Cần xử lý thỏa đáng sai phạm của cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà
Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTW) vừa có kết luận về những vi phạm của Ban cán sự đảng BIDV và ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV trong nhiệm kỳ 2011-2015 và 2015-2020.
UBKTTW cho rằng, những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng. Điều này đã gây ra những hậu quả về kinh tế và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV. Ảnh: KT
“Cần xử lý nghiêm minh với chế tài đích đáng”
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho biết, vụ việc này xảy ra từ nhiều tháng nay, đặc biệt khi xét xử vụ án Phạm Công Danh của Ngân hàng xây dựng.
BIDV là một ngân hàng lớn, có vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Cá nhân ông Trần Bắc Hà đã làm việc tại đây hơn 30 năm, giữ trọng trách của người đứng đầu trong gần 10 năm. Do đó, có thể xem đây là một vụ án lớn, có tầm quan trọng trong việc chống tiêu cực tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm vụ việc này chứng tỏ sự kiên quyết của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng để làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Theo ông Lưu Bích Hồ, kết luận của UBKTTW đối với vụ việc của ông Trần Bắc Hà là bước khởi đầu rất quan trọng để tiến tới thực hiện những việc làm tiếp theo của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Qua đó làm rõ mức độ, tính chất và hậu quả của những vi phạm do ông Trần Bắc Hà cùng tổ chức Đảng và Hội đồng quản trị của BIDV thời kỳ đó gây ra. Từ đó sẽ có kết luận đầy đủ và xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ông Lưu Bích Hồ kỳ vọng: “Tôi tin rằng mọi chuyện sẽ được phanh phui rõ ràng, xử lý nghiêm minh với chế tài đích đáng, thu hồi tiền vốn đã mất, khôi phục kỷ cương và góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Tôi mong rằng, qua đây tiếp tục thể hiện được tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm. Vụ việc này liên quan đến ai, ở cấp nào, còn đương chức hay đã nghỉ hưu đều phải được xử lý và đưa ra ánh sáng của pháp luật”.
Ảnh: Zing
Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Phát triển và Thương mại Phúc Lâm cho rằng, việc hàng loạt cán bộ, đảng viên bị đưa ra kỷ luật trong đó có ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch ngân hàng BIDV, đã và đang thể hiện rõ quyết tâm lập lại kỷ cương phép nước, củng cố và lấy lại lòng tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Theo ông Thành, những sai phạm của ông Trần Bắc Hà xảy ra trong nhiều năm nhưng đến nay ông Trần Bắc Hà cũng như nhiều cán bộ khác mới bị kiểm tra, kỷ luật là một sự may mắn đối với họ nhưng đó là một bài học lớn trong công tác cán bộ và quản lý kinh tế.
Kết luận về các sai phạm của ông Trần Bắc Hà sẽ thỏa đáng khi UBKTTW chỉ ra những vi phạm trong thời kỳ ông Hà làm chủ tịch BIDV. Cùng với đó, bản thân ông Hà sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật tương xứng theo quy định của tổ chức Đảng cũng như hình phạt theo quy định của pháp luật.
Ông Thành cho rằng: “Cho dù phải chịu hình thức kỷ luật hay phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật thì những hậu quả ông Hà gây ra là không thể cứu vãn và khắc phục toàn vẹn. Bởi đó là những thất thoát, thiệt hại về kinh tế, là sự bất công bằng trong xã hội. Quan trọng hơn cả, những cán bộ cấp cao vi phạm nghiêm trọng theo kết luận của UBKTTW đã tạo nên lỗ hổng về niềm tin của nhân dân về các tổ chức đó, là sự sụt giảm niềm tin vào Đảng và chế độ”.
Đóng góp của ông Trần Bắc Hà cho BIDV Ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển và Đầu tư Việt Nam - BIDV (mã chứng khoán BID) để nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016. Đây cũng là điểm kết cho hành trình hơn 35 năm gắn bó của ông với ngân hàng này. Trước đó, ông được xem là một trong những nhân vật quyền lực và có nhiều ảnh hưởng nhất đối với giới tài chính Việt Nam. Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định. Từ khi bắt đầu sự nghiệp ông đã gắn bó với BIDV. Khi đó, ông mới 25 tuổi. Sau 10 năm công tác tại nhà băng này, tháng 7/1991, ông được bổ nhiêm chính thức làm Giám đốc Chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định. Trước đó, ông từng giữ các chức vụ như Giám đốc Sở Giao dịch III; Giám đốc Công ty quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, Giám đốc Công ty chứng khoán BIDV… Đến năm 1999, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến tháng 5/2003, ông được lựa chọn làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Ông chính thức trở thành lãnh đạo quyền lực nhất tại nhà băng này từ đầu năm 2008 với vai trò Chủ tịch HĐQTvà là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần Nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BID. Ngoài vai trò lãnh đạo tại BIDV, ông Hà cũng từng là Chủ tịch HĐQT hàng loạt công ty như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC); Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC); Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC); rồi Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM). Trong suốt năm tháng ở BIDV, ông Hà đóng vai trò quan trọng trong việc giúp BIDV khẳng định vị thế vững chắc trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Sự nghiệp của ông gắn với sự kiện BIDV lên sàn chứng khoán giúp ngân hàng này thu về hàng nghìn tỷ đồng. Thương vụ IPO BIDV vào năm 2011 đã giúp ngân hàng này thu về hơn 1.575 tỷ đồng từ việc chào bán thành công toàn bộ 84,7 triệu cổ phần đưa ra đấu giá khi đó. BIDV cũng trở thành ngân hàng có sức ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến của thị trường chứng khoán Việt khi là 1 trong 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE. Dưới sự lãnh đạo của ông Hà, năm 2015, BIDV đã nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) để trở thành nhà băng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. |
N.H (t/h)