Bỏ phiếu bầu Việt Nam làm thành viên HĐBA Liên Hiệp Quốc
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Reuters |
Với tư cách là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để một lần nữa đảm đương vai trò của một nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021. Nếu giành chiến thắng sẽ tiếp tục đánh dấu thêm một bước tiến lớn hơn về sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động chung của LHQ.
Để trở thành Uỷ viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ cần có được 2/3 số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu kín tối nay. Điều này có nghĩa, cần tối thiểu 129 phiếu ủng hộ để giành được chiếc ghế nếu tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ đều tham dự và bỏ phiếu.
Xem thêm: Việt Nam với Liên Hiệp Quốc: Đối tác tin cậy vì một nền hòa bình bền vững
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ: "Có thể nói cho tới thời điểm này, chúng ta đã có được cam kết ủng hộ của nhiều nước và vẫn còn một số nước chưa có ý kiến. Với quy định của Hội đồng Bỏ phiếu của HĐBA, chỉ cần được 2/3 số phiếu ủng hộ là trúng cử, nên xét trên góc độ số lượng đã cam kết, chúng ta có cơ sở để dự báo khả năng trúng cử là rất cao".
Tuy nhiên, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, việc vận động những nước đã đồng ý ủng hộ và vận động những nước hiện chưa có ý kiến sẽ có mặt tại hôm bỏ phiếu và ủng hộ chúng ta là việc rất quan trọng. Bởi đó không đơn giản là một lá phiếu mà thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam trong 2 năm tới nếu chúng ta trúng cử vào HĐBA, cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam cả sau này khi chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ ở HĐBA.
Tầm quan trọng của HĐBA Liên Hiệp Quốc
Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương LHQ, HĐBA là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
Hiện nay, HĐBA LHQ gồm 15 ủy viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp (gọi tắt là P5), có quyền phủ quyết và 10 nước ủy viên không thường trực (gọi tắt là E10) được bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
10 ghế không thường trực này được phân bổ theo 5 khu vực địa lý: 5 ghế cho nhóm châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương, 2 ghế cho nhóm Mỹ Latin và Caribe, 2 ghế cho nhóm Tây Âu và 1 ghế cho nhóm Đông Âu.
HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào HĐBA LHQ. Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Nâng tầm vị thế
Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu được bầu làm Ủy viên không thường trực của HĐBA, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia giải quyết những vấn đề mang tầm cỡ quốc tế, tương tác thường xuyên với các cường quốc, đại diện cho ASEAN bày tỏ quan điểm trong các vấn đề chung như bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo. Quan trọng hơn, Việt Nam có thể đưa ra lập trường đối với các vấn đề quan trọng bằng lá phiếu tại HĐBA.
Bà Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên là Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ nhận định, vị thế, uy tín của Việt Nam sẽ nâng tầm cao mới khi tham gia HĐBA.
Cơ hội và tiềm năng mà vị trí này mang đến không hề nhỏ, tuy nhiên Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó có việc tổ chức một hệ thống linh hoạt sẵn sàng ứng phó với mọi vấn đề, tinh gọn bộ máy nhân sự, rõ người rõ việc. Đánh giá về những việc cần chuẩn bị của Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh nói: “Làm sao ngay lập tức chúng ta có thể bố trí được nhân sự bảo đảm thực hiện được trọng trách của mình ở đầu LHQ và nhân sự bảo đảm hỗ trợ các kênh thông tin, liên lạc, chỉ đạo ở đầu Hà Nội. Tại Hà Nội, chúng ta cần phải phối hợp liên ngành từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đây là khâu rất quan trọng. Tôi tin rằng các cán bộ của chúng ta hoàn toàn có năng lực để giải quyết vấn đề này”.
Theo ông Phạm Quang Vinh, khi trở thành thành viên không thường trực của HĐBA giai đoạn 2020-2021, Việt Nam không chỉ xử lý những vấn đề trên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an mà phải tính đến các sáng kiến, đề xuất riêng của Việt Nam và đảm bảo những đề xuất đưa ra có thể được áp dụng hiệu quả.
Việt Nam tích cực chuẩn bị mọi mặt cho việc tham gia HĐBA Liên Hiệp Quốc Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 6/6, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã tích cực triển khai ... |
Vị thế, uy tín của Việt Nam sẽ nâng tầm cao mới khi tham gia HĐBA Nếu trúng cử, vị trí Ủy viên không thường trực LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội như thế ... |
[Infographic] Đóng góp của Việt Nam tại HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 Việt Nam lần đầu tiên thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vào năm 2008-2009. Một nhiệm kỳ thành công để ... |