Bất ngờ: Trừ Thủ tướng Chu Ân Lai, nhiều tướng lĩnh TQ phản đối xuất binh cứu Triều Tiên
Cuộc chiến tranh Triều Tiên và những bí ẩn được che giấu
Vừa qua, khi mâu thuẫn hai nước Trung-Triều bùng phát liên quan đến vấn đề hạt nhân bán đảo, báo chí Trung Quốc đã cho đăng nhiều hồi ký của các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy nhiều người không đồng tình tham chiến ở Triều Tiên trong thập niên 1950.
Ngày 8/5/2017, báo chí Trung Quốc (nếu có nguồn thì chú thích thêm báo nào của TQ) cho đăng hồi ký nhan đề "50 năm đảng Cộng sản Trung Quốc" của nhà lãnh đạo Vương Minh (1904-1974), Tổng bí thư thứ 4 của ĐCSTQ.
Tác giả viết: "Khi tôi đang chữa bệnh ở Moskva, ngày 10/11/1952 đồng chí Lưu Thiếu Kỳ tới Moskva tham dự Đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Liên Xô đã gọi tôi tới trò chuyện.
Nói về cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Lưu Thiếu Kỳ cho biết, khi Liên quân Mỹ, Anh đổ bộ lên Incheon, tình hình rất khẩn cấp. Trong hai tuần lễ, Bộ chính trị [Trung Quốc] liên tiếp họp thảo luận và Chủ tịch Mao [Trạch Đông] chưa quyết định có đưa quân Trung Quốc tham chiến hay không.
Trong Hội nghị, Mao Trạch Đông nói: Nếu chúng ta đưa quân tham chiến thì tình đồng minh Trung-Mỹ từ Thế chiến II sẽ chấm dứt. Không ai biết được tới khi nào mới có thể khôi phục lại được. Ngoài ra, chúng ta thử nghĩ xem, sau khi đưa quân sang mà không đánh lui được quân Mỹ thì làm thế nào?
Lúc này, Mao Trạch Đông vẫn chần chừ không quyết định, nhưng khi quân Mỹ tấn công tới Sinuiju, áp sát sông Áp Lục, gần kề biên giới Trung-Triều, buộc Mao phải ra quyết định.
Mao Trạch Đông tuyên bố: Giờ đây chúng ta buộc phải xuất quân! Nếu lực lượng chúng ta xuất phát sớm thì chúng ta hy vọng có được niềm vinh quang và điều kiện có lợi.
Vinh quang ở đây là vinh quang của người quốc tế vô sản, còn điều kiện có lợi là chúng ta chỉ chiến đấu trên đất Triều Tiên chứ không phải trên lãnh thổ Trung Quốc. Nếu để quân Mỹ vượt sông Áp Lục đánh sang đất Trung Quốc thì chúng ta mất cả vinh quang và cũng mất luôn cả điều kiện có lợi."
Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) tiếp lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành tại Bắc Kinh ngày 23/4/1975 (Ảnh: Getty Images)
Trong hồi ký, Vương Minh cho biết khi đó tướng Douglas MacArthur đề nghị Tổng thống Harry Truman cho đánh chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc nếu không ông sẽ từ chức, nhưng Truman từ chối. Ngày 11/4/1951 Truman đã cách chức và triệu hồi MacArthur về nước.
Sau khi đã ra lệnh cho Quân giải phóng nhân dân (PLA) tràn sang bán đảo tham chiến thì Mao Trạch Đông mới nhận được thông tin này.
Mao sững sờ nói: "Vậy chúng ta đưa quân đi có đúng không? Nếu như chúng ta biết trước được quân Mỹ thực sự không muốn đánh nhau với Trung Quốc mà chúng ta xuất quân chi viện Triều Tiên, như vậy đã phá hoại quan hệ Trung-Mỹ. Bởi vậy, chúng ta hãy cố gắng kết thúc sớm chiến tranh thì mới là con đường từng bước khôi phục quan hệ hữu nghị Trung-Mỹ".
