Bão Yagi đổ bộ, người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn?
Rủi ro thiên tai cấp 4
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 6h sáng nay, bão Yagi mạnh cấp 14, sức gió 166 km/h, giật cấp 17 trên vịnh Bắc Bộ, cách trung tâm Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 160 km. Bão đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h, dự kiến trưa nay đi vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó tiến sâu vào Đông Bắc Bộ với sức gió cấp 11-12.
Cơ quan khí tượng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn) do bão số 3 gây ra đối với vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) đối với khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa |
Cơ quan khí tượng đã đo được gió mạnh cấp 11, giật cấp 13 ở đảo Bạch Long Vĩ; đảo Cô Tô gió cấp 6, giật cấp 10; Móng Cái cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông cấp 7, giật cấp 8. Do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ bao gồm huyện đảo Bạch Long Vi, Cô Tô gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 6-8 m.
Trên đất liền Quảng Ninh - Thanh Hóa gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14, khu vực sâu trong đất liền Đông Bắc Bộ gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Thời điểm gió mạnh nhất từ sáng đến chiều tối nay.
Từ hôm nay đến ngày 9/9, Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xảy ra một đợt mưa 100-350 mm, có nơi trên 500 mm. Mưa lớn nhất ở Đông Bắc Bộ trong ngày và đêm nay, Tây Bắc Bộ từ tối nay đến đêm 8/9. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Người dân hạn chế ra đường khi mưa bão
Trước diễn biến của tình hình mưa bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão. Nội dung Công điện yêu cầu tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố 25 tỉnh thành phía Bắc, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã đưa ra khuyến cáo với người dân trước khi bão đổ bộ cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; giữ liên lạc giữa tàu, thuyền và đất liền.
Người dân cần đưa tàu, thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú bão an toàn.
Đặc biệt, người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng; bảo vệ lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.
Người dân Thủ đô mua nhu yếu phẩm phòng khi bão về. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Bên cạnh đó, người dân cần dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày; đề phòng mưa, lũ, lũ quét trước, trong và sau bão; chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.
Khi bão đổ bộ người dân không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài.
Đặc biệt lưu ý người dân không trú, tránh bão dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ; đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật.
Nếu trong trường hợp nguy hiểm khi cần cứu hộ, người dân cần thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng.
Bên cạnh đó, người dân cần chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của chính quyền; chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Sau bão, người dân kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị trước khi sử dụng; khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Ngoài ra, người dân cần thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương, tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường.