Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số đặt ra nhiều vấn đề đối với nội dung và hình thức truyền thông nói chung và truyền thông về bình đẳng giới nói riêng.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh khẳng định, thúc đẩy bình đẳng giới giúp cả nam giới và nữ giới đều có thể phát huy được những vai trò, thế mạnh cũng như mong ước của mình để đóng góp cho xã hội. Việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua báo chí và truyền thông cần đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: CSAGA Việt Nam). |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà báo và nhà hoạt động truyền thông đã có tham luận đóng góp nhằm tìm kiếm các giải pháp, khuyến nghị để thúc đẩy vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác bình đẳng giới tại Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số.
Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, và toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.
Các nghiên cứu gần đây của UNDP, UN Women, hay các chương trình “nhặt sạn giới trên truyền thông" của CSAGA cho thấy vẫn còn nhiều sản phẩm truyền thông thiếu nhạy cảm giới. Các sản phẩm này tồn tại trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, và truyền thông mạng xã hội, thể hiện qua cách đặt tít bài, nội dung, thông điệp truyền thông, cách xây dựng nhân vật, và các diễn ngôn. Thực trạng này góp phần củng cố các định kiến giới, trở thành rào cản trong giải quyết các bất bình đẳng giới.
Hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề chính là: truyền thông trong bối cảnh công nghệ số; thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông và một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề hội thảo (từ góc độ pháp luật, đạo đức, văn hoá, thực hành...
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: CSAGA Việt Nam). |
Hội thảo đã nhận được hơn 80 đề xuất viết bài đến từ nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua quá trình phản biện, ban tổ chức đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận chất lượng, đạt tiêu chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN (International Standard Book Number - Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách).
Theo các chuyên gia tham gia tại hội thảo lần này đều khẳng định: hội thảo khoa học quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số” là diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới.
Báo chí và truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp. Đồng thời các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp về chính sách, và thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần loại bỏ bất bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.