6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế của Việt Nam
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đặt vấn đề: Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và các địa phương. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hiệu quả nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới?
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Cùng quan tâm, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã và sẽ tham mưu Chính phủ có các kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác thương mại lớn chủ chốt của Việt Nam như thế nào và hỗ trợ gì cho các địa phương trước những thời cơ và thách thức mới?
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước. Trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, Việt Nam quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Việt Nam cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với Trung Quốc. Trong đó, các tỉnh miền bắc sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu.
Với Hoa Kỳ, đột phá của Việt Nam là hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo.
Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, thì Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới.
Thứ nhất là phải phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.
Thứ hai là tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Thứ ba là đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng.
Thứ tư là hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.
Thứ năm là phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ sáu là tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.