Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh về những khía cạnh này, cũng như về những tâm tư và mong mỏi của ông về quá trình thực thi chương trình. |
- Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với những khó khăn như hiện tại, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những ảnh hưởng không mong muốn đến việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (CTMT)? - Năm 2020 Quốc hội (QH) phê duyệt chủ trương đầu tư chính thức cho CTMT tại Nghị quyết 120/2020/QH14. Sau khi có Nghị quyết của QH thì Chính phủ (CP) giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai thể chế hoá bằng hệ thống văn bản từ Nghị định của CP, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành có liên quan. Tại thời điểm đó công việc triển khai rất thuận lợi vì mọi việc được tính toán và xây dựng kế hoạch rất chi tiết. Tuy nhiên 2 năm vừa qua (2021-2022) có nhiều diễn biến khó lường. Thứ nhất là đại dịch Covid - 19, thứ hai là xung đột quốc tế ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam. 2 sự kiện này tác động không nhỏ đến đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ như Covid-19 tác động trực tiếp đến mô hình sản xuất, rồi tiêu thụ sản phẩm. Còn với cuộc xung đột thì ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, nhất là nguyên liệu đầu vào… và những tác động này làm thay đổi cục diện. Do vậy một số chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình cần có sự rà soát, điều chỉnh để cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại. Thực ra thì ngay sau đại dịch Covid -19, CP đã có chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cho doanh nghiệp…chính vì vậy, nếu không rà soát có thể sẽ dẫn đến sự trùng lặp về chính sách, trùng lặp về đối tượng thụ hưởng. Thêm nữa hiện nay các vấn đề khó khăn của nền kinh tế cũng đặt ra những đòi hỏi khác. Chúng ta thì chủ yếu là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, và họ giải quyết trực tiếp vấn đề lao động. Nếu DN khó khăn thì thu nhập người dân sẽ giảm, thậm chí còn có người không có việc làm và trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy CP đang chỉ đạo các bộ ngành đánh giá lại, và CTMT cũng phải rà soát lại với mục tiêu làm thế nào để các chính sách đảm bảo đồng bộ, liên thông với nhau, qua đó để sử dụng nguồn lực cho hiệu quả. |
- Việc rà soát này được giao cho cơ quan nào, thưa Bộ trưởng? - Các cơ quan chủ quản chương trình sẽ chỉ đạo rà soát, và các đơn vị thụ hưởng, tức là các địa phương, thì trên cơ sở hướng dẫn của các bộ ngành họ sẽ kiểm tra từng nội dung, từng dự án…để xem cái nào hợp lý, cái nào cần điều chỉnh thì đề xuất với cấp thẩm quyền. Ở Trung ương thì cụ thể là báo cáo với Ban chỉ đạo CTMT quốc gia. Sau đó sẽ phân loại, những việc gì thuộc thẩm quyền quyết định của QH thì CP sẽ báo cáo QH cho chủ trương điều chỉnh; những việc nào thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ thì các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ đảm bảo tính đồng bộ cũng như tính khả thi của CTMT. Hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo và các bộ ngành sẽ tiến hành rà soát ngay trong tháng 7 với thời gian triển khai sẽ chỉ trong 1 tháng, vì nếu không làm nhanh sẽ không kịp báo cáo QH. - Công tác rà soát có làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án không, thưa Bộ trưởng? - Không ảnh hưởng gì cả, vẫn làm bình thường chứ không có chuyện dừng lại. Ở đây cần phải hiểu cho đúng là CTMT là chương trình thực hiện trong 1 giai đoạn dài, chứ không phải chỉ trong năm nay hay sang năm, vì vậy mọi công việc vẫn tiến hành song song. Mà tôi cũng từng nói rất nhiều lần là CTMT tuy tổng mức đầu tư lớn nhưng có rất nhiều dự án, vì vậy quy mô dự án cũng nhỏ thôi và thời gian thực hiện dự án đó cũng không nhiều, cho nên không cần phải lo việc dự án đó không hoàn thành. Do đó, thời gian này là khâu hoàn thiện văn bản pháp lý, sau đó căn cứ vào đấy các địa phương mới triển khai. Điều quan trọng là hiểu mục tiêu và hiểu cách tiến hành của CTMT này. - Ông có nói điều quan trọng là phải hiểu cách tiến hành, cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng? - Ví dụ chuyện làm nhà, với người dân thì giỏi lắm là 6 tháng xong 1 cái nhà. Vậy thì tại sao phải tự đặt ra áp lực là phải làm xong cái nhà trong vòng quý 1 hay quý 2? Quan niệm như vậy là chưa đúng, vì theo phong tục tập quán có hộ còn chọn thời gian làm nhà, vì còn phụ thuộc vào tuổi, vào thời tiết…Với người Dao thì người ta có thể làm cuối năm, người Mông thì lúc nào khô ráo hoặc lúc tránh vụ mùa…Vì vậy để làm tốt công tác này bên cạnh quyết tâm chính trị thì đòi hỏi có sự am hiểu về văn hoá tại nhiều vùng miền, chứ không chỉ đơn giản là giải pháp hành chính. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thăm hỏi, động viên các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lào Cai. |
