Bitexco: Sau sự mập mờ ở The Manor Central Park đến lùm xùm tại du lịch Hương Giang
Đổi đường lấy đất đại dự án The Manor Central Park: Đường chưa xong, nhà đã bán
Khoảng đầu năm 2014, Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (Hà Nội) theo hình thức BT, gồm phần tuyến đường (bao gồm tuyến số 1, tuyến số 5) và nút giao tuyến số 1 và đường 70.
Đổi lại, Bitexco được UBND TP.Hà Nội đổi khu đất phía nam đường vành đai 3 rộng tới 90ha để Bitexco phát triển khu đô thị The Manor Central Park. Môi giới dự án cho rằng, giá trị nổi bật của dự án là nằm sát cạnh công viên rộng tới 100ha, với 3 hồ chính rộng hàng chục hécta. Tuy vậy, sau gần 7 năm thực hiện, dự án làm đường vẫn còn ngổn ngang, trong khi đó, giá trị nổi bật của dự án là công viên Chu Văn An vẫn là bãi đất hoang.
Quảng bá hoành tráng của The Manor Central Park với việc "lồng ghép" công viên Chu Văn An như một phần của siêu dự án này. |
Tổng mức đầu tư dự án là 1.475 tỉ đồng. Để đổi lại khoản vốn này, Bitexco được UBND TP.Hà Nội đổi khu đất phía nam đường vành đai 3 (thuộc phường Đại Kim - quận Hoàng Mai và phường Thanh Liệt - huyện Thanh Trì). Đây là khu đất rộng khoảng 90ha. Bitexco công bố dự án đầu tư khu đô thị sinh thái trị giá lên đến 1,9 tỉ USD.
Theo hợp đồng dự án BT của Bitexco ký với UBND TP.Hà Nội, tuyến số 1 có chiều dài hơn 2,5km có điểm đầu giao với đường vành đai 3, điểm cuối nối với đường 70. Tuyến số 2 (trong dự án gọi là tuyến số 5) là tuyến đường giáp ranh giữa Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và khu chức năng đô thị nam đường vành đai 3. Tuyến này có chiều dài gần 1,2km, điểm đầu giao cắt với tuyến số 1, điểm cuối giao cắt với dự án đường vào phía đông Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Tuyến đường số 1 theo hình thức BT nối Nguyễn Xiển và đường 70 chưa hẹn ngày thông xe. |
Ở một góc khác, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (Thanh Trì - Hà Nội) do Bitexco làm chủ đầu tư vừa bị Kiểm toán Nhà nước "điểm tên" vì đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỉ đồng. Đây không phải lần đầu dự án này bị chỉ ra sai phạm. Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ (Thông báo số 1785 ngày 19/7/2017), tổng vốn đầu tư dự án từng bị phê duyệt tăng thêm 12 tỉ đồng do tính sai khối lượng, đơn giá và định mức.
Đáng ngại hơn, Bitexco còn ngang nhiên quảng cáo công viên Chu Văn An như một phần trong tổ hợp dự án khu đô thị The Manor Central Park của mình. Tuyến đường BT bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An chưa biết đến khi nào mới xong nhưng khu biệt thự liền kề, nhà thấp tầng thuộc khu đô thị The Manor Central Park ở phần đất đối ứng của Bitexco đã cơ bản hoàn thành và được quảng cáo rao bán rất rầm rộ.
Dư luận bày tỏ hoài nghi Bitexco đang nhằm vào mục đích của mình là hoàn thiện khu biệt thự liền kề, nhà thấp tầng để rao bán và "bỏ quên" nhiệm vụ chính của mình là tuyến đường BT phục vụ nhân dân?
Đường BT chưa xong nhưng các căn hộ tại đây đang được rao bán rầm rộ. |
Tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La vẫn chưa thể hoàn thành kể từ lúc Bitexco được giao dự án từ năm 2014. Trong khi phần đất đối ứng 90 ha để thực hiện siêu dự án The Manor Center Park thì đang được xây dựng nhà để bán. Mặt khác, UBND TP. Hà Nội tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án này, khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.
Vụ thoái vốn tại CTCP du lịch Hương Giang
Bitexco đã trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang(HGT) vào thời điểm cách đây hơn một thập kỷ khi thực hiện mua vào 1.524 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 7,62%. Cổ đông Nhà nước (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) nắm giữ cổ phần chi phối với 12,572 triệu cổ phần (62,86%). Số cổ phần còn lại tương đương với 27,45% vốn HGT được đem bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 10.700 đồng/cổ phần. Kết quả, lô cổ phiếu trên đã được mua với giá gấp 3 lần giá khởi điểm, đạt 32.500 đồng/cổ phần, cổ đông Nhà nước thu về số tiền hơn 240 tỷ đồng.
