10:43 | 12/07/2025
Theo hãng tin Reuters (Anh), ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu sa thải hơn 1.300 nhân viên làm việc trong nước theo kế hoạch cải tổ bộ máy ngoại giao do chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai.
Đợt cắt giảm bao gồm 1.107 viên chức nhà nước và 246 viên chức ngoại giao, nằm trong tổng số gần 3.000 người bị ảnh hưởng, bao gồm cả các trường hợp tự nguyện nghỉ việc. Thông báo nội bộ của Bộ cho biết việc tinh giản nhằm tập trung nguồn lực cho các ưu tiên đối ngoại và loại bỏ các chức năng không cốt lõi, trùng lặp hoặc dư thừa.
![]() |
Một phụ nữ bật khóc trong buổi chia tay các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington, D.C., ngày 11/7/2025. (Ảnh: Reuters) |
Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Tòa án Tối cao Mỹ hủy bỏ lệnh ngăn chặn từ tòa cấp dưới, cho phép chính quyền Trump tiếp tục thực hiện kế hoạch sa thải hàng chục nghìn nhân viên liên bang.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio khẳng định đây là bước đi cần thiết để thực hiện hiệu quả chính sách “Nước Mỹ trên hết” và cắt giảm chi tiêu công. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Dân chủ cảnh báo việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn có thể làm suy yếu năng lực ngoại giao của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn.
Nhiều nhân viên bị ảnh hưởng làm việc tại các đơn vị hỗ trợ tái định cư người Afghanistan và các chương trình về nhân quyền, dân chủ, phòng chống tội ác chiến tranh. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thiết lập các điểm tiếp nhận tài sản và xử lý thủ tục thôi việc ngay tại trụ sở chính.
Hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Rubio đã đề xuất cắt giảm 15% nhân sự Bộ Ngoại giao, coi đây là một phần của kế hoạch tinh gọn chính phủ do Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) điều phối.
Theo dữ liệu chính thức, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện có hơn 80.000 nhân viên trên toàn cầu, trong đó khoảng 17.700 người làm việc tại các cơ quan trong nước.
Ngày 11/7, báo The Times (Anh) đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc mở rộng đáng kể các biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Liên bang Nga, bao gồm cả việc áp thuế nhập khẩu 500% đối với dầu thô của nước này trên phạm vi toàn cầu.
Trang United24media dẫn lại bài viết trên cho biết Tổng thống Trump hiện đang “nghiên cứu kỹ lưỡng” một dự luật trừng phạt mới, không chỉ nhắm vào dầu mỏ Nga mà còn nhắm đến các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Moskva.
Trước đây, Tổng thống Trump từng cho rằng dự luật này là “quá mạnh”, song theo The Times, thái độ của ông đã thay đổi do thất vọng trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine và từ chối đàm phán hòa bình.
Dự luật hiện đang được thảo luận tại Washington. Nhà Trắng được cho là muốn giữ quyền chủ động dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cho Tổng thống, trong khi một số nghị sĩ Quốc hội lại đề xuất giới hạn quyền lực này.
Chuyên gia Maximilian Hess thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) nhận định mức thuế 500% nếu được thông qua sẽ tương đương một lệnh cấm vận toàn cầu với dầu Nga, song cảnh báo biện pháp này có thể đẩy giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng và gây tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Ông Hess cho rằng chỉ khi ông Trump công khai chấp nhận cái giá đó để đối phó với mối đe dọa từ Nga thì khả năng dự luật được thúc đẩy mạnh mẽ mới thực sự rõ ràng. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh việc mở rộng trừng phạt và đe dọa thuế thứ cấp có thể tạo hiệu ứng răn đe đáng kể.
The Times cũng dẫn nguồn tin cho biết gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đình trệ do Hungary và Slovakia phản đối, trong đó có đề xuất hạ trần giá dầu Nga từ 60 xuống 45 USD/thùng.
