95% sự cố an ninh mạng do lỗi của con người
Theo dữ liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 95% sự cố an ninh mạng do lỗi của con người. Trong đó, nhân viên của các công ty có thể vô tình hoặc thậm chí cố ý gây hại. Một số hành vi không đúng đắn có thể dẫn đến tổn thất tài chính, thiệt hại về uy tín hoặc giảm năng suất của toàn bộ doanh nghiệp.
Theo khảo sát Kinh tế bảo mật công nghệ thông tin 2022 của Kaspersky, gồm các cuộc phỏng vấn với hơn 3.000 nhà quản lý bảo mật công nghệ thông tin ở 26 quốc gia, 22% vụ rò rỉ dữ liệu tại doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhân viên gây ra. Tỷ lệ này cao tương đương với lý do tấn công mạng có chủ đích.
Điều này đôi khi khiến nhân viên “nguy hiểm” như tin tặc, dù phần lớn sự vụ xảy ra do nhân viên bất cẩn hoặc thiếu nhận thức. Hành động của nhân viên có thể vô tình dẫn đến sự cố bảo mật ảnh hưởng đến tình hình an ninh mạng của doanh nghiệp.
Nguyên nhân đầu tiên, nhân viên sử dụng mật khẩu đơn giản hoặc dễ đoán giúp tội phạm mạng có thể bẻ khóa dễ dàng, cuối cùng dẫn đến truy cập trái phép vào dữ liệu nhạy cảm. Nên kiểm tra danh sách các mật khẩu bị hack nhiều nhất để chắc chắn rằng mật khẩu của bạn không nằm trong số đó.
Thứ hai, nhân viên có thể vô tình nhấp vào các liên kết lừa đảo trong email, dẫn đến lây nhiễm phần mềm độc hại và truy cập trái phép vào mạng. Hầu hết kẻ lừa đảo có thể giả mạo địa chỉ email được cho là thuộc về công ty hợp pháp và khi gửi email có tài liệu hoặc tập tin lưu trữ đính kèm, đây lại là mẫu phần mềm độc hại. Một ví dụ gần đây là cuộc tấn công Agent Tesla ảnh hưởng đến nhiều người dùng trên toàn thế giới.
Thứ ba, việc sử dụng thiết bị cá nhân cho công việc tăng mạnh do các đợt giãn cách xã hội, đóng cửa liên tiếp trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch. Tỷ lệ này tiếp tục tăng thời gian sau đó. Nhân viên thường xuyên sử dụng các thiết bị cá nhân để kết nối với mạng công ty có thể gây ra mối đe dọa bảo mật nếu các thiết bị này không được bảo vệ trước các mối đe dọa mạng.
Hơn 400.000 chương trình độc hại mới xuất hiện mỗi ngày và số lượng các cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào các công ty ngày càng tăng |
Thứ tư là thiếu bản vá lỗi cho thiết bị, phần mềm. Nếu nhân viên sử dụng thiết bị cá nhân, đội ngũ công nghệ thông tin có thể không giám sát được tính bảo mật của các thiết bị hoặc khắc phục sự cố bảo mật. Hơn nữa, nhân viên có thể không thường xuyên áp dụng các bản vá hoặc cập nhật cho hệ thống và phần mềm, để lại các lỗ hổng mà tội phạm mạng có thể khai thác.
Thứ năm là các phần mềm tống tiền (ransomware). Trong trường hợp tấn công bằng mã độc tống tiền, điều quan trọng là sao lưu dữ liệu để có quyền truy cập vào thông tin được mã hóa ngay cả khi tội phạm mạng chiếm được hệ thống của công ty.
Thứ sáu là tấn công phi kỹ thuật. Nhân viên có thể vô tình cung cấp thông tin nhạy cảm như thông tin đăng nhập, mật khẩu hoặc dữ liệu bí mật khác cho kẻ lừa đảo. Đối tượng dễ bị mắc bẫy là nhân viên mới, không biết nhiều về điều lệ của công ty, chẳng hạn như kẻ lừa đảo có thể giả làm sếp của nhân viên mới, tìm cách đánh cắp thông tin quan trọng về công ty hoặc tống tiền.
Do đó, để doanh nghiệp có thể thực sự yên tâm về tình hình an ninh mạng của công ty, Kaspersky đưa ra một số khuyến nghị. Đầu tiên là sử dụng giải pháp bảo vệ cho các điểm cuối và máy chủ email có khả năng chống lừa đảo để giảm nguy cơ lây nhiễm qua email lừa đảo. Thứ hai, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu quan trọng.
Luôn bảo vệ dữ liệu và thiết bị của công ty, bao gồm bật tính năng bảo vệ bằng mật khẩu, mã hóa thiết bị công việc và đảm bảo dữ liệu được sao lưu. Điều quan trọng tiếp theo là giữ an toàn về mặt vật lý cho các thiết bị đang hoạt động, không để chúng ở nơi công cộng mà không có người giám sát, luôn khóa và sử dụng mật khẩu mạnh cũng như phần mềm mã hóa.
Ngay cả các công ty nhỏ cũng nên tự bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa trên mạng, bất kể nhân viên làm việc trên thiết bị của công ty hay cá nhân. Ngoài ra, cần ủy thác việc bảo trì an ninh mạng cho một nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp biện pháp bảo vệ phù hợp.