Núi Thành, Quảng Nam: Người già đi biển

11:04 | 03/08/2023

“Ngư trường cạn kiệt, chi phí mỗi chuyến ra khơi tăng cao… dẫn đến thu nhập của lao động đánh bắt, khai thác biển không cao. Điều này làm nghề biển không thu hút được người trẻ, chỉ còn những người ở độ tuổi từ 35 tới 60 bám tàu, bám biển”. Đó là tâm sự của nhiều người đi biển ở làng cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Làng nghề nước mắm Tam Thanh: Gìn giữ hương vị quê hương; phát triển kinh tế địa phương
Khu dân cư Bằng La (Quảng Nam):“Rũ bùn” xây cuộc sống mới

Chúng tôi tới làng biển Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào một ngày giữa tháng. Lúc con trăng tròn nhất là lúc ngư phủ đã trở về nhà sau chuyến đánh bắt ngoài khơi xa. Trong các ngõ, hẻm, tiếng gõ chát chúa sửa thuyền bè, tiếng chào hỏi nhau sau những ngày dài không gặp…

Lúc này, ông Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu QNa 91478 đang ở nhà chơi cùng vợ con và cháu nội chừng 2 tuổi. Nói về câu chuyện đi biển, người đàn ông gần 30 năm đi biển tự nhiên như trùng xuống. Chỉ về phía những con tàu đang đậu phía ngoài xa, ông Hò cho biết: Gia đình tôi có 2 con tàu, hạnh phúc là vẫn đủ 17 người lao động để vài ngày tới ra biển. Những con tàu neo bến kia từ tết đã không đi ra khơi đánh bắt rồi. Người đi biển hẹn ăn tết xong mà tới giờ chưa xuống nhận việc.

Núi Thành, Quảng Nam: Người già đi biển
Ông Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu QNa 91478 nhìn về phía những con tàu neo đậu ngoài biển.

Cũng theo ông Hò, hiện, hầu hết những lao động biển ở Tam Quang, huyện Núi Thành đều có độ tuổi cao, thậm chí nhiều tàu từ 45 - 65 tuổi. Người trẻ không còn hứng thú đi biển nữa. Nhà tôi có 2 người con trai theo nghề, nhưng bọn trẻ cũng đang không mặn mà với nghề vì đi biển nhiều rủi ro, vất vả mà lương không cao bằng làm công nhân.

Không chỉ tàu của ông Hò, ông Trần Trường (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có 03 con tàu với khoảng 20 lao động cũng gặp tình trạng tương tự. Độ tuổi trung bình của người lao động là 45 tuổi. Ông rất khó khăn trong việc giữ các lao động gắn bó với nghề.

Núi Thành, Quảng Nam: Người già đi biển
Những con tàu tại Tam Quang đang trong quá trình sửa chữa.

Nói về nguyên nhân dẫn tới người trẻ không còn mặn mà việc đi biển, những chủ tàu tại Tam Quang cho rằng: ngư trường cạn kiệt, giá xăng dầu tăng cao dẫn tới doanh thu mỗi chuyến thấp. Hiện nay, các chuyến tàu đều không trả lương hàng tháng mà dùng phương thức “ăn chia”. Cụ thể, sau khi trừ các chi phí, chủ tàu và người lao động chia lợi nhuận, thu hoạch được nhiều thì nhiều tiền; thu hoạch được ít thì chấp nhận con số ít ỏi. Hiện, trung bình người đi biển có thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng nên việc duy trì được nguồn lao động đi biển, đặc biệt là lao động lành nghề, lao động làm việc được trên tàu là một bài toán khó khiến nhiều con tàu phải neo bờ, hoạt động cầm chừng.

Núi Thành, Quảng Nam: Người già đi biển
Người già đi biển

“Mặc dù tôi là thuyền trưởng chèo lái tàu hơn 20 năm qua nhưng giờ thu nhập cũng chẳng là bao, chừng 60 triệu/năm, chưa kể đây là nghề vất vả, hiểm nguy. Nhưng nhà tôi bao đời bám biển, lại muốn con cái có nghề truyền thống của ông cha nên phải luôn cố gắng. Giờ, với mức thu nhập đó không cao bằng làm công nhân, chỉ làm cách nhà vài km nên bọn trẻ không màng gì tới việc đi biển nữa”, ông Hò cho hay.

