100 quả đạn tên lửa vượt vĩ tuyến 17: Mỹ choáng váng - B-52 trả giá rất đắt
LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
-----
100 QUẢ ĐẠN TÊN LỬA VƯỢT VĨ TUYẾN 17:
MỸ CHOÁNG VÁNG - BAO NHIÊU B-52 PHẢI ĐỀN TỘI?
Gặp lại đối thủ cũ
Tôi lại gặp lại đối thủ B-52 của mình trên chiến trường Quảng Trị. Tất nhiên, bây giờ tất cả đếu đã khác trước. Vĩnh Linh đã lập thêm biết bao chiến công và đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng.
Năm 1967, chúng tôi chỉ có hai tiểu đoàn mà phải giấu kín, chỉ dám đưa một tiểu đoàn ra chiến đấu. Còn bây giờ, chúng tôi triển khai một lúc hai trung đoàn, gồm sáu tiểu đoàn vào loại giỏi, trong đó có trung đoàn 236 là trung đoàn nổi tiếng của Binh chủng Tên lửa. Nhiệm vụ chủ yếu được giao cho các đơn vị này là đánh B-52.
Đối với riêng tôi, cuộc "gặp gỡ B-52" lần này có thể coi là "hiệp" thứ tư. Hiệp một ở Vĩnh Linh năm 1967. Hiệp hai ở tuyến hành lang 1969-1970. Hiệp ba ở trên đỉnh Trường Sơn năm 1971. Hiệp này đã phải là hiệp cuối cùng chưa? Cả nước ra quân lần này với quyết tâm vô cùng lớn.
Điều rất thú vị là ở đây, tôi có dịp gặp lại những đồng chí đã cùng tôi đi suốt những chặng đường đánh B-52 vừa qua. Đó là các đồng chí Nguyễn Sinh Huy, Phạm Sơn và một số đồng chí khác.
Một hôm, tôi nói vui với đồng chí Nguyễn Xuân Mậu được cử giữ chức Chính ủy tiền phương Quân chủng:
- Kể ra công tác cán bộ của các "ông" cũng giỏi thật, đã đào tạo, sắp xếp được một đội ngũ đánh B-52 "chuyên trách".
- Công tác cán bộ phải thế chứ! Đánh B-52 mà không "chuyên trách" thì làm sao đánh được.
B-52 Mỹ ném bom rải thảm.
Quả thực, nếu đây là sự sắp xếp có chủ ý của công tác cán bộ thì cần nêu thành một bài học. Còn nếu chỉ là một sự tình cờ thì cũng thật quý. Với kiến thức vững chắc, với tác phong công tác nhanh nhẹn, xông xáo, thực sự các đồng chí cán bộ này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công tác chỉ huy.
Ở cơ quan, các đồng chí là những "kiến trúc sư" chủ yếu của những bản phương án tác chiến, có thể gọi là kiểu mẫu, những tổng kết, sơ kết súc tích, những bức điện hướng dẫn kịp thời, có chất lượng.
Xuống đơn vị, các đồng chí là những cố vấn thực sự có ích cho các bộ tư lệnh sư đoàn, các ban chỉ huy trung đoàn, và nếu cần, trong trường hợp chiến đấu khẩn trương, các đồng chí có thể trở thành một tiểu đoàn trưởng, một trung đoàn trưởng giỏi. Đồng chí Chu Thái, trợ lý khoa học quân sự là một trong những đồng chí cán bộ như thế.
Nhờ lăn lộn với thực tế chiến trường, sau này đồng chí trở thành một trong những tác giả chủ yếu của tài liệu "Cách đánh B-52", góp phần quan trọng vào chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" sau này.
Quân đội ta đã đào luyện được một lớp cán bộ thật ưu tú. Người chỉ huy giỏi chính là người biết phát huy những điểm mạnh của cán bộ quanh mình.
Trong chiến dịch này, tôi được nhiều lần trực tiếp làm việc với đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, đại diện Bộ Tổng tư lệnh bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Mỗi lần tôi lên thông qua phương án tác chiến, đồng chí chăm chú theo dõi từng trận địa tên lửa trên bản đồ và luôn luôn dặn:
"Nhiệm vụ chủ yếu của tên lửa trong chiến dịch này là đánh B-52".
Đúng như dự đoàn của cấp trên, trong chiến dịch Trị - Thiên, B-52 đã trở thành lực lượng chủ yếu của không quân địch, với hoạt động bình quân hàng ngày từ 60 đến 70 lần chiếc. Có ngày lên tới 100 đến 110 lần chiếc.
