Áp dụng công nghệ số trong thanh toán không dùng tiền mặt
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2017, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định: Thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ số đã giúp nhiều nước trên thế giới đạt được những kết quả mang tính đột phá về tài chính toàn diện (Financial Inclusion).
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại diễn đàn. (Ảnh: VNE)
Công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các tổ chức tín dụng, có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều người dân dễ dàng tiếp cận. Mục tiêu mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang theo đuổi là giảm chênh lệch giàu nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, bảo đảm cho mọi người dân, không phân biệt thành phần, điều kiện sống, khu vực địa lý đều có thể hưởng lợi từ các thành quả phát triển kinh tế, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn và tiện lợi đã thể hiện tiềm năng, xu hướng trong phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các Bộ, Ngành, đơn vị liên quan để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thanh toán điện tử, thanh toán di động nhằm phát triển hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các bên cũng cần chung tay trong hoạt động truyền thông để thanh toán điện tử thực sự trở nên quen thuộc, thân thiện và văn minh với mọi người dân; góp phần triển khai thành công các mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg); Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định 1726/QĐ-TTg), cũng như trong quá trình xây dựng Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia sắp tới.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh (smart phone) đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Theo số liệu thống kê mới đây, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Công nghệ số là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Tại một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Các dịch vụ ngân hàng qua internet, mobile, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại thông qua việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc… đang mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Áp dụng công nghệ số trong thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, song song với những hoạt động điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng góp phần thúc đẩy những bước tiến về cải thiện và sử dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017 - 2020, mục tiêu là đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cũng có POS;100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách Nhà nước.
Thông qua Diễn đàn VEPF 2017 năm nay, các bên liên quan có cơ hội bàn bạc, thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển Mobile Payment trên thế giới; gợi ý lựa chọn, áp dụng mô hình phát triển hệ sinh thái Mobile Payment phù hợp với thực tế Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Tài chính Toàn diện tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
Trong khuôn khổ sự kiện, VEPF 2017 đón khách mời đặc biệt là tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Cuối buổi chiều cùng ngày, vị tỷ phú Trung Quốc sẽ có buổi nói chuyện với các sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam. Ông Jack Ma cũng đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và câu chuyện toàn cầu hoá của nền tảng thương mại lớn nhất thế giới Alibaba.
Theo Kinh tế & Đô thị