Nhà sử học Thẩm Chí Hoa, Chủ nhiệm Trung tâm quốc tế nghiên cứu Chiến tranh Lạnh thuộc Đại học sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc đã dày công nghiên cứu hồi ký của các tướng lĩnh Trung Quốc có liên quan Chiến tranh Triều Tiên.
Theo ông Thẩm, nhiều tướng lĩnh "khai quốc công thần" như Nhiếp Vinh Trăn, Hồng Học Trí, Đỗ Bình, Trương Hy, Dương Thượng Côn, Lôi Anh Phu… đều xác nhận hầu như không có ai ủng hộ đưa quân sang Triều Tiên.
Trong bài "Thời kỳ đầu cuộc Chiến tranh Triều Tiên" đăng trên Nguyệt san "Sử học" số 11 năm 2012, tác giả họ Thẩm cho biết vào tháng 7/1950 khi liên quân Mỹ đẩy lùi cuộc tấn công của Kim Nhật Thành và đẩy quân Triều Tiên rút về phía bắc, Kim Nhật Thành kêu gọi Trung Quốc chi viện.
Lúc này, Mao Trạch Đông thấy rất bức bách và tính toán cử tướng nào chỉ huy sang giúp Triều Tiên.
Tướng Vương Á Chí, khi đó là Cục trưởng Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu PLA, nói chỉ có 6 tướng là Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Từ Hướng Tiền, Túc Dụ và Trần Canh có thể đảm nhiệm chức Tư lệnh sang giúp Triều Tiên.
Lưu Bá Thừa, Trần Canh, Từ Hướng Tiền đều không tán thành đưa quân tham chiến. Tướng Từ lúc đó còn đang lâm bệnh.
Vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền bán đảo, ảnh chụp năm 1950 (Nguồn: History.com)
Hàng loạt tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc thoái thác "viện Triều"
Trong hồi ký xuất bản năm 1962, tướng Ngô Tín Tuyền, nguyên Tư lệnh Tập đoàn quân 39, dẫn lời Cao Cương (vào đầu thập niên 1950 giữ chức Bí thư Cục Đông Bắc của trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Chính phủ nhân dân Đông Bắc, Phó chủ tịch Chính phủ nhân dân Trung Quốc, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu Đông Bắc) nói: "Các đồng chí trung ương có ý kiến khác nhau về việc xuất quân chi viện Triều Tiên."
Ngay Mao Trạch Đông cũng nói: "Các đồng chí trong trung ương đều cho rằng việc đưa quân sang Triều Tiên phải rất thận trọng, khi đó duy chỉ có Chu Ân Lai đồng ý, còn lại không có ai đồng ý, kể cả Lâm Bưu, Túc Dụ, Bành Đức Hoài."
Khi được Mao triệu tới trao đổi ý kiến, Bành Đức Hoài nói: "Liên Xô thì phủi tay, trang bị vũ khí của chúng ta rất lạc hậu, hãy để cho Triều Tiên mất nước cho dù là đau khổ".
Tiếp đó, Mao yêu cầu Túc Dụ lên Bắc Kinh nhận nhiệm vụ. Nhưng Túc Dụ đã tìm cách thoái thác. Khi đó Túc Dụ là Tư lệnh Dã Chiến quân số 3 đang có kế hoạch tập trung 500.000 quân để giành lại Đài Loan từ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch.
Kế hoạch của tướng Túc đã trình Hội nghị toàn thể trung ương 3 Khóa 7 và đang thúc giục Bắc Kinh phê chuẩn. Ông không muốn đi vì lo ngại bỏ lỡ thời cơ thống nhất Đài Loan, nên đã cáo bệnh.
Mao Trạch Đông lại triệu Lâm Bưu tới giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy, nhưng Lâm cũng thoái thác.
Trong hồi ký xuất bản năm 1989, Trương Hy - khi đó là Cục trưởng Cục quân huấn - cho biết Lâm Bưu phản đối đưa quân sang Triều Tiên.
Lâm Bưu cho rằng tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với liên quân do Mỹ đứng đầu chênh lệch rất lớn, nếu phiêu lưu mạo hiểm "chỉ tự thiêu cháy mình, hậu quả rất khó lường".
Lâm cho rằng có thể đưa quân đi, nhưng không tham chiến. Lâm Bưu đặt câu hỏi: Nếu như đánh không thắng thì sao? Vì vậy, ông ta đã cáo bệnh từ chối chỉ huy.
Bành Đức Hoài tuy phản đối, nhưng cuối cùng vẫn nhận nhiệm vụ Tổng chỉ huy trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Từ tháng 10/1950, Chí nguyện quân Trung Quốc (PVA) bắt đầu can thiệp chiến sự bán đảo và giúp Triều Tiên đẩy lùi liên quân quốc tế, đẩy lực lượng Mỹ/đồng minh trở về phía Nam vĩ tuyến 38 (Ảnh: History.com)
Lợi ích bất đồng mâu thuẫn bùng phát
Chỉ trong 3 tuần qua kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhậm chức (10/5/2017), Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, mà lần mới nhất là Chủ nhật vừa qua, ngày 29/5.
Chỉ trích, lên án, cảnh cáo lẫn nhau đã bao trùm quan hệ Trung-Triều vì không còn lợi ích chung. Trung Quốc và Mỹ hợp tác cùng gây sức ép. Triều Tiên bất mãn, công khai chỉ trích Bắc Kinh "nhảy theo điệu nhạc của Mỹ".
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 3/5 lần đầu tiên công khai cảnh cáo đích danh Trung Quốc "suy nghĩ kỹ tới hậu quả nghiêm trọng làm lung lay quan hệ Trung-Triều, vì đã làm tổn thương tới quyền tự chủ hợp pháp và tính tôn nghiêm của Triều Tiên."
KCNA cho rằng Triều Tiên bị phản bội, còn Trung Quốc đã tổn hại lợi ích chiến lược của chính mình. Bình Nhưỡng cho rằng Bắc Kinh "vong ơn bội nghĩa" đối với những cống hiến của Triều Tiên trong hơn 70 năm qua, trong vai trò "lá chắn" chống Mỹ bảo vệ an ninh cho Trung Quốc.
Trước đó KCNA hôm 23/4 đã có bài "Hãy suy nghĩ kỹ khi theo đuôi người khác", cảnh cáo Trung Quốc "đừng đánh giá sai ý chí của Triều Tiên, theo đuôi người khác, hãy chuẩn bị tư tưởng chuốc lấy hậu quả tai hại trong quan hệ với Triều Tiên".
Ngày 3/4 năm ngoái, Hội đồng quốc phòng Triều Tiên đã lên án gay gắt "một số nước đã quỳ gối cúi đầu trước Mỹ, về hùa với Mỹ để trừng phạt Triều Tiên", được cho là ám chỉ Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, các hãng truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo, Thời báo Hoàn Cầu cũng chỉ trích Triều Tiên làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi "Không nên đeo đuổi mà phải từ bỏ gánh nặng Triều Tiên".
Báo chí Trung Quốc yêu cầu chấm dứt "Hiệp ước hữu nghị Trung – Triều" hai nước ký năm 1961, nếu Triều Tiên bị xâm lược thì sẽ không bao giờ lặp lại cuộc "kháng Mỹ viện Triều" như hồi thập niên 1950.
Xiakedao, một tài khoản công cộng do Nhân dân Nhật báo quản lý trên mạng Wechat của Trung Quốc, ngày 7/5 khơi lại vấn đề lịch sử để chỉ trích Triều Tiên:
"Nếu cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành không nôn nóng thống nhất thì chiến tranh Triều Tiên sẽ không nổ ra. Cuộc chiến này làm mấy chục vạn binh sĩ Trung Quốc hy sinh, gây căng thẳng quan hệ Trung-Mỹ hơn 20 năm, và làm Trung Quốc bỏ lỡ thời cơ thống nhất Đài Loan cho tới nay."
Những góc khuất về bất đồng mâu thuẫn trước đây bị che giấu, dịp này được báo chí Trung Quốc phanh phui, điều này cho thấy sự bùng phát mâu thuẫn hai nước không phải ngẫu nhiên mà âm ỉ từ lâu.
Nhà báo Kiều Tỉnh