Trong chiến dịch này, địch đã ném tất cả 290.082 lần bom các loại, riêng bom do B-52 ném đã lên đến 242.575 tấn (chiếm 83%). Cả về mật độ và cường độ, B-52 được sử dụng gấp hơn hai lần ở chiến dịch Khe Sanh và Đường 9 - Nam Lào. Về phía ta, lực lượng tham gia đánh B-52 cũng chưa bao giờ được tập trung như lần này.
Tên lửa chiếm lĩnh vị trí
Ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến dịch Trị - Thiên mở màn thì đến đêm 29 tháng 3, các tiểu đoàn 62, 64 thuộc trung đoàn 236, các tiểu đoàn 86, 87, 88, 89 thuộc trung đoàn 274 đã vào chiếm lĩnh ngay sát bờ bắc sông Bến Hải.
Tất cả các trận địa này đều được tính toán kỹ để có thể bắn được các đường bay B-52 khi chúng vào ném bom các vùng Tân Lâm, Quán Ngang, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Lăng Cô, bắc Đông Hà... là những vị trí bộ binh ta sẽ tiến công và tiêu diệt ngay từ đợt đầu của chiến dịch. Đêm 29 tháng 3 năm 1972 đối với tôi là một đêm thao thức khó ngủ.
Trong căn hầm của Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng ở Rào Đá, đường số 10, dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn bão, tôi tần ngần ngồi trước tấm bản đồ ké hoạch chiến dịch. Những vòng tròn đỏ ôm lấy các ký hiệu chỉ trận địa tên lửa như nhảy múa trước mắt tôi.
Cách đây năm năm, chúng ta chỉ mới có một trận địa, ba bệ phóng, trầy trật, vất vả, suốt hơn một năm trời mới phóng lên được vài ba quả đạn.
Bây giờ chúng ta đã có đến trên ba mươi bệ phóng, thành đội hình hoàn chỉnh, có tuyến trước, tuyến sau, bố trí sát nách kẻ thù, sẵn sàng phóng lên không chỉ một vài quả đạn mà là hàng chục quả đạn cùng một lúc vào đội hình B-52 của giặc.
Bên cạnh tôi bây giờ là đội ngũ dày dạn kinh nghiệm, nắm chắc về B-52 như Nguyễn Sinh Huy, Phạm Sơn, Ngô Kim, Chu Thái... những người đã và đang là tác giả của tập "hồ sơ" về "con ngoáo ộp" mà chúng tôi đang kiên trì và tích cực sưu tầm.
Tên lửa SAM-2 sẵn sàng chiến đấu. Ảnh minh họa.
Khoảng nửa đêm 29 tháng 3 năm 1972, trong tâm trạng hết sức phấn chấn và xúc động, tôi gọi điện cho đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365 ở Tân Định:
- Ổn cả chứ?
Bên kia đầu dây, tôi cũng nghe rõ giọng xúc động của anh Giáo:
- Ổn cả anh ạ! Khí tài đều rất tốt. Đạn gần 100 quả. Chúng tôi đang chờ giờ "G".
- Việc chuẩn bị cho 236 phát triển tiếp sang bên kia Bến Hải các anh chuẩn bị đến đâu rồi?
- Báo cáo anh, đã chuẩn bị đầy đủ. Tiền trạm đã sang tận bên đó. Trận địa, đường sá, công binh đảm bảo hoàn toàn.
- Rất tốt! Chúc các anh thắng lợi!
Tôi bỏ máy xuống và cảm thấy hết sức yên tâm về đồng chí tư lệnh sư đoàn này. Năm 1946, anh là một trung đoàn trưởng bộ binh dũng cảm, chiến đấu từ Phan Rang, Buôn Ma Thuột đến Plây Cu. Là một trí thức trở thành người chỉ huy quân sự, anh cho rằng, sự đối đầu với B-52 thực chất là một cuộc đấu trí, đấu mưu căng thẳng và quyết liệt.
Phương án tác chiến của anh bao giờ cũng rõ ràng, chính xác đến từng chi tiết.
Theo phương án đã được Bộ chỉ huy chiến dịch thông qua, sau khi chiến dịch mở màn, bộ binh ta chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài, đẩy địch lùi sâu về phía trong thì lập tức tên lửa sẽ vượt sông Bến Hải, tiếp tục làm nhiệm vụ đánh B-52, chi viện cho lực lượng quân binh chủng hợp thành.
