Bỏ túi nilon - cách các bạn Ấn Độ góp phần bảo vệ môi trường
Tại siêu thị ở trung tâm thương mại Sarath City Capital (thành phố Hyderabad, bang Telangana, Ấn Độ), một người phụ nữ sau khi thanh toán tiền, lần lượt xếp các món hàng vừa mua gồm súp lơ, ớt chuông, táo vào ba lô. Đây cũng là cảnh thường gặp tại nhiều siêu thị ở Ấn Độ. Từ khi quốc gia này thực hiện lệnh cấm sử dụng túi nhựa, nếu đi mua hàng mà quên mang theo túi đựng chuyên dụng, mọi người sẽ phải tận dụng ba lô, túi xách để mang đồ về hoặc bỏ ra một khoản tiền để mua túi đựng.
Tại chuỗi siêu thị D-Mart, những chiếc loại túi vải đựng đồ được bày bán cùng nhiều mặt hàng khác. Túi lớn có giá 29 rupee (khoảng hơn 8.000 VNĐ), loại nhỏ hơn có giá 19 rupee (5.000VNĐ). Khách hàng tùy theo số lượng hàng hóa của mình để chọn loại túi đựng có kích thước phù hợp. Các túi vải có thể tái sử dụng nhiều lần. Hiếm hoi mới nhìn thấy túi nilon.
Túi vải đựng đồ có giá 29 rupee. |
Sarat (30 tuổi, một người dân tại bang Telangana) cho biết mới đầu, việc cấm túi nhựa cũng đưa đến nhiều bất tiện, nhưng giờ mọi người đã dần thích nghi với nếp sống không sử dụng túi nilon. "Mọi người đều ủng hộ vì hiểu đây là việc làm thiết yếu, tích cực để giảm thiểu ô nhiễm ở Ấn Độ", anh nói.
Người Ấn Độ đã không còn sử dụng túi nilon trong siêu thị và các trung tâm thương mại. |
Hiện nay, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cấm một số đồ nhựa dùng một lần, gồm ống hút, tăm bông ngoáy tai, dao, muỗng, nĩa, màng bọc, que nhựa để gắn bóng bay, kẹo và kem, hộp đựng thuốc lá, và một số sản phẩm khác.
Năm 2022, Thủ tướng Narendra Modi đã phát động Sứ mệnh LiFE (Lifestyle For Environment – Lối sống vì môi trường). Sứ mệnh LiFE hướng tới một chiến lược ba mũi nhọn để thay đổi cách tiếp cận theo hướng bền vững. Đầu tiên là khuyến khích các cá nhân thực hiện các hành động thân thiện với môi trường đơn giản nhưng hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày của họ (nhu cầu); thứ hai là tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp và thị trường phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi của nhu cầu (nguồn cung) và; thứ ba là tác động đến chính sách của chính phủ và ngành công nghiệp để hỗ trợ cả tiêu dùng và sản xuất bền vững (chính sách).