Bulgaria tài trợ gần 1 tỉ đồng cho dự án tạo sinh kế từ hoa sen Việt
Cánh đồng sen trong bức ảnh "Mùa thu hoạch" của tác giả Thanh Phong (báo Đảng cộng sản). |
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Bulgaria năm 2020, Bộ Ngoại giao Bulgaria thông qua Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam đã lựa chọn dự án xuất sắc và có ý nghĩa nhất trong số 38 dự án thuộc phạm vi quan hệ ngoại giao nhân dân để tài trợ thúc đẩy dự án đi vào thực tế.
Đơn vị chiến thắng là Đại học Nông Lâm - Đại học Huế với ý tưởng đưa cây sen và hoa sen Việt Nam vào thực tế, biến thành các sản phẩm không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người phụ nữ nông thôn Việt Nam, đã vinh dự được Đại sứ quán Bulgaria lựa chọn cấp kinh phí tài trợ trong số 38 dự án khác.
Dự án của trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế (HUAF) có tên:” Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa và phát triển du lịch mô hình sinh thái: mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn” đã chính thức ký kết Thỏa thuận tài trợ với Đại sứ quán Bulgaria đại diện Bộ Ngoại giao Bulgaria vào đầu tháng 04/2021 vừa qua tại Đại sứ quán Bulgaria tại Hà Nội.
Các đại biểu cùng nhau chia sẻ và trò chuyện về ý nghĩa buổi ký kết. Ảnh: Thúy Hằng - Thời Đại |
Dự án được thực hiện tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng giá trị tài trợ là 68,541 BGN (35,044 euro, tương đương 950 triệu đồng), trong đó 58,945 BGN (30,138 euro tương đương 800 triệu đồng (chiếm 86%) được tài trợ theo nguồn vốn ODA của Bungaria với thời gian thực hiện là 24 tháng, bắt đầu từ ngày 2/4/2021.
Đại sứ Bulgaria tại Việt Nam, bà Marinela Petkova thay mặt Bộ Ngoại giao Bulgaria và PGS.TS. Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm, Đại học Huế ký kết bản Thỏa thuận tài trợ cho dự án của Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: Thúy Hằng - Thời Đại |
Trao quyền kinh tế cho phụ nữ
Dự án hướng tới các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương ở xã Phong Bình, với mục tiêu khuyến khích đa dạng hóa sinh kế, tạo thu nhập mới và cơ hội việc làm độc lập, đồng thời xây dựng nghề nông nghiệp truyền thống là trồng sen và các nghề thủ công liên quan. Dự án có tính tổng thể bao trùm và có sự tham gia của nhiều bên liên quan - các nhà nghiên cứu của đại học Huế (HUAF), chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội (Hội Phụ nữ địa phương), các công ty và cộng đồng.
Việc phát triển nông nghiệp bền vững ở các vùng nông thôn Việt Nam và trao quyền kinh tế cho phụ nữ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc cải thiện mức sống người dân đặc biệt là người phụ nữ trên cả nước.
Cây sen có rất nhiều tiềm năng có thể làm thay đổi cuộc sống của người phụ nữ nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển bền vững. Ảnh minh họa |
Dự kiến, với phương pháp tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm với xã hội của dự án có thể có tác động nhân lên đối với các cộng đồng trong khu vực, do đó tạo ra một mô hình kinh tế địa phương bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huế, Phó trưởng Khoa cơ khí công nghệ, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế - người đưa ra ý tưởng, thành lập và xây dựng lên dự án này chia sẻ:" Vẻ đẹp Huế, nhất là văn hóa ẩm thực của Huế có thể thấy đã gắn liền với các sản phẩm chế biến từ sen Huế từ rất lâu đời. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển các giá trị của sen Huế và đặc biệt là đưa giá trị đó vào thực tế cuộc sống để nâng cao thu nhập cho những người trồng sen ở Huế đến nay chưa có được các giá trị đầu ra và chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú cũng như có chất lượng cao. Do đó nhóm nghiên cứu được sự hỗ trợ của Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã đầu tư nghiên cứu làm sao tạo ra những sản phẩm có thể nâng cao được giá trị từ cây sen Huế và làm nổi bật lên tinh thần văn hóa ẩm thực xứ Huế. Bên cạnh đó còn góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho người dân trồng sen, đặc biệt là người phụ nữ cũng là lực lượng lao động gắn bó mật thiết với các công việc trồng trọt, chăm bón và chế xuất sản phẩm từ sen".
