Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quỳnh Lập: Nơi cứu vớt hàng nghìn mảnh đời bất hạnh
Từ ngày đầu thành lập, Bệnh viện được đặt tên là Trại phong Quỳnh Lập với nhiệm vụ điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong thuộc các tỉnh phía Bắc, bộ đội toàn quân, công nhân viên chức cả nước, làm nghĩa vụ quốc tế cho người bệnh phong các nước bạn Lào, Campuchia, các tỉnh giáp biên của Trung Quốc.
Bệnh viện lấy ngày 20/4/1957 tiếp nhận bệnh nhân phong đầu tiên và được lấy làm ngày thành lập. Đến nay, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập gắn nhiệm vụ là khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh phong, người bệnh da liễu ở tuyến cao nhất của khu vực Bắc Trung bộ và các bệnh chuyên khoa khác.
Y, Bác sỹ thăm khám, chăm sóc ân cần cho bệnh nhân Phong |
Hiện, bệnh viện cũng đang chăm sóc và nuôi dưỡng gần 200 bệnh nhân Phong tại đơn vị chủ yếu là người già cả, tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, trên 80% mất khả năng lao động và phục vụ bản thân chỉ trông chờ vào cán bộ y tế và quản lý gần 800 bệnh nhân Phong trong khu vực.
Tất cả bệnh nhân phong mới được đa hoá trị liệu ngay sau khi được phát hiện, bệnh viện đã quản lý và chăm sóc cho 100% bệnh nhân có tàn tật, cung cấp các dịch vụ chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân có nhu cầu.
Giai đoạn 2018-2022, trong khu vực còn phát hiện 20 bệnh nhân phong mới, đặc biệt có 2 bệnh nhân phong mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Đây là những trường hợp có yếu tố dịch tễ vô cùng phức tạp, nằm trong địa bàn vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, dân trí thấp.
Có thể nói, bệnh Phong vẫn còn xuất hiện trong cộng đồng, tuy số ca ít hơn nhưng xu hướng kháng thuốc tăng lên, nếu chương trình chống Phong dừng lại thì rất khó duy trì được mạng lưới chống Phong.
Thời gian qua, mô hình quản lý hoạt động phòng chống bệnh phong tuyến tỉnh có sự thay đổi ở nhiều nơi, các trung tâm chống phong sáp nhập vào Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh nên thiếu sự quan tâm, đầu tư; đội ngũ làm công tác chống phong bị suy giảm, việc chăm sóc người bệnh tại cộng đồng có phần lơ là, sự quan tâm của địa phương có nhưng không sâu sát.
Cũng qua điều tra, người bệnh muốn sống tập trung tại các cơ sở điều trị có người đồng bệnh được chăm sóc và nuôi dưỡng chế độ tốt hơn, nên từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận thêm một số bệnh nhân từ các tỉnh trong khu vực về nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện.
Nhiều gia đình từ bệnh nhân rồi ở lại sinh con cho con học tập thành tài rồi về làm việc tại bệnh viện |
Đặc biệt các trường hợp này có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cộng đồng có sự kỳ thị, sống biệt lập với người thân như bệnh nhân Võ Cu (SN1987, Thuận An, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), bệnh nhân Lê Trọng Diếu (SN1934, Triệu Long, Triệu Hải, Quảng Trị) có đến 5 người con trai nhưng bệnh nhân vẫn tha thiết muốn được về sống tại cộng đồng người bệnh Phong để có sự chia sẻ, thấu hiểu và hòa đồng của những người bệnh đồng cảnh ngộ.
Có những bệnh nhân còn rất trẻ như bệnh nhân Nguyễn Thị Dung (SN 1996, Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã lấy chồng có thai nhưng bị sẩy thai và phải chịu sự kỳ thị từ cộng đồng, người thân và bị chồng bỏ, bệnh nhân còn bị liệt không đi lại được tưởng chết. Bệnh nhân được đưa về Quỳnh Lập chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị, giờ đây sự sống đã hồi sinh nơi em, nụ cười luôn rạng ngời trên môi người con gái bất hạnh, em đã đi lại và sống vui vẻ hòa đồng với tất cả những người cùng cảnh ngộ, bệnh viện là nơi đã sinh ra em lần thứ hai.
Nhiều thiên thần bé nhỏ được cất tiếng khóc chào đời tại bệnh viện |
Và còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh khác nữa ở khu vực rất muốn được về sống, được chăm sóc và điều trị, để có sự chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông từ tinh thần tới vật chất từ những người đồng cảnh ngộ và những y bác sỹ tận tâm tại Làng phong Quỳnh Lập.
Thầy thuốc Nhân dân - Tiến sỹ – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Việt Dương chia sẻ, Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quỳnh Lập ở tuyến Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đặc thù khó khăn, hiện nay bệnh viện còn đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 200 bệnh nhân phong tàn tật hết cuộc đời. Mặt khác với lịch sử 66 năm hình thành phát triển với chuyên ngành đặc thù, gắn bó với người bệnh từ những ngày đầu khó khăn vất vả, đây cũng chính là nơi cứu vớt của hàng nghìn mảnh đời bất hạnh và là nơi sinh ra họ lần thứ hai.
Thầy thuốc Nhân dân - Tiến sỹ – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Việt Dương chia sẻ với PV |
“Với tính chất là đơn vị đặc thù, đối tượng phục vụ đặc thù, người bệnh phong cần được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên việc duy trì các Bệnh viện Phong, Da liễu như hiện nay là hết sức cần thiết”, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ thêm.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, bệnh viện hiện đang quản lý gần 800 người bệnh phong. Việc chăm sóc người bệnh tại cộng đồng không được tốt, sự quan tâm của địa phương có nhưng không sâu sát, không được sự hài lòng của người bệnh. Qua điều tra họ muốn sống tập trung tại các cơ sở điều trị có người đồng bệnh được chăm sóc và nuôi dưỡng chế độ tốt hơn. Đáng chú ý, bệnh nhân của khu vực các tỉnh phía bắc gần Bệnh viện như: Hải Dương (250 người bệnh); Hà Nam (117 người bệnh); Bắc Ninh (120 người bệnh); Thái Bình (184 người bệnh); Nam Định (101 người bệnh); Hà Nội (54 người bệnh); Quảng Ninh (32 người bệnh)… Với số lượng bệnh nhân ở các tỉnh như vậy Bệnh viện Quỳnh Lập có thể thu dung đảm nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị tập trung người bệnh tại Bệnh viện trên cơ sở Bệnh viện đã từng nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 3.000 người bệnh Phong trong giai đoạn trước đây với địa bàn rộng lớn, thoáng mát, cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh phong tốt hơn nhiều mà không phải chịu sự kỳ thị từ cộng đồng. |