Nhiều năm sau khi cổ phần hóa, tới ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 624/QĐ-UBND lựa chọn Bitexco là nhà đầu tư để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước đang sở hữu tại HGT. Hoạt động này được cụ thể hóa theo hợp đồng số 18/2016/HĐCNV ký ngày 30/3/2016 giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bitexco.
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm nhận chuyển nhượng từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 23/6/2016, Bitexco đã mang toàn bộ 1,524 triệu cổ phần đang sở hữu và 12,572 triệu cổ phiếu của HGT đem thế chấp tại Kei Sei Limited (sau này là Crystal Treasure Limited).
Khách sạn Hương Giang thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Hương Giang. |
Căn cứ vào các giao dịch, đã có những ý kiến cho rằng Bitexco chỉ đóng vai trò trung gian, dùng tiền của đối tác HongKong để thâu tóm HGT. Sau khi thực hiện thương vụ, Bitexco đã “thực hiện nghĩa vụ” khi bán lại một lượng đáng kể cho chính nhà đầu tư ngoại này. Cụ thể, chỉ 3 tháng sau khi được chỉ định mua lại cổ phần từ cổ đông Nhà nước, tháng 10/2016, Bitexco đã bán 5.758.100 cổ phần cho công ty có trụ sở tại HongKong là Kei Sei Limited (nay là Crystal Treasure Limited), qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,74%.
Mới đây nhất, theo báo cáo của Ban kiểm soát của CTCP Du lịch Hương Giang (Du lịch Hương Giang hay Hương Giang Tourist - viết tắt: HGT) dự trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019, danh sách cổ đông chốt ngày 25/4/2019 cho thấy Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 41,74% xuống còn 9,11% vốn điều lệ, tương đương mức giảm 32,63%.
“Tuy nhiên, trong hồ sơ thư ký HĐQT cung cấp thì chỉ có thông báo xử lý cổ phần thế chấp của cổ đông Crystal Treasure, mà không có hồ sơ chuyển nhượng cổ phần ký bởi Bitexco và bên nhận chuyển nhượng, và/hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này cũng chưa được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC” - báo cáo của Ban kiểm soát cho hay.
Bitexco "mất hút" ở siêu dự án quy mô 400 ha Bình Quới - Thanh Đa
Ngày 26/11/2015, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND về duyệt Kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh (Liên danh Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC).
Tuy nhiên, quá trình thảo luận chi tiết Hợp đồng thực hiện dự án, Emaar Properties PJSC đã bày tỏ sự lo ngại về các vấn đề: thời gian hoàn thành pháp lý dự án quá kéo dài (đề xuất từ năm 2010 nhưng đến năm 2015 mới hoàn tất được thủ tục chỉ định nhà đầu tư); tổng chi phí đầu tư về đất (bao gồm tiền bồi thường và tiền sử dụng đất); thời gian hoàn tất việc giải phóng mặt bằng…; cơ chế chính sách không rõ ràng sẽ dẫn đến rủi ro cho dự án. Vì vậy, Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án và chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác.
Bình Quới - Thanh Đa trông chờ quy hoạch 27 năm. Ảnh: Khổng Chiêm. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa cho biết, hiện có 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nộp hồ sơ xin đấu thầu xây dựng phát triển dự án bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Điều thú vị là trong danh sách 10 doanh nghiệp tham gia đấu thầu lần này có nhiều điểm khá bất ngờ.
Gây bất ngờ nhất là sự vắng mặt của Bitexco - doanh nghiệp từng được giao triển khai siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa từ năm 2010. Trả lời báo chí, một đại diện của Bitexco cũng ngỡ ngàng "Không hiểu vì sao chúng tôi lại nằm ngoài danh sách các nhà đầu tư sẽ tham gia dự án này".
Bitexco thông tin chính thức về việc thoái vốn tại CTCP Du lịch Hương Giang Việc thoái vốn của ông lớn Bitexco tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang (HGT) được "người trong cuộc" lên tiếng chính thức ... |
Đại gia địa ốc Dubai rút lui, Bitexco đang làm gì với siêu dự án Thanh Đa - Bình Quới? Do liên danh với tập đoàn Bitexco là Công ty Emaar Properties PJSC đến từ Dubai đã rút khỏi dự án khu đô thị Thanh ... |
"Ôm" nhiều khu đất vàng tại TP.HCM, vì sao tập đoàn Bitexco chưa triển khai? Từ năm 2007, TP.HCM giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư thực hiện khu phức hợp hiện đại trên phần ... |