Vậy là lần đầu tiên, tên lửa SAM-2 sẽ vượt qua vĩ tuyến 17, đi sâu vào đất địch. Đây sẽ là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp. Nhiệm vụ này được giao cho trung đoàn 236, trung đoàn tên lửa đầu tiên của bộ đội tên lửa Việt Nam.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 1972, tôi gọi điện thẳng xuống sở chỉ huy trung đoàn 236 ở Lai Cách. Bên kia đầu dây là giọng nói xư Nghệ khỏe khoắn của trung đoàn trưởng Hoàng Bát:
- Báo cáo thủ trưởng! Chúng tôi đã sẵn sàng, đang chờ giờ "G".
- Chỗ Phạm Trương Uy (Tiểu đoàn trường tiểu đoàn 64, đơn vị được giao nhiệm vụ vượt Bến Hải đầu tiên) ra sao?
- Anh em khí thế lắm thủ trưởng ạ! Ai cũng bảo trong cuộc đời chiến đấu của mình, chưa bao giờ được ra trận vui và khí thế như lần này.
- Vui nhưng quan trọng là phải đánh thắng.
Tôi nhắc Hoàng Bát chú ý giáo dục đơn vị chấp hành nghiêm chính sách đối với vùng mới giải phóng, chú ý các bãi mìn còn sót lại xung quanh khu vực trận địa. Tôi cũng nhắc Hoàng Bát phải chuẩn bị tư tưởng đánh theo phương pháp T ngay từ đầu. Phải đăng ký tỉ mỉ phần tử các trận đánh.
Vừa nắm xong tình hình các đơn vị một lượt thì 7 giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 1972 có điện thoại của anh Văn Tiến Dũng:
- Sẵn sàng cả rồi chứ?
- Báo cáo! Tất cả đều được tiến hành đúng như kế hoạch.
- Tên lửa chỉ được đánh B-52. Chú ý đánh tập trung, đánh thắng trận đầu.
Tên lửa SAM-2 rời bệ phóng. Ảnh minh họa.
Hạ gục B-52 trên chiến trường nóng bỏng
11 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến dịch tiến công Trị - Thiên mở màn. Bộ binh và xe tăng ta xông lên ào ạt, thế như chẻ tre. Kẻ địch thực sự bị bất ngờ và choáng váng. Hai ngày đầu, không quân địch bị động không kịp phản ứng.
Ngày 2 tháng 4, B-52 bắt đầu đánh vào các vùng Tân Lâm, Đầu Mầu, bắc Cồn Tiên, tây miếu Bái Sơn, bắc Đông Hà, bắc Cửa Việt, nam Hiền Lương... hòng chặn thế tiến công của bộ binh ta. Lập tức, tên lửa phòng không của ta lên tiếng.
Chỉ riêng ngày 2 tháng 4, các tiểu đoàn 62, 64, 86 đánh liền năm trận, phóng liên tiếp 15 quả đạn vào đội hình B-52. Ngay trận đầu, các tiểu đoàn 62, 64, 86 đã đánh tập trung, bắn rơi 1 B-52 ở La Hạp, được Bộ chỉ huy chiến dịch nhiệt liệt biểu dương.
Tiếp đó, suốt đợt đầu của chiến dịch, từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 1972, các tiểu đoàn tên lửa thuộc hai trung đoàn 236, 274 sư đoàn 365 đã đánh tất cả 13 trận với tổng số 42 quả đạn, bắn rơi thêm 2 B-52.
Một chiếc rơi ở đông Cửa Việt, một chiếc buộc phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Điều đáng nói ở đây là có đến bảy trận đánh tập trung từ hai đến bốn tiểu đoàn. Những lần chuyển cấp đều kịp thời. Nói chung, các đơn vị đều sẵn sàng chiến đấu trước khi B-52 vào từ 15 đến 20 phút.
Chỉ có một lần vào cuối đợt, chúng tôi đã bị chúng "lừa" bằng B-52 giả. Nhưng chính tên F giả B này đã bị đền tội.
Tầm nhìn chiến lược "Đi trước một bước" trong đánh B-52
Đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu, làm phong phú thêm tập "hồ sơ B-52" mà Bộ tham mưu Quân chủng đang khẩn trương hoàn chỉnh, nhằm chuẩn bị cho hội nghị đánh B-52 của toàn Quân chủng được triệu tập sáu tháng sau đó.
Đây là hội nghị có tầm quan trọng quyết định trong chiến thắng 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 mà sau này chúng tôi quen gọi là "Hội nghị tháng 10".
PV - Tổng hợp từ hồi ký của Trung tướng Hoàng Văn Khánh