50 năm Việt Nam tìm người Mỹ mất tích: Sức mạnh của lòng bao dung
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP); 35 năm hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) diễn ra vào ngày 8/6. Chương trình do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích của Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức.
Hoạt động tìm kiếm MIA tại xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào năm 2021. (Ảnh: KT) |
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, trong suốt 50 năm tồn tại và phát triển, 35 năm triển khai hoạt động tìm kiếm MIA hỗn hợp, được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với sự đồng lòng của lãnh đạo ba Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, VOSMP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Ông cho biết, thiện chí và những kết quả hợp tác tốt đẹp của Việt Nam với Mỹ về vấn đề MIA trong hơn 50 năm qua đã được Chính phủ, Quốc hội Mỹ, các hội cựu chiến binh và các thành viên gia đình MIA ghi nhận và đánh giá cao. Phía Mỹ coi đây là hình mẫu cho quan hệ song phương nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung. Đó cũng là động lực để hai bên tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh khác như tẩy độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn chưa nổ, tìm kiếm, quy tập, quy tập hài cốt quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Giám đốc DPAA Kelly McKeague gửi lời cảm ơn của nhiều gia đình quân nhân Mỹ đến Việt Nam (Ảnh: Công an nhân dân). |
Tại lễ kỷ niệm, ông Trần Khánh Phôi, đại diện đội MIA tỉnh Quảng Trị cho biết, chiến tranh khiến gia đình ông chịu quá nhiều đau đớn nhưng 30 năm qua ông vẫn đi tìm những người Mỹ mất tích.
"Những người Mỹ bình thường không có lỗi. Và vì vậy, tôi cũng không còn thù hận ai. Nếu có chăng, chỉ là thù hận chiến tranh, ghét bỏ chiến tranh, với mong muốn đừng bao giờ có chiến tranh dù bất cứ ở đâu, với bất cứ ai và với bất cứ lý do gì", ông Phôi nói.
Ông Kelly McKeague, Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Người mất tích (DPAA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ kể lại những câu chuyện cảm động về một số gia đình quân nhân Mỹ may mắn nhận lại hài cốt của người thân nhờ có sự giúp đỡ từ phía Việt Nam, đồng thời, gửi lời cảm ơn của các gia đình các quân nhân Mỹ mất tích tới VNOSMP.
Hoạt động MIA tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. (Ảnh: KT) |
"VNOSMP đóng vai trò thiết yếu giúp 729 gia đình quân nhân Mỹ có được câu trả lời cuối cùng cho những lời cầu nguyện của họ - đó là sự trở về của người thân. 1.243 gia đình quân nhân còn lại, những người vẫn đang chờ đợi câu trả lời, cũng muốn thể hiện lòng biết ơn đối với những nỗ lực mà VNOSMP đã bỏ ra để tìm kiếm thân nhân của họ".
Ông McKeague cho biết: "Lòng tin và sự cảm thông cũng đã mang lại thành quả ở cấp độ cao hơn, thể hiện qua sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam - Mỹ, qua những gắn kết ngày càng gia tăng giữa người dân hai nước, và qua sự lớn mạnh của đất nước Việt Nam ngày nay".
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, cả hai nước đều đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vòng 50 năm qua, từ một lịch sử đầy rẫy xung đột và chia rẽ, đã trở thành Đối tác toàn diện của nhau. Mỹ nỗ lực ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập và tự cường. Tuy nhiên, có được như ngày hôm nay, Đại sứ khẳng định đó là nhờ quan hệ bền bỉ giữa cơ quan hợp tác MIA hai nước, mối quan hệ được thiết lập từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, giúp tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam.