Nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu đã bày tỏ quan điểm của mình về “bộ môn” vật nam nữ.
----------------------------
Vật là một bộ môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Việt Nam là dân tộc có lịch sử gắn liền với truyền thống liên tục phải đấu tranh dựng nước, giữ nước. Theo những tài liệu cũ, môn vật cũng xuất phát từ những cuộc chiến đấu tranh đòi độc lập, bảo vệ tổ quốc.
Vì vậy bộ môn này không chỉ tôn vinh tinh thần thượng võ, mà còn là những hoạt động rèn luyện, nuôi dưỡng phát triển sức chiến đấu của từng người dân, những chiến binh tiềm năng trong chính cuộc sống hàng ngày. Ở một mức độ nào đó những ký ức, tinh thần, những đặc tính của dân tộc sẽ lưu truyền trong một môn thể thao có phần dân dã rất gần gũi với đời sống hàng ngày của mỗi người dân.
Khi trở thành một môn thể thao đó là cuộc đấu của sức mạnh nhưng là cuộc đấu công bằng mà ở đó người khỏe hơn chưa chắc đã thắng. Người đấu vật phải vận dụng kết hợp giữa sức mạnh cơ bắp thể chất và sức mạnh trí tuệ, ý chí, tinh thần, phải có sự khôn khéo. Nói cách khác đó là cuộc đấu công bằng nhất để chọn ra những cá thể ưu tú nhất với tư cách một con người chỉnh thể trong cuộc sống.
Nhưng sẽ là thế nào nếu đấu vật lại là cuộc đấu giữa một người nam và một người nữ. Tôi khẳng định rằng ở đó tất cả những gì là tinh túy là tinh thần thượng võ là truyền thống dân tộc đều đã biến mất. Vật nam nữ chỉ là một thứ “quái thai” sinh ra từ một bộ môn thể thao truyền thống.
Thể thao Việt Nam cũng như thế giới, ở một số bộ môn vẫn có sự xuất hiện của cả nam cả nữ trong những cuộc đấu. Tuy nhiên tôi khẳng định 100% là cả nam nữ xuất hiện trong những bộ môn mà họ phối hợp với nhau chứ không phải đối kháng. Đó là các môn như khiêu vũ thể thao, trượt băng nghệ thuật... Lúc đó sự phối hợp giữa người nam và người nữ ở mức độ nào đó đưa các bộ môn đó lên một đỉnh cao mới, một trình độ thẩm mỹ mới mà nếu chỉ một người không làm được.
Ngay trong những môn thể thao đối kháng thì lúc đó đôi nam nữ họ cũng là đồng đội của nhau đứng cùng một chiến tuyến và cần có sự phối hợp với nhau. Đó là quần vợt, bóng bàn đôi nam nữ...
Thế giới có rất nhiều thể thức thi đấu nhưng tôi chưa bao giờ thấy có kiểu nam đấu nữ trong bất kỳ bộ môn nào.
Thực chất có thể nói tất cả các môn thể thao thiên về thể chất đều xuất phát từ thực tế cuộc sống mà cụ thể là trong những cuộc chiến sinh tồn giữa con người với các sức mạnh từ tự nhiên hoặc giữa con người với nhau.
Tuy nhiên khi trở thành bộ môn thể thao, dù thi đấu giống như thực tế thì xu hướng chung con người phải lược bỏ, bóc tách, hạn chế những phần bạo lực thậm chí là cái ác mà cố gắng hướng tới tôn vinh chiến thắng của sức mạnh thể chất, tinh thần.
Tôi biết có nhiều người lý luận rằng trong lịch sử phụ nữ Việt Nam tham gia thậm chí lãnh đạo nhiều cuộc chiến cứu quốc, họ đối mặt và chiến thắng nhiều kẻ thù là nam giới. Tuy nhiên không thể lấy lý do thực tế đời sống có gì thì trên sàn đấu cũng cần có cái đó.
Trong bộ môn truyền thống là môn vật, tôi thấy làm lạ tại sao lại có thể loại con trai vật với con gái, đây hoàn toàn không phải bình đằng giới. Đây là "bình đẳng giới" một cách kệch cỡm, méo mó. Từ trong lịch sử loài người cho đến tận hôm nay dù có tiến hóa thế nào thì bản chất tâm sinh lý của người nam và người nữ là khác nhau. Đưa cả người nam và người nữ lên sàn vật trong một trận đấu không phải là bình đẳng giới mà là cái nhìn thiển cận hạn hẹp và thiếu hiểu biết về giới. Ở một mức độ nào đó nó tạo ra những sự quái dị từ một môn thể thao lành mạnh.
Bình đẳng giới cũng không có nghĩa là xóa đi ranh giới giữa người nam và người nữ. Bằng chứng rõ nhất là mỗi khi có những trận đấu vật giữa nam và nữ ấy khán giả vẫn reo hò thậm chí là không thiếu những lời lẽ bình luận dung tục, phản cảm. Nghĩa là trong đầu họ đương nhiên vẫn ý thức rõ đó là hai người ở hai giới khác nhau nhưng trên sàn vật họ lại có những động tác mà ở mức độ nào đó có lẽ chỉ nên diễn ra trong phòng ngủ.
Ngay cả những môn thi đấu thể thao trí tuệ hoặc không có sự tiếp xúc trực tiếp cơ thể, thường diễn ra trong lễ hội làng, như đánh cờ bơi thuyền, bóng chuyền,… cũng không hề có thể lệ nam đấu với nữ huống chi là một môn thi đấu thể chất liên tục có những động tác bắt buộc phải động chạm tiếp xúc cơ thể với nhau như môn đấu vật.
Chúng ta cũng không nên coi tất cả những gì đang diễn ra trong đời sống đều là thực tế và chấp nhận nó. Đó có thể chỉ là một phần mà là phần “biến dị” tiêu cực của đời sống. Bằng những chế định, quy phạm đạo đức, văn hóa và thậm chí cả pháp luật cần phải loại bỏ những thứ biến dị đó. Người dân ở mức độ nào đó cũng phải biết chọn lọc, ủng hộ những giá trị truyền thống thuần túy của dân tộc.
Có lẽ ở đấy vai trò lớn nhất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần chấn chỉnh, can thiệp và xử lí những tồn đọng những vấn đề của các bộ môn văn hóa truyền thống. Làm sao có thể phát triển, thúc đẩy nhưng không làm mất đi những nét đẹp thuần túy vốn có.
Nội dung: Quốc Khánh - Mai Anh - Thu Hoài
Ảnh, đồ hoạ: Quốc Khánh - Mai Anh