Cần có cơ chế phản hồi đối với các kiến nghị của kiều bào
“Tôi rất băn khoăn, lập xong thì thế nào, sinh hoạt ra sao, làm sao hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, có rất nhiều kiều bào có chia sẻ, họ được mời rất nhiều hội thảo, hội nghị, các hoạt động cộng đồng, tuy nhiên, sau khi chia sẻ ý kiến thì không thấy ai phản hồi. Họ rất chán”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, bất kỳ bà con kiều đi ra nước ngoài cũng đều muốn hướng về quê hương và nơi đầu tiên chính là nơi mình sinh ra. Chính vì thế các địa phương cần phát huy hiệu quả nguồn lực của kiều bào.
Kiều bào luôn hướng về quê hương. |
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp của địa phương có nghiên cứu cần xây dựng kế hoạch/đề án chi tiết, cụ thể về thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài. Đề án, kế hoạch cần phải rõ các điểm: thu hút kiều bào trong lĩnh vực nào, đối tượng kiều bào nào, nhằm vào ai, mục tiêu là để làm gì? Từ cụ thể này địa phương xác định có những chính sách gì để thu hút kiều bào?
Bên cạnh đó, địa phương cần phải nắm rõ số lượng kiều bào, số lượng doanh nhân, tri thức kiều bào, những hội đoàn, đồng hương của địa phương, tập trung vào cử cá nhân kiều bào có năng lực, hiểu biết và uy tín làm đại diện của địa phương ở sở tại.
Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế nghiên cứu, xử lý, áp dụng sao cho hiệu quả những ý kiến, ý tưởng của tri thức kiều bào. Đây là điều quan trọng nhất.
“Muốn các mạng lưới tri thức kiều bào hoạt động hiệu quả, thì phải có đỡ đầu, đặt hàng trong nước. Kinh phí là một phần, cái chính là làm sao ý kiến của kiều bào được lắng nghe và có phản hồi”, Đại sứ cho biết.
Ông Phạm Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH&CN, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang trình khoảng 4 đề án để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, phát triển nguồn lực Việt Nam ở nước ngoài: công tác tôn vinh tiếng Việt, công tác phát huy nguồn lực, cơ sở dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài.
“Các Cơ quan đại diện sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm và kết nối với mạng lưới chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào theo chủ trương và yêu cầu cụ thể của địa phương, doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Hùng rất mong địa phương rất quan trong tâm trong việc rà soát những thủ tục liên quan đến khó khăn cho kiều bào về nước đầu tư, tham gia vào các nghiên cứu khoa học, công nghệ, phối hợp xem xét sửa đổi. Ngoài ra, các địa phương cần có chế phản hồi đối với các kiến nghị của kiều bào.
“TP.HCM là địa phương có kinh nghiệm tốt trong việc xây dựng cơ chế phản hồi. Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM là nơi tiếp nhận những kiến nghị của kiều bào lên thành phố để có phân công cho các sở, ngành tiếp nhận và giải đáp những kiến nghị, thắc mắc kiều bào. Các địa phương nên quan tâm đến vấn đề này”, ông Hùng chia sẻ.