Bốn Bộ ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán người
Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Tổ chức quốc tế…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Cận Đông và châu Á - Thái Bình Dương. Nạn nhân chủ yếu là những người yếu thế, dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa. Phần lớn các nạn nhân bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.
Đại diện các bộ ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. |
Tội phạm mua bán người thường hoạt động trong băng đảng, thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài.
"Tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Quy chế phối hợp gồm 3 chương và 15 điều, tập trung vào công tác: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; truyền thông nâng cao nhận thức; đào tạo bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ... |
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, những năm gần đây, tình hình nạn nhân bị mua bán ngày càng có xu hướng tăng trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa 4 Bộ nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Bộ đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bộ trưởng đánh giá, phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là công tác rất phức tạp, liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều quốc gia. Phương thức hoạt động của tội phạm rất tinh vi và xảo quyệt.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố, trước hết cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế này.
Thứ hai là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7" và "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7"; phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả; lồng ghép và truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình công tác của các ngành.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, phải nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Quy chế phối hợp tập trung làm rõ và đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản như tăng cường công tác thông tin, nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được tốt nhất - kịp thời nhất - hiệu quả nhất”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ. |
Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Quy chế phối hợp giữa 04 Bộ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay số vụ mua bán người ở Việt Nam hằng năm chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số các vụ án hình sự song gây ra hệ lụy dai dẳng với nạn nhân và xã hội, nhất là các nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao thường xuyên chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng trong nước và sở tại để xác minh, xác định, giải cứu, hỗ trợ và bảo vệ, đưa nạn nhân về nước.
Bộ Ngoại giao cũng phối hợp các bộ ngành như Công an, Quốc phòng, Lao động - thương binh và xã hội trong phòng ngừa mua bán người trong di cư quốc tế.
"Tình hình mua bán người trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều xu hướng mới như xu hướng mua bán người giữa các nước ASEAN. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hầu hết các nước đều điều chỉnh chính sách theo hướng mở cửa trở lại.
Các dòng di cư quốc tế sẽ tiếp tục sôi động trở lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người do các đường dây lừa đảo, lợi dụng tâm lý tìm việc của người dân để lừa bán ra nước ngoài làm 'việc nhẹ lương cao' nhưng thực chất là lao động cưỡng bức, bóc lột. Do đó, việc ban hành quy chế phối hợp là bước đi hết sức kịp thời", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Quy chế được các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao thống nhất thông qua và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các Bộ chủ động rà soát, kiến nghị, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc phạm vi quản lý nhà nước của từng Bộ. Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, báo cáo rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, tổng kết thi hành pháp luật, lập đề nghị xây dựng chính sách về lĩnh vực có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung phối hợp theo đề nghị góp ý của các Bộ khác trong Quy chế phối hợp.
Quy chế hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: 1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm… cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại Cơ sở trợ giúp xã hội;phối hợp với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú; trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định; tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. 2. Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phối hợp chuyển tuyến nạn nhân vào Cơ sở trợ giúp xã hội/ Cơ sở hỗ trợ nạn nhân (trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân); bố trí phương tiện, cán bộ đưa nạn nhân là người chưa thành niên về nơi cư trú. 3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu,bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán (trường hợp nạn nhân tự đến trình báo hoặc do cơ quan Biên phòng, Cảnh sát biển giải cứu hoặc phát hiện tại khu vực biên giới, hải đảo, trên biển); trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân thìphối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để chuyển tuyến nạn nhân vào Cơ sở trợ giúp xã hội/ Cơ sở hỗ trợ nạn nhân. 4. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí về nước cho nạn nhân bị mua bán; áp dụng các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định hiện hành. |