Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lương của chồng chuyển cho vợ là hoàn toàn hợp pháp
Không có điều luật nào quy định "lương chồng chuyển thẳng tài khoản vợ"! |
Lương công chức ngang lương Bộ trưởng gần 15 triệu đồng/tháng |
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để tránh gây sốc |
Chiều 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, 11 Bộ luật và Luật gồm: Bộ luật Lao động; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán.
Lương của chồng được chuyển thẳng vào tài khoản vợ là hợp pháp
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Liên quan tới quy định mới trong Bộ luật Lao động 2019 rằng "lương của chồng được chuyển thẳng vào tài khoản vợ", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.
"Kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi, cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi, tránh tình trạng lương của tôi chuyển khoản cho tôi, sau tôi lại chuyển khoản cho vợ. Tôi thấy thuận lợi hơn thì lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát, càng tốt, có gì đâu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiêm xã hội: Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ kể từ năm 2021.
Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, việc điều chỉnh tuổi hưu là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh tuổi hưu của chúng ta thực hiện đa mục tiêu, trước hết là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hóa dân số. Đặc biệt, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao. Việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm đảm bảo sự phát triển, bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội. Đảm bảo rút dần khoảng cách chênh lệnh về giới, tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam, nữ có thể cân bằng. “Việc điều chỉnh tuổi hưu chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho hay, việc điều chỉnh tuổi hưu từ đa mục tiêu như vậy phải kèm theo sửa đổi rất nhiều luật liên quan như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… Về lương, từ 1/1/2021, tinh thần chung là tách bạch lương công chức, viên chức và lương hưu. Lương hưu lấy từ nguồn Bảo hiểm xã hội, lương công chức, viên chức do nhà nước trả. "Như vậy, chúng ta có thể phân loại ra có những đối tượng người nghỉ hưu sẽ được quan tâm cao hơn. Ví dụ, hiện nay lương của người nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước rất thấp, những người nghỉ hưu trước đó càng thấp và khó khăn, do đó tới đây, chúng ta phải điều chỉnh" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.