Bảo vệ sự bình yên trong mỗi buôn làng
Bộ đội biên phòng Sêrêpốk phối hợp với già làng tuyên truyền, vận động nhân dân về các quy định của pháp luật liên quan đến tàng trữ, sử dụng vũ khí. |
Với sự vào cuộc tích cực và những cách làm hay, công tác thu hồi vũ khí đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nương rẫy”
Đắk Lắk có hơn 71 km đường biên giới với 4 xã biên giới thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Trong đợt cao điểm, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác của nhân dân trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Sêrêpốk cho biết, đơn vị đứng chân trên địa bàn xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn - nơi có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Đặc biệt, địa bàn xã có diện tích rừng khá lớn. Từ xa xưa, bà con đã có tập quán săn bắt động vật hoang dã. Cùng với đó là yếu tố lịch sử để lại nên trong nhiều hộ dân vẫn còn tàng trữ vũ khí, vật liệt nổ, nhất là các loại súng tự chế.
Triển khai nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chủ động giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ đầu năm 2023, công tác thu hồi vũ khí và tuyên truyền đến bà con được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, nhất là giúp người dân nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về tàng trữ, sử dụng vũ khí. Từ đó, họ chủ động giao nộp cho cơ quan chức năng.
Các loại súng được lực lượng Bộ đội Biên phòng thu giữ tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
“Với đặc thù địa bàn biên giới diện tích rộng và đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nương rẫy” bất kể ngày đêm để gặp và vận động bà con giao nộp vũ khí. Nhờ vậy, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, chủ động mang vũ khí đến giao nộp” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương chia sẻ.
Anh Y Hà Shivut (buôn Ea Rông A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết, vào tháng 4/2023, trong một lần tìm kiếm lan rừng, anh nhặt được một khẩu súng đem về nhà cất giữ. Được Bộ đội Biên phòng đến vận động, giải thích về việc cất giữ súng là trái với quy định của pháp luật, anh đã chủ động giao nộp cho bộ đội. Sau đó, anh đã tuyên truyền, vận động bà con trong buôn và anh em, bạn bè giao nộp các loại vũ khí nếu có cất giấu để cùng nhau giữ gìn an ninh, trật tự.
Đồn Biên phòng Sêrêpốk (Đắk Lắk) lập biên bản tiếp nhận vũ khí do người dân giao nộp. |
Già làng Y Thơng Kđoh (buôn Trí, xã Krông Na) bày tỏ, ông rất buồn khi thấy bà con buôn làng vì nhận thức chưa tốt nên vẫn còn giữ súng trong nhà. Từ xưa đến nay, bà con luôn đoàn kết một lòng xây dựng buôn làng, quê hương, đất nước. Tuy nhiên, một số người nhận thức chưa đầy đủ nên cất giữ vũ khí, hoặc lưu giữ súng làm kỷ niệm, đây là bộ phận nhỏ trong nhân dân. Thời gian tới, già làng sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương rà soát, vận động, tuyên truyền bà con buôn làng hiểu và nhận thức đúng về việc cất giấu vũ khí là sai trái, vi phạm pháp luật và phải tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân để góp phần bảo vệ sự bình yên trong mỗi buôn làng.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới tự nguyện giao nộp được 182 khẩu súng (trong đó 11 khẩu súng quân dụng, 4 khẩu súng thể thao, 57 khẩu súng Kíp, 108 khẩu súng côn); 46 viên đạn các loại; hai quả đạn cối 60, một quả lựu đạn; 1,5 kg thuốc nổ… và một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ khác.
Các loại súng được lực lượng Bộ đội Biên phòng thu giữ tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được triển khai đồng bộ, quyết liệt đã góp phần phòng ngừa từ xa, ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng, sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Qua từng năm, số lượng vũ khí, vật liệu nổ và phương tiện hỗ trợ do Bộ đội Biên phòng tỉnh thu hồi liên tục giảm, góp phần giảm thiểu hiểm họa liên quan đến vũ khí tại khu vực biên giới.
Công an xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lập biên bản tiếp nhận vũ khí do người dân giao nộp. |
Góp phần bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở
Từ ngày 12/6 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai kế hoạch cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Qua đó, lực lượng Công an toàn tỉnh đã thu hồi trên 5.350 vũ khí, vật liệt nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó, có hơn 1.660 khẩu súng các loại và các loại vũ khí như đạn chì, đạn súng, thuốc nổ. Đặc biệt, một lượng lớn vũ khí đã được người dân chủ động giao nộp trong đợt cao điểm phát động.
Chị Lương Thị Hiện (xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp) chia sẻ, chồng có một khẩu súng tự chế cất giữ từ nhiều năm nay để làm kỷ niệm. Được Công an địa phương tuyên truyền, giải thích về hành vi tàng trữ vũ khí, nguy cơ gây mất an ninh trật tự, chị đã tự giác giao nộp súng cho Công an xã. Đồng thời, chị vận động bà con trong thôn, xóm tích cực hưởng ứng kế hoạch thu hồi vũ khí của Công an để hạn chế các vụ việc mất an ninh trật tự liên quan đến súng và các loại vũ khí khác.
Người dân xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk tự nguyện đến giao nộp vũ khí cho cơ quan chức năng. |
Anh Bùi Văn Hiếu (xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp) cho biết, anh có giữ một khẩu súng hơn 10 năm nay để làm kỷ niệm. Vừa qua, được lực Công an xã tuyên truyền, vận động và bà con trong xã cũng tích cực hưởng ứng, anh đã chủ động mang khẩu súng giao nộp cho Công an xã.
Theo Thượng tá Lý Văn Kết, Trưởng Công an huyện Ea Súp, Công an tỉnh Đắk Lắk, để tăng hiệu quả trong công tác thu hồi vũ khí, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, Công an huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện đặt các điểm thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ tại từng xã để người dân chủ động mang vũ khí, vật liệu nổ đến giao nộp. Đơn vị đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những gia đình khó khăn khi chủ động mang vũ khí đến giao nộp; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng thôn buôn ký cam kết về việc không tàng trữ vũ khí và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình làm trái các quy định của pháp luật.
Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, số vũ khí đã thu hồi đều là vũ khí nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ việc mất an ninh trật tự nghiêm trọng. Điển hình như, vụ 11/6/2023 ở huyện Cư Kuin, đối tượng đã sử dụng các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế, các loại công cụ vũ khí khác gây án, làm chết và bị thương nhiều người. Lực lượng Công an đã có nhiều đợt cao điểm vận động, thu hồi nhưng tình hình tàng trữ, sử dụng, mua bán vũ khí ở địa bàn còn phức tạp. Do đó, thời gian tới, lực lượng Công an các cấp tiếp tục quyết tâm, cố gắng cao hơn nữa trong việc vận động người dân giao nộp vũ khí, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Theo Tuấn Anh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bao-ve-su-binh-yen-trong-moi-buon-lang-20230802092604209.htm