e magazine
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế từ chiến lược phát triển vùng

14:43 | 22/01/2023

Trong nhóm tân Bí thư Tỉnh ủy sau Đại hội Đảng 13, ông Nguyễn Hữu Nghĩa là người được công luận gửi gắm rất nhiều kỳ vọng khi được phân công về Hưng Yên. Từng kinh qua nhiều trọng trách ở Ngân hàng Nhà nước, rồi Ban Kinh tế Trung ương, với kinh nghiệm và bản lĩnh cá nhân, Hưng Yên dưới sự dẫn dắt của ông có thể đạt được những thành tựu gì, sẽ mở ra hướng đi mới nào…? Nhân dịp năm mới 2023, Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên về những băn khoăn và kỳ vọng cho vùng đất này.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế từ chiến lược phát triển vùng
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế và cơ hội phát triển vùng

Nhân dịp năm mới 2023, Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên về những băn khoăn và kỳ vọng cho vùng đất này.

- Thưa ông, đã 1 năm rưỡi kể từ khi ông đảm nhiệm trọng trách đứng đầu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, từ đó đến nay, thời gian tuy chưa dài nhưng đâu là những điều ông tâm đắc nhất khi nói về sự đổi thay về vùng đất này?

- Theo thời gian, vạn vật luôn biến đổi, vận động cùng với bối cảnh, hoàn cảnh dưới sự tác động đa chiều của các nhân tố. Hưng Yên cũng luôn thay đổi, phát triển cùng đất nước. Trong 1 năm rưỡi qua, có nhiều sự thay đổi đến với Hưng Yên nhưng, trong đó có 3 nội dung nổi bật là:

Một là, cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ ngày càng nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt hơn để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, giàu đẹp, văn minh.

Hai là, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững với nền tảng chắc chắn hơn, những động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn dựa trên trên những cơ sở: (1) kiên định mục tiêu chiến lược phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp mạnh đến năm 2030, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2037; (2) tái cấu trúc chiến lược thu hút đầu tư theo hướng quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với coi trọng bảo vệ môi trường; (3) khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, cả về nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần; (4) quyết tâm đổi mới tư duy lãnh đạo, quản trị phát triển trên tinh thần “nghĩ lớn, làm lớn, tạo đột phá phát triển” gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị cũng như tăng cường gắn kết xã hội.

Phát triển kinh tế gắn với phát huy những giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử của địa phương; quan tâm giảm nghèo bền vững (chỉ còn 1,93% theo chuẩn nghèo đa chiều và hướng tới chỉ còn khoảng 0,5% đến năm 2025), chăm lo thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải thiện phúc lợi để mọi người dân được hưởng công bằng, xứng đáng hơn thành quả phát triển của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế và cơ hội phát triển vùng
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (áo trắng đứng giữa) trao đổi cùng bà con Hưng Yên

Thời gian vừa qua, các chỉ tiêu phát triển chủ chốt về kinh tế của Hưng Yên, cụ thể là trong 2 năm 2021, 2022 đều được cải thiện nhiều. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,01% năm 2021, 13,41% năm 2022, cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của cả nước, lần lượt 2,56% và 8,02%. Kéo theo đó GRDP bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng, tăng 16,1% so với năm 2021 và quy mô kinh tế Hưng Yên đạt khoảng 132 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 16 cả nước.

Năm 2022 là năm thiết lập nhiều đỉnh cao mới về phát triển kinh tế - xã hội như thu NSNN hay tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Hưng Yên tạo đột phá trong huy động nguồn lực xã hội nhờ đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến Hưng Yên.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 14 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc; Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc; Chỉ số xếp hạng chuyển đổi số tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tăng 2 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 58.293 tỷ đồng (tăng 47,24%), là năm có tổng mức vốn đầu tư phát triển cao nhất từ trước đến nay.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được điều chỉnh 3 lần, lên mức 53.890 tỷ đồng, gấp 2,6 lần đầu nhiệm kỳ. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, đô thị lớn được triển khai thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành.

Giải phóng mặt bằng trước đây được coi là nút thắt, điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư phát triển nhưng năm 2022 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân nên nút thắt này dần được tháo gỡ. Năm 2022, chỉ tính riêng các khu công nghiệp đã giải phóng được khoảng 960 ha đất.

Thứ ba, vai trò, năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được cải thiện gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước rõ rệt hơn. Bên cạnh đó kỷ cương xã hội và pháp luật đã được tăng cường.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế và cơ hội phát triển vùng

- Mỗi một địa phương đều có những lợi điểm cũng như hạn chế riêng, khi về Hưng Yên làm Bí thư Tỉnh ủy, hạn chế nào về mặt tự nhiên trong phát triển kinh tế của Hưng Yên khiến ông suy nghĩ nhiều nhất?

- Đúng là Hưng Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhưng cũng có những hạn chế về mặt tự nhiên ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Đó là, diện tích bé, quy mô dân số nhỏ (930 km2 và gần 1,3 triệu người). Nói cách khác, vốn đất đai và vốn con người của Hưng Yên là một trong những hạn chế, thách thức đối với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Với vị trí nằm bên cạnh Thủ đô, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá…của cả nước và các địa phương trong vùng đang phát triển rất nhanh vừa là cơ hội song cũng là thách thức lớn trong phát triển, nhất là thu hút lao động có trình độ cao, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo giỏi.

Người được đào tạo bài bản, trình độ cao có xu hướng về Hà Nội làm việc bởi mức thu nhập cao hơn, môi trường làm việc, cơ hội thay đổi lớn hơn. Các địa phương trong vùng như Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình,…cũng đang tăng trưởng rất nhanh và cạnh tranh rất mạnh trong thu hút đầu tư, nguồn vốn và lao động.

- Vậy còn thế mạnh, thưa ông?

- Hưng Yên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, trong đó không thể không kể đến những thế mạnh sau:

Thứ nhất, đó là truyền thống văn hoá, lịch sử của Hưng Yên, yếu tố này vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực và nguồn lực phát triển. Đây là vùng đất văn hiến, địa linh, nhân kiệt. Nơi đây sinh ra nhiều vị anh hùng dân tộc, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc và nhà chính trị như Triệu Việt Vương, Hoàng Hoa Thám, Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh,… Hưng Yên có đến hơn 1.800 di tích lịch sử, di sản văn hoá mang đậm nét văn hoá của dân tộc và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Thứ hai, con người Hưng Yên thông minh, cần cù, chịu khó trong lao động. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn đoàn kết thống nhất, và sự khơi gợi cũng như phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của hệ thống chính trị là yếu tố quyết định thắng lợi trong công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh Hưng Yên.

Yếu tố thuận lợi thứ ba là vị trí địa lý. Hưng Yên có thuận lợi là có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối đồng bộ với thủ đô Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, cảng Hải Phòng, các trung tâm kinh tế, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế và cơ hội phát triển vùng

- Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TƯ về phát triển tổng thể khu vực Đồng bằng Sông Hồng tầm nhìn đến năm 2045. Trong lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thông điệp rõ ràng là Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững. Là một địa phương trong khu vực, thưa ông, Hưng Yên sẽ làm gì để tận dụng lợi thế của vùng đâu sẽ là những ưu tiên của Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2023 và sau đó?

- Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị với những quan điểm, mục tiêu mang tính đột phá chiến lược mở ra cho các địa phương trong vùng cơ hội lớn để phát triển.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương như đã nêu trên gắn với tận dụng triệt để lợi thế, cơ hội phát triển của vùng. Cụ thể là, Hưng Yên sẽ phát triển theo định hướng nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở 3 đột phá chiến lược (hạ tầng giao thông; cải thiện môi trường kinh doanh, quy hoạch tỉnh gắn với đầy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị; nguồn nhân lực).

Năm 2023 và những năm tới đây, Tỉnh uỷ Hưng Yên sẽ tập trung lãnh đạo đẩy mạnh huy động nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ mà trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối toàn diện với các hệ thống giao thông quốc gia (đường cao tốc, đường quốc lộ) và hệ thống giao thông kết nối vùng.

Hưng Yên sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường huyết mạch tạo động lực mới, mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối phát triển với các địa phương trong vùng theo quy hoạch như xây dựng, mở rộng, nâng cấp đường nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, đường Tân Phúc – Vòng Phan, đường kết nối di sản ven sông Hồng,… Khai thác tối đa lợi thế của các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 38, 39, đường vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5,...; tận dụng cơ hội phát triển lan toả từ tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các hành lang kinh tế vùng, liên vùng.

Trên cơ sở quy hoạch tỉnh và định hướng phát triển hệ thống giao thông, triển khai huy động nguồn lực phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch (như sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính, ô tô, thiết bị thông minh, tự động, ứng dụng kỹ thuật số,…) thông qua hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp quy mô lớn với hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thu hút các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia để thúc đẩy tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển hệ thống các đô thị sinh thái, thông minh gắn với phát triển kinh tế đô thị, nhất là thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, có giá trị gia tăng lớn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, gắn sản xuất với chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản và xuất khẩu.

