Bài học Nhơn Trạch
Nỗi lo lớn nhất với các nhà hoạch định chính sách giờ đây, nếu nói không quá lời, thì không gì khác hai từ Thiếu Điện được viết hoa. Tuy nhiên, dường như nỗi lo và hành động thực tiễn lại không song hành cùng nhau, có những dự án, có những doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện vẫn đang dở khóc dở cười trong quá trình tháo gỡ khó khăn mà chưa biết khi nào mới có kết quả. Điển hình là dự án Nhơn Trạch 3&4 tại Đồng Nai, một dự án được xếp vào hàng quan trọng quốc gia và trọng điểm ngành năng lượng do Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) làm chủ đầu tư.
Đây là dự án nhiệt điện đầu tiên đang triển khai ở Việt Nam sử dụng khí thiên nhiên nhập khẩu LNG có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD và công suất 1624 MW. Đến thời điểm này thì gần 90% khối lượng công việc đã hoàn thành, nhưng, khi tưởng như sẽ về đích đúng tiến độ (tháng 8/2024 sẽ chạy thử) thì dự án lại gặp phải những vướng mắc rất “trời ơi”.
Không có đất thi công kênh xả nước làm mát!
Chuyện này nghe qua chắc sẽ tưởng là nói đùa, nhưng đúng là như vậy vì hiện nay PVPower đang bị “trói tay” bởi Tổng công ty Tín Nghĩa, doanh nghiệp đang quản lý sử dụng đất tại khu công nghiệp Ông Kèo. Câu chuyện ở đây đơn giản là PVPower muốn thuê đất để xây dựng kênh xả nước làm mát, một hạng mục quan trọng mà nếu không có thì không thể vận hành nhà máy. Tuy nhiên, phía Tín Nghĩa hiện tại đã “quay xe”, đẩy giá thuê lên 100 USD/m2 dù trước đó vào tháng 10/2021 đã thống nhất, nên mọi việc đang đóng băng.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến thị sát dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 do PVPower làm chủ đầu tư |
Giờ đây, sau nhiều tháng kêu than thì PVPower ở trong tình trạng không biết chờ ai giải quyết, chờ UBND tỉnh Đồng Nai, (Tổng công ty Tín Nghĩa thì khó rồi), hay cấp thẩm quyền cao hơn? Kêu thì cũng nhiều rồi, báo cáo thì cũng nhiều rồi, và mới nhất là ngày 9/5/2024, PVPower lại, vâng, lại một lần nữa thống thiết trình bày với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Đồng Nai nhằm mục đích tháo gỡ vướng mắc cho dự án.
Lúc này mong muốn của chủ đầu tư có lẽ đơn giản hơn bao giờ hết là được thuê đất trực tiếp từ chính quyền địa phương, nhưng mong muốn này cũng chưa biết khi nào được cân nhắc thấu đáo!
Giá bán điện thế nào là hợp lý?
Một trong những điều kiện quan trọng, quyết định sự sống còn của dự án nhà máy điện là giá bán điện, và với Nhơn Trạch 3&4 thì điều này lại càng quan trọng vì nó liên quan đến bài toán nhập khẩu LNG cũng như vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lúc này là rất khó.
Thật ra vấn đề hiện nay là cần thay đổi cách nhìn nhận thế nào là hợp lý? Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu Qc 72% đến 90%, giá bán rơi vào khoảng 2800 đồng/kWh. Với đề xuất này thì EVN đương nhiên lắc đầu, lý do của EVN được công bố rất rõ ràng là đòi hỏi này gây rủi ro phát sinh làm tăng giá điện và không công bằng với các loại hình nhà máy điện khác.
Phản ứng của EVN không hẳn là vô lý nếu xét ở thời điểm này, khi giá bán lẻ bình quân 1 kWh đang ở mức hơn 2000 đồng chút xíu (chưa tính thuế VAT). Tuy nhiên, sự vô lý hay hợp lý của thị trường điện không nên gói gọn trong thời điểm hiện nay. Bởi, nếu mở rộng tầm nhìn thì một khi các nguồn điện truyền thống không thể phát triển mới, cộng với sức ép thực thi COP 26 thì trong tương lai mức giá như đề xuất của chủ đầu tư lại là phù hợp.
Bài học Nhơn Trạch
Hai nội dung trên là hai khó khăn nổi bật của dự án Nhơn Trạch 3&4. Tất nhiên, trước sau gì thì những vướng mắc này cũng sẽ được giải quyết, nên điều cần làm lúc này là xem xét những bài học kinh nghiệm gì rút ra từ đây để qua đó thúc đẩy các dự án khác nhanh hơn, tránh được nguy cơ xảy ra thiếu điện trong tương lai gần.
Hiện nay kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 đã ban hành, thời gian thực tế còn lại rất ít. Vì vậy nếu mọi việc không được đúc rút, đánh giá và thực hiện theo một tư duy hoàn toàn mới thì sẽ không đảm bảo được sự thành công của quy hoạch.
Để các dự án được nhanh chóng triển khai, điều đầu tiên là các thủ tục liên quan cần phải được rút gọn ở mức tối đa. Quy trình thủ tục từ khi giao chủ đầu tư cho đến khi khởi công dự án cần được rà soát (kể cả thẩm tra dự án) và lược bỏ triệt để những nội dung không phù hợp, gây ảnh hưởng đến thời gian thực hiện. Ở Nhơn Trạch thì ví dụ điển hình cần thay đổi là công tác cho thuê đất, một công việc tốn quá nhiều thời gian cho chủ đầu tư, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.
Không chỉ có vậy, với điện khí LNG cần phải xác định đây không phải là dự án đơn lẻ, vì trên thực tế đó là 1 chuỗi gồm các khâu nhập LNG, kho cảng chứa LNG, phân phối khí, sản xuất điện, đấu nối và truyền tải, bán điện…Bởi vậy, khi xử lý các vấn đề cần đứng trên quan điểm hiệu quả của cả chuỗi thì mới đạt được lợi ích lâu dài, nếu không sẽ rất lúng túng khi lợi ích của các khâu mâu thuẫn với nhau.
Cuối cùng, Quy hoạch 8 có thực hiện hiệu quả hay không thì phụ thuộc tất cả vào con người, và con người cụ thể ở đây là cán bộ của từng khâu từng cấp của các bộ ngành và địa phương. Họ xử lý thế nào, đã thật sự hết trách nhiệm chưa với từng tờ trình, từng công văn…đều tác động trực tiếp đến tiến độ và thành công của dự án.
Ở đây, có lẽ không nên nhìn nhận sự việc Nhơn Trạch 3&4 chỉ là của PVPower nữa. Theo kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 10 dự án điện khí LNG. Thời điểm này đã là tháng 5/2024, quỹ thời gian còn lại bao nhiêu thì chúng ta đều tự tính toán được, chỉ có điều thời gian thì vốn nghiệt ngã vì không chờ ai cả!