- Lường trước những khó khăn phát sinh từ thực tiễn, thưa Bộ trưởng, Uỷ ban Dân tộc sẽ có những điều chỉnh thế nào về ưu tiên công việc trên cả 2 bình diện thúc đẩy ban hành văn bản hướng dẫn triển khai lẫn thực thi trong thực tế? - Nói chung về hệ thống văn bản thì đã ban hành tương đối toàn diện rồi, các bộ ngành được giao chủ trì các dự án đã có văn bản hướng dẫn hết rồi. Trong quá trình thực hiện khi nảy sinh những vướng mắc, những vấn đề địa phương khó làm, thì đã tổng hợp và hiện nay CP đã giao cho các bộ ngành điều chỉnh. Việc điều chỉnh này mở rộng đến cả Nghị định của CP. Ví dụ Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2022) thì giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm đầu mối sửa đổi một số điểm và sẽ trình trong tháng 6/2023. Tinh thần sửa các Thông tư cũng vậy, cơ bản là đang triển khai, nhưng nếu có điểm nào chưa phù hợp thì sửa đổi hoặc làm cho rõ hơn. Ví dụ Thông tư của Uỷ ban Dân tộc có mấy chục điều nhưng chỉ có chút nội dung nho nhỏ cần điều chỉnh thôi, còn các nội dung kia vẫn triển khai bình thường. Cách làm như vậy thì mới hiệu quả, chứ nếu không như thế thì làm sao có kết quả đã giải ngân được mấy chục phần trăm! - Thưa Bộ trưởng, với cá nhân ông thì thời điểm hiện tại vấn đề nào khiến bản thân ông lo lắng nhất trong việc thực hiện chương trình? - Về chính sách thì đã tương đối toàn diện, từ đối tượng, địa bàn, lĩnh vực…và cũng giải quyết được nhiều vấn đề bà con quan tâm và mong muốn hiện nay. Tuy nhiên điều tôi trăn trở nhất là quá trình tổ chức triển khai trong thực tiễn. Đây không phải là một chính sách đơn giản để 1 đơn vị, 1 cơ quan có thể làm được mà cần cả hệ thống chính trị, cần sự kết hợp từ công tác chỉ đạo điều hành cho đến tham mưu phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Thứ 2 là sự vào cuộc của người dân, bên cạnh sự tuyên truyền phổ biến về chủ trương, chính sách thì rất cần người dân nhận thức được vấn đề. Ngoài quyền lợi thì để họ hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ để qua đó họ phát huy hết tính tự lực tự cường để cùng Nhà nước lo cho bản thân mình. Vì thực tế có những việc Nhà nước không làm thay được, tôi ví dụ như việc bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc thì phải là con người của dân tộc đó mới làm được, Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, tạo môi trường cho họ thực hiện công việc này. Vậy điều cần thiết là làm thế nào để người dân tự hào với bản sắc của mình, tự hào với điều đang có để họ chủ động đứng ra, mà muốn như vậy phải có sự phối hợp giữa Nhà nước với người dân chứ không đơn thuần từ một phía. Tôi cho rằng khi nào người dân mà ủng hộ, đồng thuận, tự hào và tự giác về điều này thì chính sách sẽ thành công. Vì đây không phải một chính sách an sinh bình thường, chỉ có cho đi từ 1 phía. |
- Bộ trưởng có thể cho 1 ví dụ trong thực tế là dù có chính sách tốt nhưng dự án vẫn triển khai chưa hiệu quả? - Lâu nay chúng ta vẫn thấy câu chuyện tái định cư, đây là nội dung có nhiều dự án tại vùng dân tộc thiểu số. Nhưng câu hỏi đặt ra là có những nơi làm rất tốt, nhưng có những nơi đã hoàn thiện dự án thì dân không vào ở. Có nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân chính là sự đồng thuận của người dân, tức là người ta có chấp nhận dự án đó hay không? Vì thế muốn có hiệu quả thì phải bàn với dân ngay từ đầu về dự án, trao đổi từ hạ tầng, từ dịch vụ thiết yếu ở đấy có phù hợp với mong muốn và tập quán của họ không…Có những nơi trong quá trình làm có thể không để ý việc này, nên làm xong thì người dân không chấp nhận. Mà như vậy thì bên thực hiện dự án cũng mệt mỏi, dù họ không làm ẩu đâu nhưng dân không ở vì không hợp. Theo tôi đây là việc cần rút kinh nghiệm. Trên thực tế thì những việc này cần có thời gian và phải nhiều lực lượng cùng làm, ví dụ đoàn thể đi vận động cái gì, chính quyền giải quyết vấn đề gì, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng thì giúp việc gì, rồi họp dân công khai như thế nào…Cuối cùng khi người dân đồng tình thì mọi thứ sẽ rất nhanh. Tôi ví dụ như phong trào góp đất làm đường, khi người dân đồng thuận họ sẵn sàng góp đất đai, cây cối hoa màu, tài sản trên đất… cho cộng đồng. Vì vậy, phải nắm được tâm tư tình cảm, biết cách vận động bà con thì dự án mới lâu dài, bền vững, mà định hướng của Đảng và Nhà nước là đầu tư để phát triển bền vững đấy chứ. |