Ông Huế cho rằng điểm thú vị có lẽ là chữ "Duyên" khi dự án được lên ý tưởng và bắt tay thực hiện. Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 70 thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Bulgaria, được biết Bộ Ngoại giao Bulgaria thông qua Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam có chương trình tài trợ các dự án thúc đẩy ngoại giao nhân dân hai nước, tiến sĩ Huế nghĩ đến hình ảnh hoa hồng Bulgaria - loài hoa nổi tiếng toàn thế giới thể hiện giá trị quốc gia của Bulgaria, ông liên tưởng đến hoa sen cũng là quốc hoa Việt Nam, cũng là loài hoa rất đẹp và cao quý, vừa thân thuộc tại xứ Huế, lại có thể mang lại nhiều giá trị thực tế cho đời sống. Đặc biệt tại Huế, ngoài sen trắng còn có sen hồng rất quý và đẹp, với dự án bảo tồn và phát triển sen thành hiện thực, sau này còn có thể phát triển nhiều loài sen đẹp hơn nữa.
Tại buổi lễ, chia sẻ về việc lựa chọn dự án của trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế là đơn vị chiến thắng để nhận được khoản tài trợ trên, bà Marinela Petkova, Đại sứ Bulgary tại Việt Nam cho rằng: "Dự án mang lại nhiều lợi ích cho người phụ nữ nông thôn và nhằm tạo ra một môi trường giúp họ phát triển và cải thiện cuộc sống. Hoa sen có giá trị biểu tượng của Việt Nam cũng như hoa hồng có giá trị biểu tượng của Bulgaria, chúng tôi nhận thấy dự án có thể tạo ra một mô hình mẫu cung cấp công cụ và định hướng cho người phụ nữ nông thôn không chỉ bảo tồn được hoa sen tại địa phương mà còn phát triển cuộc sống của chính họ từ loài hoa đó."
Tham gia tại lễ ký kết còn có bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục du lịch Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bulgaria. Bà Hương trao đổi: Việt Nam và Bulgaria có tình hữu nghị truyền thống rất lâu đời. Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Bulgaria ngày càng được củng cố. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm Bulgaria đều có các chương trình tài trợ cho Việt Nam, như trao tặng 8 suất học bổng cho giới trẻ Việt Nam sang học tập tại Bulgaria và các dự án nhỏ cho Việt Nam, cụ thể như dự án này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bulgaria. |
Bà Hương cũng chia sẻ rằng: những dự án như thế này rất có ý nghĩa đối với cộng đồng cũng như mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Bulgaria nổi tiếng về hoa hồng và quốc hoa của Việt Nam là hoa sen, thông qua dự án này khơi gợi lên cho tôi một ý tưởng giao lưu trao đổi quan hệ hữu nghị giữa hai nước qua việc nâng cao hình ảnh và giá trị hoa hồng và hoa sen để tăng thêm sự nhận diện giá trị quốc gia hai nước.
Bà Hương cho rằng có thể trong tương lai, Việt Nam sẽ học hỏi thêm về kỹ thuật, công nghệ và nhập khẩu các các giống hoa hồng quý phù hợp điều kiện Việt Nam từ Bulgaria để phát triển một số sản phẩm kinh tế dựa trên các giống hoa hồng đó. Tương tự như vậy, hoa sen cũng là loài hoa rất đặc trưng của vùng nhiệt đới mà tại đất nước Bulgaria không có. Chúng ta có thể xem xét nghĩ đến việc phát triển một số loại hình sản phẩm từ hoa sen để xuất khấu sang các nước châu Âu, trong đó có Bulgaria. Hi vọng những ý tưởng như vậy góp phần vừa nâng cao hình ảnh và giá trị của hoa sen Việt Nam, vừa tạo ra các giá trị kinh tế thiết thực giúp bảo tồn và phát triển các giống sen quý Việt Nam.
Chính phủ Bulgaria tiếp nhận đào tạo, nghiên cứu miễn phí 8 suất học bổng năm 2021 Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo tuyển sinh đi học tại Bulgaria năm 2021 diện Hiệp định Chính phủ với 8 học bổng dài hạn đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. |
Nhà giáo Bùi Thị Kim Xuân nhận huy hiệu danh dự “Cành Nguyệt quế Vàng” của Bulgaria Vừa qua, tại Đại Sứ quán CH Bulgaria tại Việt Nam, thừa ủy quyền của Bộ Ngoại giao Bulgaria, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CH Bulgaria tại Việt Nam Marinela Petkova đã trao huy hiệu danh dự “Cành Nguyệt quế Vàng” cho bà Bùi Thị Kim Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Chất lượng Cao Việt Nam - Bungaria (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). |
Hội hữu nghị Việt Nam-Bulgaria 2020: chủ động, linh hoạt, đổi mới hình thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế Ngày 21/1, tại Hà Nội, Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Bulgaria tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng hoạt động của Hội năm 2021. |