4 giải pháp gìn giữ, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN
Đây là những đúc kết ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đưa ra nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024 tại Hội thảo tổng kết triển khai Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2023 diễn ra vào ngày 8/9 tại Hà Nội.
Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cho biết, công tác triển khai kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được xúc tiến có sự tham gia của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới với những hoạt động cụ thể, như: xây dựng tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng (tại Áo, Slovakia, Hungary, Nhật Bản); hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023; Chương trình biểu diễn nghệ thuật tiếng Việt thân thương; hội nghị Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023...
Song song với đó, các hoạt động thường niên như: khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 9 tại Hà Nội cho 60 giáo viên kiều bào từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổ chức “Trại hè Việt Nam” với sự tham gia của 120 đại biểu từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm bồi dưỡng tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào thông qua các hoạt động giao lưu. Bên cạnh đó, nhiều diễn đàn, hội thảo về đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt đã được Ủy ban phối hợp với các đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo. |
Đa dạng hoá, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt
Trong vòng 2 giờ diễn ra hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 10 tham luận từ các đại diện. Các tham luận chủ yếu xoay quanh các nội dung chính: tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở trong nước và tại các địa bàn trong năm 2023; thuận lợi và khó khăn trong hoạt động gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài, các đề xuất, phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.
Ông Lê Trọng Hà, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary cho biết: số lượng trẻ em người Việt Nam tại Hungary tham gia vào các lớp học tiếng Việt chưa nhiều, nhu cầu nói tiếng Việt còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần quan trọng là do chưa có sự sát sao, động viên của các phụ huynh. Vì vậy, cần đa dạng hoá các hình thức thông tin tuyên truyền về việc dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào cũng như công tác vận động, thu hút các cháu học tiếng Việt.
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của gần 80 đại biểu, đại diện các hội đoàn, cơ sở dạy tiếng Việt của cộng đồng và đông đảo đại biểu kiều bào từ gần 50 điểm cầu tại nhiều quốc gia. |
Thời gian tới Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary coi thực hiện đề án là nhiệm vụ trọng tâm, lồng ghép với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Ba Lan cho biết cần phải có các chương trình dạy học hấp dẫn, đa dạng để trẻ thích thú học tập. Cùng với thầy cô, cha mẹ cần phải đồng hành với các con ngay từ khi còn nhỏ, trong các hoạt động hằng ngày mới có thể gìn giữ, phát huy tiếng Việt.
Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) cần phải khuyến khích duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong sinh hoạt giao tiếp hằng ngày của gia đình, thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở địa bàn có đông người Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại hội thảo. |
TS.Trần Hồng Vân - Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 tại Liên bang Úc cho biết, hiện đang thiếu tài liệu hấp dẫn và đơn giản dạy về văn hoá Việt cho trẻ nhỏ. “Sau khi trở lại Australia, tôi sẽ xây dựng tài liệu này, để các con có thể học tiếng Việt và văn hoá Việt. Tài liệu sẽ được chia sẻ toàn cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới”, TS Trần Hồng Vân đề xuất.
Kết luận tại Hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đưa ra một số một số giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024. Theo đó, các giải pháp tập trung giải quyết thách thức ở các nhóm vấn đề cốt lõi như:
Tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức để tạo nền tảng cho cộng đồng kết nối, chia sẻ và bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, nhất là trong thế hệ trẻ NVNONN.
Đa dạng hoá, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt trên cơ sở tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin, kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ về nguồn lực tài chính, sáng tạo của tri thức kiều bào trong CĐNVNONN trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu các nhóm đối tượng, địa bàn.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt cho NVNONN cả về phương pháp giảng dạy, kiến thức tiếng Việt và văn hoá, lịch sử Việt Nam qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời tiếp tục duy trì việc tổ chức tập huấn trực tiếp tại địa bàn, có nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với đặc điểm từng khu vực.
Tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, đăng phát thông tin trên nhiều nền tảng, kênh truyền thông để lan tỏa rộng rãi đến công chúng ở cả trong và ngoài nước về các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, qua đó tạo tác động tích cực, giúp lan toả tình yêu tiếng Việt, nâng cao hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.