Ở đây, vấn đề huy động nguồn lực là yếu tố quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI. Vì vậy, cần tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, hiệu quả quản trị công và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực trình độ, đạo đức và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Quá trình tái cấu trúc chiến lược thu hút đầu tư sẽ có 3 trọng tâm: (1) chuyển mạnh hướng thu hút đầu tư sang thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, không tiếp nhận các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, các dự án thâm dụng lao động cao; (2) Phát triển mạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ bản không tiếp nhận các dự án đầu tư dời lẻ, nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; (3) Rà soát, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, không triển khai, dự án vi phạm pháp luật; ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển nhượng dự án nhằm trục lợi .

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Hưng Yên cũng coi trọng và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử thông qua đầu tư tôn tạo, bảo tồn, phục dựng các công trình, di tích lịch sử, di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa: Hưng Yên sẽ tận dụng lợi thế và cơ hội phát triển vùng

- Nhân dịp Xuân Quý Mão, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông mong mỏi gì ở Đảng bộ và nhân dân của Hưng Yên?

- Sau nhiều năm, nhất là kể từ khi tái lập tỉnh (1997), Hưng Yên đạt được nhiều thành tựu to lớn trên con đường đổi mới và phát triển nhờ có sự đóng góp, hi sinh của các thế hệ, tầng lớp nhân dân.

Song, nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn và cầu thị thì Hưng Yên vẫn còn nhiều mặt hạn chế so với mục tiêu phát triển đề ra và khát vọng, ước nguyện lớn lao của nhân dân. Nhân dịp xuân Quý Mão 2023, thay mặt Tỉnh uỷ Hưng Yên, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới nhân dân và Đảng bộ tỉnh Hưng Yên.

Tôi tin rằng năm mới, các cấp uỷ đảng, chính quyền sẽ quyết liệt, tận tâm, trách nhiệm và cùng với sự đồng thuận, đồng hành của nhân dân nhất định Hưng Yên sẽ “ngày càng phát triển, tiến bộ và đạt được nhiều thành công mới to lớn hơn nữa, quê hương ta ngày càng Hưng và ngày càng Yên hơn nữa” như lời chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bài viết: Lê Sơn

Đồ họa: Đông Phong

Lê Sơn - Tào Đạt

Tin bài liên quan

Hưng Yên muốn thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, công nghệ cao

Hưng Yên muốn thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, công nghệ cao

Tăng trưởng xanh, công nghệ cao, giảm phát thải ròng và tiêu thụ nông sản... là những lĩnh vực tỉnh Hưng Yên muốn thu hút đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị thu hút đầu tư do tỉnh Hưng Yên tổ chức tối 16/11 (giờ địa phương) tại San Francisco (Hoa Kỳ).
Về Liêu Xá xem làm đồ chơi Trung thu truyền thống

Về Liêu Xá xem làm đồ chơi Trung thu truyền thống

Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được mệnh danh "thủ phủ" của đồ chơi Trung thu truyền thống. Mỗi năm, cứ đến dịp Tết Trung thu, người dân nơi đây lại tất bật sản xuất những món đồ chơi truyền thống vốn đã gắn liền với tuổi thơ của trẻ em Việt Nam.
Nghị quyết 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Nghị quyết 11-NQ/TW: Tư duy mới và tầm nhìn mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Sau khi được ban hành (2/2022), Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã lập tức thu hút được sự chú ý của dư luận. Vì sao Nghị quyết này lại được quan tâm như vậy? đâu là những điểm mới quan trọng của Nghị quyết và cách thức triển khai Nghị quyết vào cuộc sống? Để lý giải những câu hỏi này, Thời Đại đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Ban KTTW).

Tin mới

Cơ hội mới cho tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Italy

Cơ hội mới cho tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Italy

Ngày 8/5, khoá họp Uỷ ban hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam – Italy lần thứ 8 diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy, ở thủ đô Rome, dưới sự chủ trì của bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và ông Giuseppe Pastorelli, Phó Vụ trưởng Vụ Xúc tiến kinh tế và Đổi mới sáng tạo, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc

Chiều 8/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Trương Khánh Vĩ.

Tin khác

Italia sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi

Italia sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi

Đây là nội dung được ông Vincenzo Starita - Phó Chủ tịch Ủy ban Con nuôi quốc tế Italia (CAI - cơ quan thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Italia) thông tin tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Trần Tiến Dũng ngày 6/5 tại Hà Nội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 6/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
[Inforgraphic] VUFO hưởng ứng phong trào công sở xanh, sạch, đẹp, an toàn

[Inforgraphic] VUFO hưởng ứng phong trào công sở xanh, sạch, đẹp, an toàn

Công đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hưởng ứng phong trào công sở xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nền tảng để Việt Nam có được những thành tựu vĩ đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nền tảng để Việt Nam có được những thành tựu vĩ đại

Trưởng Ban Tuyên huấn TW Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đem lại những bài học quý giá, giúp thúc đẩy quá trình giải phóng dân tộc và thành lập Nhà nước CHDCND Lào.
Phiên bản di động