- Thưa Bộ trưởng, liên quan đến đầu tư công (ĐTC) hiện nay thì rất nhiều địa phương phản ánh là thủ tục còn khá nhiêu khê, chiếm quá nhiều thời gian chuẩn bị, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ. Để việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất, theo ông cần có những thay đổi nào về thủ tục để rút ngắn quá trình triển khai? -Các quy định hiện nay theo tôi cũng đã rõ ràng, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế thì cũng còn một vài sự rườm rà. Có những vấn đề phát sinh không phải ở luật mà văn bản hướng dẫn thi hành. Tôi nghĩ mục đích khi đặt ra những quy định này cũng là muốn làm cho đồng bộ thôi, nhưng trong thực tiễn triển khai lại vướng mắc. Vấn đề này ta cũng chưa thể kết luận được thủ tục nào là vướng mắc, thủ tục nào không. CP hiện đã phải rà lại toàn bộ. Còn với CTMT thì QH cũng nêu rõ rồi, đối với chương trình đặc thù sẽ có chính sách đặc thù, nếu chính sách đặc thù liên quan đến pháp luật thì kiến nghị với CP và QH để điều chỉnh cho phù hợp. Còn trong trường hợp thực tiễn đặt ra, nhu cầu đòi hỏi cấp bách thì chúng ta phải có chính sách thí điểm. Theo tôi chính sách phải hết sức linh hoạt. Vì vậy các vấn đề như truyền thông chính sách, điều chỉnh chính sách, phản ứng chính sách… của các cấp các ngành là rất quan trọng. Trung ương không chạy theo tất cả các yêu cầu địa phương nhưng cũng phải nắm bắt đầy đủ các vấn đề từ thực tế. Không phản ứng giật cục nhưng mình cũng đừng cầu toàn, điều cần nhất của việc điều chỉnh chính sách là sự công khai, minh bạch và đồng thuận, đặc biệt là sự đồng thuận của đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách. |
- Để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 thì không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của riêng Uỷ ban Dân tộc, thưa Bộ trưởng, ông hy vọng và mong mỏi gì vào sự chia sẻ của hệ thống chính trị trong quá trình triển khai? - Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài của Đảng và Nhà nước. Thông qua chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, rồi sự vào cuộc của các cấp các ngành…chính sách dân tộc do đó được thể hiện trên nhiều mặt chứ không dừng ở 1 cơ quan hay 1 lĩnh vực cụ thể. Vì vậy để triển khai chính sách dân tộc đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo về chủ trương, từ quyết định về chính sách, rồi hướng dẫn và phối hợp tổ chức thực hiện, rà soát, đánh giá, kiểm tra, đôn đốc, rồi tổng kết và sơ kết…Chúng tôi với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, thì để triển khai được những việc này thì trước hết phải tăng cường công tác phối hợp. Trước hết là bám sát các chủ trương của Đảng, sau đó là các chính sách được ban hành…đó là cơ sở pháp lý. Rồi trên cơ sở văn bản pháp lý đó, công tác phối hợp triển khai giữa các bộ ngành được thực hiện, đây là điều rất quan trọng. Những công việc này phải triển khai đồng bộ, thống nhất và cùng 1 lúc. Đối tượng địa bàn của chúng ta là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là người dân tộc thiểu số, thôn khó khăn, xã khó khăn, huyện khó khăn. Tuy đối tượng giống nhau, địa bàn giống nhau, nhưng nội dung chính sách thì lại có nhiều chính sách khác nhau, vì vậy cần có sự phối hợp để vào cùng 1 lúc để chính sách này tác động tương hỗ cho chính sách kia, mà muốn làm được điều đó thì phải đồng bộ, hay như lâu nay ta vẫn nói là lồng ghép chính sách thì phải có sự phối hợp rất chặt. Phối hợp về nội dung, phối hợp về quy trình, phối hợp về thời điểm thực hiện, phối hợp về phương pháp chỉ đạo điều hành, phối hợp về công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc, chế độ báo cáo…Nói chung là toàn diện, và có như vậy thì mới hy vọng đem lại hiệu quả cao nhất có thể. - Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! |
Lực lượng chức năng giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. |
Nội dung: Lê Sơn Đồ họa: Tào Đạt |