Các tỉnh thành khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3
Để nhân dân sớm ổn định đời sống sau thiên tai, lãnh đạo nhiều tỉnh thành, địa phương nhanh chóng triển khai các phương án hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Nhiều nơi đã tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các hộ dân đang phải di dời tránh bão. Việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân sau bão cũng được đảm bảo, không có tình trạng thiếu hàng; không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Các siêu thị vẫn mở cửa liên tục, nguồn cung đảm bảo...
Quảng Ninh: "3 trước 4 tại chỗ"
Nhiều nhà dân tại Bãi Cháy, Hạ Long thiệt hại sau bão số 3 (Ảnh: Báo Quảng Ninh). |
Ngay trước khi bão số 3 đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh đã có phương châm chủ động “3 trước, 4 tại chỗ” phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương. Chủ động 3 trước: nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước. 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê bước đầu từ các địa phương, có 2.083 nhà bị tốc mái, 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ, có hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi, 336ha lúa bị ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng, pano, biển quảng cáo bị gãy đổ.
Ngày 8/9, các lực lượng, đơn vị, địa phương đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bão số 3. Tuy nhiên, với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, tăng cấp không theo quy luật, bão số 3 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ về lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; các ngành điện lực, viễn thông khẩn trương khắc phục sự cố cấp điện, viễn thông trở lại trên địa bàn toàn tỉnh; các bộ, ngành xem xét, có chính sách hỗ trợ các gia đình, đơn vị có thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra; nâng cấp đê Hà Nam để có thể chống chịu với gió, bão cấp 15.
Để khắc phục ngay tình trạng mất điện, tê liệt thông tin, tỉnh Quảng Ninh tích cực phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn VNPT, Vietel, Mobiphone chạy đua với thời gian, dồn toàn bộ nhân lực cho việc khôi phục lại các lưới điện, mạng viễn thông.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ khẩn trương khôi phục nguồn điện và hệ thống viễn thông của tỉnh. Quảng Ninh sẽ đề xuất Quân khu 3 hỗ trợ tỉnh trong vấn đề cứu hộ, cứu nạn trên biển, dọn dẹp hậu quả sau bão và nâng cấp Tuyến đê Hà Nam, là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hải Phòng: Trung ương sẽ hỗ trợ Hải Phòng 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão
Đoàn viên thanh niên thành phố Cảng cùng lực lượng chức năng dọn dẹp tuyến đường, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra (Ảnh: Thành đoàn Hải Phòng). |
Theo báo cáo nhanh của Hải Phòng, địa phương đã có 2 người tử vong (tại huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên) do bị tường bếp đổ (nhà kiên cố không thuộc diện di dời); 18 người bị thương được sơ cứu tại các trung tâm y tế huyện, quận. Hiện, tình hình thiệt hại tài sản ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.
Sơ bộ thống kê đến 12h ngày 8/9, mưa bão làm hư hỏng 528 nhà dân, 128 trường, 13 cơ sở y tế, 104 trụ sở làm việc, 3 trạm điện, 210 trang trại, 367 cột điện, cột chiếu sáng; hơn 6.000 cây bị gãy đổ; 16.735ha lúa và hoa màu, 48ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Địa phương đã ưu tiên tập trung khắc phục điện cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, trường học, các trạm cung cấp nước sạch để phục vụ sản xuất và nhu cầu của người dân.
Riêng đối với huyện đảo Cát Hải, việc khôi phục hệ thống lưới điện gặp khó khăn hơn do phụ thuộc vào việc khắc phục sự cố đứt đường dây truyền tải trên khu vực biển.
Việc khắc phục sự cố về hệ thống viễn thông dự kiến hoàn thành trong ngày 9/9. Tuy nhiên riêng với khu vực huyện đảo Cát Hải, do địa hình đồi núi, xa đất liền nên việc khắc phục sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Chiều tối ngày 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát tình hình, động viên người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại thành phố Hải Phòng. Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ hỗ trợ Hải Phòng 100 tỷ đồng và mong Hải Phòng tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường với sự hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa bão, tiếp tục ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra sau bão, đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ, chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Hà Nội: người dân chung tay khắc phục hậu quả sau bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Hà Nội nhanh chóng dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão số 3. (Ảnh: Vân Anh) |
Sau hơn 1 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, TP.Hà Nội ghi nhận gần 17.400 cây xanh đổ và gãy cành, khiến giao thông nhiều tuyến phố bị chia cắt, chắn toàn bộ hoặc một phần lòng đường; làm 4 người chết, 11 người bị thương. Mưa bão khiến 274 hộ dân có nhà, công trình bị tốc mái; 4 nhà mái tôn bị sập; 19 công trình nhà ở hư hỏng và đổ gãy nhiều cột điện. Nhiều quận, huyện mất điện cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu, thoát nước của các trạm bơm, sản xuất và sinh hoạt của dân.
Ngay trong sáng 8/9, trên các tuyến phố, đông đảo lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể và nhiều tổ chức chính trị - xã hội cùng người dân chung tay khắc phục hậu quả sau bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Thống kê sơ bộ, đến sáng cùng ngày, khi bão Yagi đổ bộ vào địa bàn, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ và công an các địa phương ở Hà Nội đã kịp thời điều động gần 300 lượt phương tiện, gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp các ban, ngành, người dân tổ chức cứu nạn, cứu hộ 172 vụ cây đổ, bật gốc, gãy cành, nhà tốc mái. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Sau đó, tất cả các đơn vị trong Công an thành phố tiếp tục phối hợp các lực lượng nhanh chóng giải phóng các tuyến đường bị cây đổ chắn lối, giúp người dân sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.
Lực lượng hải quân giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3 Bão số 3 đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh... Lực lượng Hải quân đã khẩn trương cứu hộ các ngư dân gặp nạn trên biển do ảnh hưởng của bão, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão. |
Đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho quân nhân hy sinh khi phòng, chống bão số 3 Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (27 tuổi) - Đại đội trưởng Đại đội 3 (Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng) đã có hành động dũng cảm, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024 tại Quảng Ninh. |