Ông Hess đánh giá các biện pháp của EU là “quá thận trọng”, đồng thời đề xuất hạn chế quyền tiếp cận thị trường tài chính và bảo hiểm châu Âu đối với các cảng không tuân thủ kiểm tra, coi đây là cách hiệu quả để ngăn Nga né tránh các lệnh trừng phạt.
Tờ báo kết luận rằng ngay cả khi chỉ thực hiện một phần các biện pháp này, nếu đi kèm với cơ chế giám sát chặt chẽ, cũng có thể gây ra thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga trong thời chiến.
Theo báo Kyiv Independent (Ukraine), tối 11/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các chuyến hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đã được khôi phục sau thời gian tạm dừng.
"Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tích cực ở cấp cao nhất từ Mỹ và các đối tác châu Âu. Theo tất cả các báo cáo, viện trợ đã được nối lại", ông phát biểu.
![]() |
Tổng thống Zelensky phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kyiv, Ukraine, ngày 12/3/2025. (Ảnh: Getty Images) |
Trước đó, Mỹ xác nhận tạm dừng viện trợ để đánh giá lại năng lực, song Tổng thống Donald Trump phủ nhận có việc dừng cung cấp vũ khí. Vài ngày sau, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết Ukraine sẽ tiếp tục phối hợp với Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg, người dự kiến tới Kyiv ngày 14/7 để làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine đã có cuộc điện đàm ngày 04/7, trong đó hai bên nhất trí tăng cường năng lực phòng không của Ukraine. Tổng thống Ukraine mô tả đây là "cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất trong suốt thời gian qua" và bày tỏ biết ơn trước sự sẵn lòng hỗ trợ từ phía Mỹ.
Trước đó một ngày, ông Trump cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng cho biết cuộc gọi “không đạt được tiến triển nào” về chấm dứt chiến sự.
Theo Kyiv Independent, các loại vũ khí bị tạm giữ bao gồm tên lửa phòng không Patriot, hệ thống Stinger, đạn pháo chính xác, tên lửa Hellfire, UAV và hơn 90 tên lửa không đối không AIM phóng từ tiêm kích F-16.
Theo báo The Nation (Thái Lan), cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã được mời tham gia cố vấn cho chính phủ trong quá trình xây dựng chiến lược ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira xác nhận thông tin này ngày 11/7, cho biết ông Thaksin đã tham dự cuộc họp “Đội Thái Lan” cùng các bộ trưởng, chuyên gia chính sách để chuẩn bị đề xuất gửi Mỹ trước hạn chót 31/7.
Từ ngày 01/8, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 36% đối với hàng hóa Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đang theo đuổi chiến lược hai hướng: đàm phán với Washington và triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong nước.
Nguồn tin chính phủ tiết lộ, trước đó một ngày, ông Thaksin đã họp riêng với nhóm cố vấn chính sách nhằm rà soát lập trường đàm phán của Bangkok. Ông được đánh giá là có kinh nghiệm sâu sắc trong các vấn đề thương mại - kinh tế song phương.
Ông Pichai cho biết Thái Lan đã đệ trình vòng đề xuất thứ hai vào ngày 06/7, cam kết giảm 70% thặng dư thương mại với Mỹ vào năm 2030 và đạt cân bằng hoàn toàn vào năm 2032. Ông nhấn mạnh Thái Lan “đang đi đúng hướng” và kỳ vọng đạt thỏa thuận trước ngày 1/8. Các biện pháp trong nước bao gồm phân bổ ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nông dân và nhà xuất khẩu trong chuỗi cung ứng sang Mỹ, đồng thời kiểm soát hàng hóa nhập khẩu và quá cảnh để duy trì cán cân thương mại.
Theo ông Pichai, việc nhập khẩu hàng Mỹ không được gây ảnh hưởng bất lợi tới ngành nông nghiệp và công nghiệp quy mô nhỏ trong nước; các sản phẩm không mong muốn sẽ bị kiểm soát chặt.
Phan Anh