Cũng theo những người có kinh nghiệm đi biển, việc người già đi biển sẽ gây nhiều hạn chế trong công việc, họ có kinh nghiệm đánh bắt nhưng không có sức khỏe để đảm đương các công việc nặng nhọc.

Bài toán chưa có lời giải

Theo ông Phan Vĩnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang: Tam Quang là xã đông dân cư nhất huyện Núi Thành với trên 13.000 dân, trong đó 70% sống bằng nghề khai thác biển, thủy sản. Xã có 342 phương tiện đánh bắt khai thác trên biển; 206 phương tiện 90 CV trở lên. Để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, xã Tam Quang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho bà con hiểu về pháp luật trên biển, hỗ trợ về phương tiện, thông tin, trang thiết bị…

“Đặc biệt, theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, hỗ trợ dầu cho ngư dân, rất nhiều tàu thuyền tại xã Tam Quang đã được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là động lực rất lớn để người dân an tâm ra khơi bám biển. Bên cạnh đó, xã cũng mở nhiều lớp đào tào kĩ thuật đánh bắt trên biển, cách ướp cá, sơ chế sản phẩm để đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện đảm bảo giá cả đầu ra”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, về nguồn lực lao động đánh bắt, khai thác biển: hiện nay, do điều kiện, đời sống, trình độ học tập của con em người dân Tam Quang đã thay đổi theo hướng tích cực. Người trẻ ở địa phương đi học, làm trong các cơ quan đơn vị, khu công nghiệp đã ảnh hưởng tới lao động đánh bắt, khai thác biển. Để thu hút lao động đánh bắt, khai thác biển cần nâng cao khai thác đạt hiệu quả cao người dân mới vươn khơi bám biển.

Núi Thành, Quảng Nam: Người già đi biển
Hoạt động sửa chữa tàu biển tại xã Tam Quang.

Theo ngư dân Hò và Trường, QĐ 48 nêu rõ mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu tối đa 4 chuyến biển/năm. Trong đó, tàu cá từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển. Gia đình ông Hò có 02 tàu biển công suất trene 700CV và trên 900CV đã nhận được các khoản hỗ trợ này thường xuyên. Chi phí một chuyến đi biển tầm 200 triệu đồng thì đây là sự hỗ trợ đáng kể.

Người dân biển cho rằng, việc thực hiện chính sách chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã góp phần động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn ra các vùng biển xa để khai thác hải sản và làm dịch vụ khai thác hải sản, nâng cao thu nhập cho ngư dân, Điều này giúp đời sống của ngư dân ngày càng được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ; gia tăng sự hiện diện của tàu cá và ngư dân trên các vùng biển xa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Quảng bá hình ảnh sâm Ngọc Linh, con người Nam Trà My tới bạn bè trong nước và quốc tế Quảng bá hình ảnh sâm Ngọc Linh, con người Nam Trà My tới bạn bè trong nước và quốc tế
Tối ngày 1/8, tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My (01/08/2023 - 01/08/2023) và chương trình Khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V năm 2023. Sự kiện nhằm quảng bá sâm Ngọc Linh; hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Nam Trà My đến với người dân trong nước và bạn bè trên thế giới.
Người Nam Trà My (Quảng Nam) tự hào mang họ Bác Hồ Người Nam Trà My (Quảng Nam) tự hào mang họ Bác Hồ
Hồ Văn Ny, Hồ Văn Huân, Hồ Thị Hoàng, Hồ Văn Nái… dù là gái hay trai, dù là người nông dân làm rẫy hay người chiến sĩ cách mạng, dù người già hay trẻ… họ đều lấy họ “Hồ” trong tên Bác Hồ Chí Minh làm họ của mình. Với họ, đó là niềm tự hào và trân trọng thể hiện lòng tôn kính, biết ơn của người Co, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong … ở vùng Nam Trà My đối với Bác.

Yên Ba

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nui-thanh-quang-nam-nguoi-gia-di-bien-189585.html

In bài viết