10 sự kiện thể thao Việt Nam năm 2014
1/ Đại hội TDTT toàn quốc kết thúc với vị trí nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội. Đấy cũng là lần thứ 4 liên tiếp Hà Nội giành vị trí này. Đại hội TDTT toàn quốc 2014 là đại hội có nhiều VĐV và nhiều đoàn tham gia nhất từ trước đến nay, nhiều kỷ lục quốc gia bị phá. Đây cũng là kỳ Đại hội chứng kiến kỷ lục thế giới mới trong môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh, và là nơi mà Ánh Viên thâu tóm huy chương trên đường đua xanh, khẳng định ưu thế tuyệt đối trong môn bơi.
Đại hội TDTT toàn quốc giữ kỷ lục về số đoàn và số lượng VĐV tham dự
2/ Đoàn thể thao Việt Nam thất bại tại Asiad 17. Đây là sự kiện để lại nhiều nỗi băn khoăn nhất. Dù mục tiêu là giành từ 2 HCV trở lên tại Á vận hội được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 9, nhưng chúng ta chỉ có 1 HCV, ở môn Wushu, lại là nội dung biểu diễn, vốn chẳng bao giờ đủ khả năng xuất hiện tại Olympic. Cũng ở Asiad, nhiều nhà vô địch thế giới đơn môn thi đấu cực kém, đáng nói nhất là trường hợp của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng).
3/ Đội tuyển bóng đá nam lọt vào bán kết AFF Cup 2014. Đây đáng gọi là sự kiện lớn, bởi thành tích vào bán kết là thành tích mà trước giờ bóng lăn, không mấy người hâm mộ, thậm chí giới chuyên môn nghĩ đến. Chỉ tiếc là do thiếu một chút bản lĩnh và kém về mặt kinh nghiệm, nên đội bóng của HLV Miura không thể tiến xa hơn.
Đội tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014
4/ Việt Nam trả lại quyền đăng cai Asiad 18 năm 2019. Sau rất nhiều cân nhắc và tính toán thiệt hơn, chính phủ Việt Nam quyết định trả lại quyền đăng cai Á vận hội lần thứ 18, và chỉ tiếp nhận đại hội này khi nào chúng ta thực sự sẵn sàng cả về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn. Đấy được xem là quyết định hợp tình hợp lý, tránh tạo ra thêm gánh nặng cho ngân sách và cho người dân.
5/ Hai vụ tiêu cực làm rúng động bóng đá nội. Hàng loạt cầu thủ V.Ninh Bình bị bắt vì dàn xếp tỷ số trong trận đấu trong trận V.Ninh Bình gặp Kelantan (Malaysia) ở AFC Cup. Sau đó không lâu đến lượt 6 cầu thủ Đồng Nai vướn vào vòng lao lý vì lý do tương tự ở V-League. Những cầu thủ ấy tự hủy hoại sự nghiệp của họ là một lẽ, họ còn làm xấu mặt bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.
6/ Thất bại của đội tuyển bóng đá nữ trong việc giành vé đến VCK World Cup. Mục tiêu của đội tuyển nữ là lấy vé vào VCK World Cup nhưng lại thua ở trận tranh vé play-off với Thái Lan. Thất bại ấy phản ánh một điều rằng những người làm bóng đá nội chỉ đặt mục tiêu theo kiểu tùy hứng, chứ không hề có lộ trình để thực hiện mục tiêu ấy.
7/ Đội tuyển U19 Việt Nam gây tiếng vang. Bù cho thất bại của đội bóng đá nữ là sự vươn lên thần tốc của đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG. 2 lần về nhì ở giải U22 và U19 Đông Nam Á khiến đội chưa có HCV khu vực, nhưng cái được lớn nhất mà đội bóng này mang lại chính là đưa khán giả trở lại với các sân bóng. Dù vậy, việc đội bị loại sớm ở VCK châu Á cho thấy chúng ta vẫn còn việc phải làm để tiếp cận trình độ châu lục.
8/ Thạch Kim Tuấn giành HCV cử tạ thế giới. Khác với đấu trường Asiad, BTC trao 3 bộ huy chương gồm cử giật, cử đẩy và tổng cử, chứ không trao 1 bộ huy chương duy nhất tổng cử. Đấy chính là lý do mà Thạch Kim Tuấn có nhiều cơ hội giành HCV hơn tại Asiad. Cụ thể anh giành 1 HCV ở nội dung cử giật, đồng thời phá kỷ lục thế giới với thành tích 135kg (hơn kỷ lục cũ của chính anh đúng 1kg).
9/ Cờ Việt Nam tiếp tục khẳng định sức mạnh. Trong khi cờ tướng có HCV ở đại hội thể thao trí tuệ thế giới (Nguyễn Hoàng Yến ở nội dung cá nhân nữ), thì cờ vua vẫn thống trị Đông Nam Á với lần thứ 15 liên tiếp nhất toàn đoàn. Những chiến công này cho thấy chúng ta vẫn cực mạnh ở các môn thể thao trí tuệ.
10/ Đoàn thể thao người khuyết tật thành công ở Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á. Giành tổng cộng 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, đứng thứ 10 toàn đoàn ở Asian Para Games, thể thao người khuyết tật Việt Nam phần nào làm vơi đi nỗi buồn thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad trước đó.