Cảnh giác trước chiêu lừa quảng cáo tour du lịch giá rẻ
Sau hơn hai năm gần như bị đóng băng do đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại. Để kích cầu, các hãng lữ hành đua nhau giới thiệu, quảng cáo nhiều chuyến du lịch với mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh đó xuất hiện các đối tượng xây dựng những chuyến du lịch ở nhiều địa điểm hấp dẫn, giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Cảnh báo của một du khách sau khi bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: QĐND |
Trên các hội, nhóm du lịch, nhiều hành khách cho biết đã dính bẫy bởi những lời mời chào mua tour du lịch giá rẻ 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm đến các điểm du lịch, như: Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn... với giá chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và ở khách sạn hạng sang...
Các đối tượng thường dùng tài khoản Facebook ảo, tên và ảnh người khác, tự xưng là nhân viên/cộng tác viên công ty du lịch. Sau khi lừa khách chuyển tiền vào tài khoản cho mình với lời hẹn ngày nhận mã vé và code phòng khách sạn, đối tượng biến mất. Với thủ đoạn tinh vi, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt. Còn khách hàng chỉ khi bị lừa mất tiền hoặc đã dùng xong các dịch vụ không như quảng cáo thì mới biết và nhận được chia sẻ thì cũng đã muộn.
Trao đổi trên báo chí, ông Phạm Đình Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Unique Tours cho biết, hiện nay, các đối tượng lừa đảo “tour du lịch giá rẻ” hoạt động mạnh hơn do người dân có nhu cầu cao. Lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, đối tượng thường dùng hình ảnh khách sạn hạng sang, tour du lịch thú vị, cảnh quan đẹp để quảng cáo vào những hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng nên rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Huy Khang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt (Hà Nội) đưa ra lời khuyên: khi mua combo trong các hội, nhóm khuyến mãi, giá rẻ trên mạng xã hội, du khách có thể liên hệ với các quản trị viên nhóm hoặc đăng bài để nhờ kiểm chứng mức độ tin cậy. Trước khi giao dịch, du khách cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên lạc trùng với hình ảnh và tên sử dụng trên tài khoản Facebook, hoặc tên công ty, đại lý du lịch...
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) khuyến cáo mọi người cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm, nên chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề.
Khách hàng cần cân nhắc việc đơn vị du lịch đề nghị chuyển tiền để giữ chỗ bởi về nguyên tắc, đây chưa phải là khoản tiền xác nhận cung cấp dịch vụ mà chỉ là khoản đặt cọc để đơn vị đó kiểm tra tình trạng gói du lịch.
Các doanh nghiệp lữ hành cần đặt mục tiêu xây dựng niềm tin và sự hài lòng của du khách lên hàng đầu để mang đến các sản phẩm du lịch chất lượng tốt với mức giá hợp lý, không “treo đầu dê bán thịt chó”, góp phần thực hiện thành công chương trình kích cầu du lịch nội địa.