Các tỉnh miền Bắc sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão số 1
Tàu thuyền trú bão tại khu vực tránh trú phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Tại tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 18/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn 36 quả pháo hiệu báo bão tại đảo Cô Tô và Ngọc Vừng để kêu gọi ngư dân về bờ tránh bão, hoàn thành việc di dời hơn 2.300 người lao động ở các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ. Tỉnh cũng đã cấm biển từ chiều qua và tất cả tàu cá xa bờ và gần bờ, tàu du lịch đã về nơi tránh trú, neo đậu.
Mục tiêu cao nhất trong việc ứng phó bão số 1 của tỉnh Quảng Ninh là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.
Ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), cơ quan chức năng cũng đã hoàn tất việc cắt tỉa cây xanh dọc một số trục đường để tránh việc gió lớn quật ngã cây, gây thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ.
Tại huyện đảo Cô tô, trong 2 ngày 16 đến 17/7, địa phương đã tăng cường các chuyến tàu và có gần 12.000 khách về bờ an toàn. Hiện trên đảo có hơn 340 du khách đã được bố trí nghỉ ngơi ở các cơ sở lưu trú an toàn.
Trong 2 ngày 16 đến 17/7, địa phương đã tăng cường các chuyến tàu và có gần 12.000 khách về bờ an toàn. (Ảnh: VOV.VN) |
Tại TP Hải Phòng, ghi nhận ở khu vực huyện đảo Cát Hải và huyện đảo Bạch Long Vĩ, các tàu thuyền đã neo đậu an toàn, bao gồm tàu thuyền khai thác thủy sản, hoạt động vận tải, du lịch của huyện và phương tiện của ngư dân các địa phương khác. Qua quan sát của Trạm rada 490 đến phạm vi 33 hải lý hiện không còn phương tiện hoạt động trên biển.
Tại tỉnh Ninh Bình, theo thông tin từ Đồn Biên phòng Kim Sơn (Bộ đội Biên Phòng tỉnh Ninh Bình), trong đêm 17/7, tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn và nắm được thông tin về cơn bão số 1.
Đồn Biên phòng Kim Sơn đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành công điện yêu cầu kiểm tra, rà soát và triển khai thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "bốn tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống,…
Tỉnh Ninh Bình hiện cũng đã sẵn sàng vận hành các công trình tiêu úng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Tàu thuyền nơi neo đậu tránh bão tại khu vực Trạm kiểm soát biên phòng cửa đáy thuộc Đồn biên phòng Kim Sơn, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN) |
Tại Lạng Sơn, tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố chủ động, kiên quyết di dời, sơ tán dân tại khu vực vực có nguy ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, hoàn thành trước 12h ngày 18/7; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng canh gác, rà soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập; Rà soát, kiểm tra an toàn đối với khu vực khai thác khoáng sản, các công trình xây dựng đang thi công, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn; ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tranh thủ thu hoạch sớm diện tích lúa, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện tại, tỉnh đã huy động lực lượng trên 38.000 người gồm quân đội, công an, biên phòng, lực lượng xung kích,… để tham gia chống bão; huy động, bố trí gần 100 chiếc xuồng, thuyền máy các loại; hàng trăm nhà bạt và các thiết bị như máy phát điện, máy bơm, áo phao và phao cứu sinh…
Để đảm bảo an toàn trong mưa bão, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã hướng dẫn chằng chống nhà cửa, đồng thời khuyến cáo người dân không chơi đùa, bơi lội hoặc đi lại trong nước lũ; không vớt củi, đồ vật trôi trên sông trong nước lũ; không đi vào khu vực nguy hiểm, khu vực có biển cảnh báo; chủ động di dời người, tài sản ra khỏi những khu vực ven sông, suối, khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao.
Tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng cũng đã tập trung rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao để có phương án di dân khi mưa lớn xảy ra. Các hồ chứa tại Bắc Kạn, Cao Bằng ở mức thấp, đạt khoảng 50% thiết kế. Ngoài ra, các địa phương đã lên danh sách hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng trên các quốc lộ huyết mạch và yêu cầu ngành giao thông vận tải phối hợp đơn vị quản lý và các địa phương sẵn sàng nhân lực, phương tiện khắc phục khi có mưa lũ, sạt lở.
Chuyển hướng sang nhà ở xã hội, các “ông lớn” bất động sản đang làm đến đâu? Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, việc các doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội có thể là một giải pháp giúp doanh nghiệp khơi thông dòng tiền, đồng thời, tận dụng những chính sách vừa được ban hành dành riêng cho phân khúc này. |
Sẵn sàng hỗ trợ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng do bạo loạn tại Pháp Chiều 6/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đề nghị cho biết các vụ bạo loạn gần đây tại Pháp có ảnh hưởng đến cuộc sống của người Việt ở nước này hay không? Trả lời câu hỏi này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: |