9 tháng đầu năm 2023: Hơn 111.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu cả năm
Chiều 17/10, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả triển khai chính sách trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội qua 9 tháng đầu năm 2023.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: Về đích trước 3 tháng
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH), đã công bố kết quả về số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: M.T). |
Theo đó, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 111.500 người, đạt hơn 101 % kế hoạch năm 2023. Một số thị trường thu hút đông lao động Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Số liệu này bằng 108 % so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính cả năm 2023, Việt Nam đưa khoảng 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104 % kế hoạch.
Đánh giá về kết quả trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: “Dù còn tới 3 tháng mới hết năm 2023, nhưng công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã vượt chỉ tiêu của năm 2023. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh thị trường mới phục hồi sau đại dịch Covid-19…”.
Nhiều kết quả trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được công bố tại cuộc họp (Ảnh: M.T) |
Về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng vẫn còn cao hơn so với số lao động bị mất việc và thôi việc. Số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
"Tính chung 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760.000 người so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68 %, lao động có việc làm là 51,2 triệu người...", ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh cho biết. |
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ LĐ-TB&XH đã công bố thu nhập bình quân tính chung trong 9 tháng đầu năm của người lao động là 7 triệu đồng/tháng (tăng 6,8%), tương ứng 451.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong 9 tháng qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp trong điều chỉnh thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế.
Chuẩn bị nhân lực cho công nghiệp bán dẫn
Cũng tại cuộc họp, bà Trịnh Thu Nga, Viện phó Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển lớn.
Điều này càng được khẳng định sau sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam vào tháng 9/2023. Một trong những nội dung được thống nhất trong chuyến thăm là Hoa Kỳ ủng hộ việc hợp tác trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn - vi mạch tại Việt Nam.
Bà Trịnh Thu Nga, Viện phó Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: M.T). |
Theo bà Nga, thời gian qua, Việt Nam phải nhập số lượng chip bán dẫn lớn do việc thiếu hụt nhân lực sản xuất trong nước về lĩnh vực này. Thời gian tới, bà Nga ước tính, Việt Nam cần khoảng 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch, tuy nhiên thực tế chỉ đạt 20%.
“Ý thức được vấn đề này, tháng 8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 124 yêu cầu các bộ ngành xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn tới năm 2030, dự kiến đào tạo từ 30.000-50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”, Viện phó Viện Khoa học và Lao động nhận định.
Trong công tác đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH và nhiều trường đại học đã bắt đầu thí điểm áp dụng mã tuyển sinh riêng cho ngành thiết kế vi mạch. Thời gian trước mắt, bà Nga lưu ý các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp về giải pháp đào tạo ngắn hạn cho sinh viên về công nghệ thông tin để đáp ứng cho ngành này.
Bên cạnh đó, giải pháp đào tạo tạo chỗ tại doanh nghiệp cho người lao động để đáp ứng nhu cầu cao của công nghiệp mới cũng được nêu ra. “Bộ LĐ-TB&XH cũng đang kết hợp với nhiều doanh nghiệp FDI nhằm đào tạo tại chỗ cho nguồn nhân lực tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh…”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, các doanh nghiệp trong nước cần điều chỉnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài trở về. Đồng thời, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường về nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Về tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: Tính chung 9 tháng năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,55%. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,76%, đạt mục tiêu. Về tỷ lệ lao động qua đào tạo: Tính chung 9 tháng năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8% . Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%, Về tỷ lệ hộ nghèo: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm khoảng 1,1% so với cuối năm 2022, đạt mục tiêu… (Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH) |
Hơn 2 triệu sáng kiến của đoàn viên công đoàn, người lao động làm lợi 33.000 tỷ đồng Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thành công Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trên 3 phương diện: phát động, tổ chức thực hiện; kết quả cao và hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. |
Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo người lao động cẩn trọng chiêu trò lừa xuất khẩu lao động trên mạng Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng các website giả mạo để tìm kiếm người lao động có nhu cầu đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore... |