong những câu chuyện với “người dẫn đường” càng khiến chị Th vẫn tin rằng mọi thứ tốt đẹp đang đến với mình.
BĐBP Quảng Trị bàn giao chị Th. về đoàn tụ cùng gia đình. (Ảnh: BĐBP Quảng Trị) |
Đi qua biên giới, người đán ông dẫn đường hỏi “ở Việt Nam, chúng nó đưa cho bố em bao nhiêu tiền?”, Th khi đó mới nhận ra mình đã bị bán sang Trung Quốc. Cô lấy điện thoại gọi cho chị chồng cầu cứu nhưng chưa kịp nói hết câu “chị ơi em bị lừa bán rồi” thì bị thu máy. Hi vọng cuối cùng bị dập tắt, chị Thanh chỉ còn cách đi theo vì liên tục bị dọa nạt.
Sau khi bị lừa sang Trung Quốc, Th bị bán vào một gia đình bản địa. Không biết tiếng, không biết đường, bị giam cầm trong nhà, cô gái trẻ người Pa Cô 5 năm liền phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” mà không biết tương lai sẽ về đâu.
Tại căn nhà bị bán vào, cô gái trẻ người Pa Cô hằng ngày phải thức dậy từ 4 giờ sáng để nấu ăn cho cả nhà, và “đến khi mọi người ăn xong còn thừa mới được ăn không thì nhịn đói. Nhà làm nông nên phải đi làm ngoài ruộng và luôn có người canh chừng”.
Thời gian bị "giam cầm", Th không biết ngày tháng, chỉ biết đêm, ngày. Làm quần quật quanh năm, nhưng Th vẫn luôn bị những người trong nhà mắng nhiếc, chửi rủa. Mặc dù không hiểu tiếng nhưng qua khuôn mặt, thái độ, cử chỉ cũng đủ thấy mọi người trong nhà chỉ coi Th như nô lệ được mua về.
Trong cảnh sống như “địa ngục trần gian”, Th đã từng bỏ trốn, nhưng lần ấy vừa tới trước cổng cơ quan Công an nước sở tại thì bị người nhà kia tìm thấy liền bắt về. Những người trong nhà thay phiên nhau đe dọa “chỉ cần trốn một lần nữa sẽ không bao giờ có cơ hội sống”.
Mãi tới một buổi tối tháng 6/2023, nhân thời cơ cả nhà ăn tiệc và ai cũng say rượu nên Th đã bỏ trốn. Khi thoát gia khỏi trốn ngục tù, Th không mang theo thứ gì và vì sợ bị truy bắt nên cô phải đường mòn mà chạy. Đến trấn (nơi đông dân cư) thấy Th như vậy vài người hỏi, cô gái trẻ nói “Cháu người Việt Nam bị lừa bán sang đây, xin các ông các bà chỉ đường tới chỗ công an”.
Thật may, những người Th gặp đều là người tốt bụng nên đã bắt xe rồi dặn lái xe đưa cô đến đồn công an nước sở tại và được các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận, sau đó BĐBP tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ, đưa về đoàn tụ gia đình.
Muôn vàn loại bẫy “bao vây” các cô gái trẻ miền cao
Không chỉ lừa các nạn nhân bằng chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng mua bán người còn nhắm đến những thiếu nữ người dân tộc thiểu số bằng cách tiếp cận, làm quen, tán tỉnh rồi rủ đi chơi. Trong đó, nữ sinh Lò Thị G, ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) là một trong số rất nhiều nạn nhân đã bị sập vào cái “bẫy” tưởng chừng như đơn giản ấy.
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho người dân để nâng cao cảnh giác với tội phạm mua bán người. (Ảnh: Trúc Hà) |
Theo lời kể của G, vài năm trước, khi em đang học lớp 10 thì có quen qua Facebook một bạn nam lớp 11 cùng trường. Ngày 6/2/2017, người bạn đó rủ G. đi chợ Cốc Lếu ở TP.Lào Cai. Chưa từng biết khu chợ này, nên G. háo hức nhận lời. Sau khi dạo chợ, người bạn nói đưa G. về bằng đường tắt. G. hoảng sợ khi thấy càng đi càng vào sâu trong đồi vắng.
“Lúc ấy tầm 19h, nó giao em cho 2 người đàn ông lạ. Em van xin nó đừng bán em, muốn bao nhiêu tiền về nhà bố mẹ em sẽ trả. Nhưng nó lạnh lùng bỏ đi...”, G chia sẻ.
Khi đã sang đến địa phận Trung Quốc, nhóm người kia tiếp tục đưa G đi sâu vào nội địa. Mấy hôm sau, cả nhóm gặp một thanh niên Việt Nam trong đường dây chờ sẵn. Khi nghe G khóc và kể lể sự tình, anh ta thắc mắc “con bé này không muốn đi, sao đưa nó qua đây?”. Mấy người kia nói: “Thôi lỡ rồi, bán nó đi, lấy 10.000 nhân dân tệ”. Bất ngờ, thanh niên người Việt Nam nói trên đã bỏ tiền chuộc G. Anh ta tiết lộ quê mình ở Điện Biên, từng là sinh viên và có đứa em gái cũng rơi vào hoàn cảnh bị lừa bán như G.
“Anh ấy trách em có ăn học, hiểu biết sao để người ta lừa bán thế này rồi dặn về nhà đừng quá tin ai, kể cả họ hàng, bạn thân”, G nói.
Sau khi trở về Việt Nam, G đã làm đơn tố giác người bạn học đã từng lừa bán mình, đây cũng là một bài học cho cô gái trẻ để lần sau không còn tin theo đối tượng xấu.
Nạn mua bán người vẫn là một vấn đề nhức nhối. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán; hỗ trợ cho 65 nạn nhân, tăng 16 nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ so với cùng kỳ năm 2022. Giai đoạn từ 2018 đến hết 2022, số vụ mua bán người để bán ra nuớc ngoài chiếm khoảng 66% tổng số vụ. Năm 2022, cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra 41 vụ/136 đối tượng mua bán người trong nội địa, lừa bán 110 nạn nhân, chiếm trên 45% tổng số vụ. Quý I/2023, cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra 28 vụ/99 đối tượng mua bán người trong nội địa, chiếm 50% tổng số vụ). Các đối tượng buôn bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt và sử dụng nhiều hình thức như đưa người đi lao động nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, đẻ thuê, mang thai hộ, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, mua bán nội tạng dưới hình thức hiến tặng... Tội phạm mua bán người thường dựa trên điểm yếu của nạn nhân như trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhẹ dạ cả tin, mong muốn tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Thực tế này đòi hỏi cần có hình thức truyền thông thực tiễn, phù hợp, giúp người dân nhận biết những nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, đặc biệt những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. |
*Hình ảnh và tên nhân vật đã được làm mờ, thay đổi.
Việt Nam và Vương Quốc Anh chung tay phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Tối 20/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Chương trình hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (30/7)". Điểm nhấn của chương trình là phần trình chiếu video truyền thông về phòng, chống mua bán người do Đại sứ quán Anh kết hợp với Hoa hậu H'Hen Niê sản xuất. |
IOM sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh mục tiêu xóa bỏ nạn buôn bán người Ngày 30/7 là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" và cũng là "Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người". |