Ảnh: Rùa bị đục lỗ trên mai để trói buộc, bày bán nhằm phục vụ nhu cầu người dân mua phóng sinh mùa Vu Lan
Những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều người chọn mua chim, cá, rùa, ốc... đưa đến các cửa chùa phóng sinh để cầu mong những điều an lành, may mắn. Để tiện lợi, các tín khách thường chọn những cửa hàng ngay cửa chùa để mua, đỡ mất công đem đi xa và hy vọng như vậy các con vật được dùng để phóng sinh vẫn còn khỏe mạnh.
Những con chim phóng sinh tỏ ra nháo nhác khi chủ chuẩn bị thò tay vào bắt.
Thế nhưng những động vật này lúc được thả đều tỏ ra yếu ớt, những con cá, con rùa chỉ bơi lờ đờ cạnh bờ. Ngay gần đó, đội quân gồm những người câu cá, bắt ốc, vợt rùa không bỏ qua cơ hội. Những con vật vừa được tự do vài phút "chưa kịp mừng" này lại một lần nữa bị giam hãm.
Khu phố Hoàng Hoa Thám là nơi bán chim phóng sinh nhộn nhịp nhất Hà Nội. Hầu hết tín khách đến đây đều được tư vấn chọn mua chim sẻ, chim ri vì đây là những giống chim rẻ và khỏe hơn các giống chim khác.
Nhiều con bị ướt sết lông.
Một chủ của hàng ở đây cho biết anh bán hàng nghìn con mỗi ngày kể từ một tuần trở lại đây. Gía mỗi con chim phóng sinh từ 15.000 đến 20.000 đồng. Vì nhu cầu chim tăng cao, anh cần huy động nguồn chim từ khắp các tỉnh miền núi phía bắc để phục vụ những ngày lễ này.
Những ngày này, các ngôi chùa ở Hà Nội đều đông đúc tín khách hành hương.
Vì việc chăm sóc dễ dàng hơn, các động vật như cá, rùa, ốc... được bày bán ngay trước các cổng chùa. Một chủ hàng cho biết, giá mỗi kg ốc là 20.000 đồng, trong khi đó, cá có giá 20.000 đồng/con. Riêng rùa có nhiều loại, dao động từ mấy chục nghìn một con bé đến mấy triệu đồng một con to.
Những con rùa lớn bị đục một lỗ trên mai để buộc dây.
Động vật phóng sinh được bán la liệt trước cổng chùa.
Rất đa dạng loại rùa để phục vụ tín khách.
Rùa con được đựng trong chậu bày bán trước cổng chùa.
Những động vật này được đựng trong các thau chậu, những con rùa lớn bị đục một cái lỗ xuyên qua mai để buộc dây đem trưng bày, tránh bị chạy mất.
Đáng nói, những động vật phóng sinh này sau khi thả ra đều có trạng thái lờ đờ, chỉ lởn vởn quanh bờ. Không chỉ có vậy, ngay sau khi được phóng sinh, không ít con vật này lại bị những người đàn ông đánh lưới, câu, và vợt bắt lại. Cứ như thế, vòng tuần hoàn lại bắt đầu.
Những con rùa thả ra không bơi mà cứ lờ đờ ngay cạnh bờ.
Một gia đình thả cá phóng sinh.
Ốc cũng là động vật phóng sinh phổ biến.
Rất nhiều chú chim nhảy nhót trong vườn chùa Trấn Quốc (Hà Nội)
Anh Thắng, một người vợt rùa ở Hồ Tây cho biết: "Mấy con này người ta thả ra mình lại bắt về, lại phóng sinh tiếp". Anh này không ngần ngại cho phóng viên chụp hình hoạt động của mình. Tuy nhiên lúc anh đang nói chuyện với chúng tôi thì một phụ nữ quát lớn "Anh điên à mà cho chụp ảnh".
Mỗi người "phụ trách" một vùng, đảm bảo không con nào chạy thoát.
Họ dạo quanh chùa để tìm những con vật mới được tự do.
Cạnh đó, một tín khách đang thả cá tỏ ra cảm thán: "Thôi thì mình cứ thả, người ta bắt là nghề của người ta, họ không kiêng cữ gì, mình cũng không trách được".
Các tay vợt đã chờ sẵn, chỉ cần động vật được ai đó phóng sinh là đến bắt lại ngay.
Một cần thủ đứng câu ở bờ hồ Tây, cạnh khu phóng sinh của chùa Trấn Quốc.
Những con vật này nhanh chóng bị bắt lại để tiếp tục cho đợt phóng sinh mới.
Cứ thế, những động vật này vừa ra khỏi chậu, khỏi lồng lại nhanh chóng quay về lồng, về chậu, một vòng luẩn quẩn không biết lúc nào mới thực sự được phóng sinh.
Bá Cường