Cần cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu quả hợp tác điện năng Việt Nam và Lào
- Thưa ông, xin ông cho biết kết quả chuyến thăm Lào mới đây cùng Bộ trưởng Bộ Công thương?
- Chuyến thăm nước CHDCND Lào mới đây của Bộ Trưởng Bộ Công Thương vào những ngày cận kề tết cổ truyền của các dân tộc Lào anh em. Chuyến thăm đã diễn ra trong không khí vô cùng gần gũi và ấm áp, thắm đượm tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước, giữa những người đồng chí cùng làm việc trong ngành công thương. Ngành công thương 2 nước đã cùng điểm lại các thành tựu đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 bên.
Riêng đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu điện năng, 2 bên đã cùng điểm lại những việc đã làm được, những việc cần phải làm tiếp, những khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để đạt được cam kết về việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đạt tối thiểu 3000MW vào năm 2025 và 5000MW vào năm 2030 như cam kết giữa 2 Chính phủ.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân trao hợp đồng mua bán điện với đối tác nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith vào tháng 6/2021. |
- Việt Nam có hợp tác về điện năng với một số quốc gia, thưa ông, riêng hợp tác giữa Việt Nam với Lào có gì khác biệt?
- Thông thường, việc hợp tác giữa 2 quốc gia trong lĩnh vực điện năng thường là việc mua bán điện giữa 2 hệ thống điện. Tuy nhiên, trong mối quan hệ hợp tác hiện tại giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực điện năng hiện nay, thì đó là việc nhập khẩu trực tiếp điện năng phát từ các nhà máy điện đầu tư xây dựng tại Lào bán điện vào lưới điện của EVN. Vì vậy, mối quan hệ giữa bên mua điện và bên bán điện theo hợp đồng mua bán điện cần được sự ủng hộ mạnh mẽ từ 2 Chính phủ. Tiềm năng phát điện của nước CHDCND Lào rất dồi dào, từ thuỷ điện, nhiệt điện, đến các loại hình năng lượng tái tạo, nhưng cần một cơ chế chính sách phù hợp đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đủ sức để khơi thông mọi nguồn lực đầu tư vào các nhà máy điện bán điện cho Việt Nam.
- Trong tương lai, theo ông để việc hợp tác đạt hiệu quả cao nhất, ngành điện 2 nước nên ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào?
- Việc cần thiết trước mắt là 2 bên cần xây dựng một cơ chế chính sách phù hợp, đủ để động viên và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các nhà máy điện bán điện về Việt Nam, đồng thời xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp để EVN có thể yên tâm mua điện từ phía bạn. Sau đó là vấn đề quy hoạch, sao cho việc đầu tư nguồn điện phía bạn cần đồng bộ với việc đầu tư lưới điện phía Việt Nam, đảm bảo hiệu quả đầu tư cho cả 2 phía.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Lào-Việt Nam lĩnh vực năng lượng và mỏ, vào tháng 4/2022 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. |
- Để việc phối hợp phát triển điện năng hiệu quả, thưa ông, về cơ chế chính sách hiện tại có những nút thắt nào cần tháo gỡ?
- Khung giá điện cho thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió nhập khẩu từ Lào về Việt Nam sẽ hết hạn vào hết năm 2025. Do đó, một cơ chế giá điện phù hợp, phương pháp tính toán giá điện cũng như hợp đồng mua bán điện mẫu cần được cơ quan có thẩm quyền ban hành để kịp thời thúc đẩy việc đầu tư các nhà máy điện bán điện về Việt Nam.
- Ông kỳ vọng gì vào tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực điện năng giữa 2 nước Việt Nam và Lào?
- Như trên đã nói, tiềm năng phát triển các dự án điện ở Lào là rất lớn. Do đó, nếu có cơ chế chính sách phù hợp giữa 2 nước chắc chắn sẽ phát huy được những tiềm năng đó, để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ 2 nước đã cam kết.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn
Chính phủ giao 5 thành phố trung ương xây dựng đề hạn chế hoạt động xe máy Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. |
Khẩn trương hoàn thành dự án truyền tải để nhập khẩu điện từ Lào Ngày 24/3, tại Nghệ An, ông Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đi kiểm tra thực địa và họp kiểm điểm tiến độ dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam). |