1 năm sau vụ MH-17: Ai là thủ phạm?
Các quan chức Hoa Kỳ khẳng định, máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa đất đối không từ phe ly khai bắn hạ. Cùng lúc, Ủy ban điều tra Nga lại nói rằng khả năng MH17 trúng tên lửa không đối không là cao nhất, nhưng đó không phải là tên lửa do Nga sản xuất.
Ngày 15/7, theo trang tin CNN, dự thảo báo cáo sơ bộ do Ủy ban An toàn Hà Lan (DBS) soạn thảo nói rằng MH17 bị rơi do trúng tên lửa đất đối không. Địa điểm phóng tên lửa được cho là một ngôi làng thuộc vùng kiểm soát của phe ly khai. Ngoài ra, bản dự thảo cũng mô tả chi tiết diễn biến thời gian thực theo từng phút liên quan đến thảm kịch xảy ra ngày 17/7/2014 trên bầu trời Donetsk. Cuối cùng, nguồn tin của CNN cho biết dự thảo kết luận phe ly khai là “thủ phạm” bắn hạ MH17.
Hiện trường sót lại sau vụ MH-17 rơi trên bầu trời Donetsk. (Ảnh: Reuters)
Các nguồn tin đều đề cập đến lỗi của hãng hàng không Malaysia vì đã để MH17 bay trên bầu trời Donetsk trong ngày hôm đó. Máy bay của các hãng khác đều tránh bay trên lộ trình này do lo ngại xung đột, trừ MH17. Malaysia Airlines đã không đọc điện văn thông báo hàng không (NOTAM) do các nước khác phát đi và chính họ phải gánh chịu hậu quả. NOTAM là bức điện được gửi tới các phi công trước mỗi chuyến bay, khuyến cáo họ về các tình huống có thể xảy ra trong hành trình bay, trong đó bao gồm cả cảnh báo khi bay qua vùng xung đột.
DSB là cơ quan chủ trì điều tra thảm kịch MH17. Họ đang hoàn thiện những đánh giá cuối cùng và dự kiến công bố báo cáo chính thức vào giữa tháng 10/2015. Mặt khác, CNN cũng cho biết, dự thảo báo cáo dài vài trăm trang đã được gửi tới một số cơ quan trên thế giới, trong đó có Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NTSB), Cơ quan Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) và hãng Boeing để thẩm định, đánh giá. Tuy nhiên, cả 3 cơ quan nói trên cùng với DSB vẫn chưa đưa ra bình luận gì về các thông tin mà CNN công bố.
Thảm kịch hàng không MH17 đã giết chết 298 người
Cùng ngày, Ủy ban điều tra Liên bang Nga cho rằng: khả năng cao nhất là MH17 đã bị hạ bởi tên lửa không đối không và đó không phải loại tên lửa do Nga sản xuất. Người đứng đầu RIC Vladimir Markin cho biết cơ quan này đã mở cuộc điều tra độc lập sau khi thảm kịch xảy ra. Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy dường như MH17 bị trúng tên lửa của một máy bay khác và “các chuyên gia cho rằng loại tên lửa này không được sản xuất ở Nga.”
Ông Markin cũng nhận định: kết luận của các nhà điều tra Nga trùng khớp với những gì mà nhân chứng Evgeny Agapov - một thợ kĩ thuật của không quân Ukraine hiện đang được Nga bảo vệ nghiêm ngặt, đưa ra trước đó. Agapov thừa nhận, hôm xảy ra thảm kịch, một máy bay Su-25 của quân đội Ukraine đã được lệnh xuất kích, thực thi nhiệm vụ và khi trở về thì không còn thấy tên lửa mang theo.
Một lần nữa, Nga lên tiếng phản đối ý tưởng thành lập Tòa án Quốc tế để xét xử vụ MH17. Ngày 15/7, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố không có cơ sở để thành lập một tòa án như vậy. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của Trung Quốc, dù Hoa Kỳ và Nga thậm chí còn tỏ ra sốt sắng hơn cả Malaysia. Ông Churkin đồng thời bày tỏ sự không hài lòng với kiểu điều tra khép kín như hiện nay, khi mà các bên không cho chuyên gia Nga tham gia.
Trước đó, ngày 14/7, Malaysia đã trình dự thảo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu mở phiên tòa quốc tế xét xử thủ phạm của vụ MH17.
Nga quy trách nhiệm vụ MH17 cho quân đội Ukraine
Cùng ngày, lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine cũng lên tiếng phủ nhận các thông tin mới được CNN đưa ra. Chủ tịch Hội đồng quốc gia Cộng hòa Donetsk tự xưng (DPR) Andrey Purgin nói rằng tại thời điểm xảy ra thảm kịch, DPR không kiểm soát vùng lãnh thổ gần Torez - địa điểm máy bay rơi, do nơi đây là khu vực giao tranh ác liệt và phải đến 3-4 tháng sau mới phân định được ranh giới kiểm soát.
Bên cạnh đó, một thủ lĩnh phe đối lập tại Ukraine có tên Igor Girkin đã bị thân nhân những nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay kiện ra tòa đòi bồi thường 900 triệu USD. Igor Girkin lọt vào danh sách nghi ngờ là có dính líu đến vụ tai nạn, khi ông viết một dòng tin nhắn trên Twitter ngay sau khi thảm họa diễn ra vài giờ: “Chúng tôi cảnh báo các người, không được bay trong vùng không phận của chúng tôi”.
Trong một diễn biến liên quan, hãng truyền hình News Corp Australia của Úc vừa đăng tải đoạn phim chấn động về thảm kịch MH17. Đoạn phim dài hơn 17 phút ghi lại cảnh một nhóm các tay súng ly khai đi qua và lục lọi đống hành lý ngổn ngang của 289 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay xấu số, bên cạnh những mảnh vỡ nằm la liệt của chiếc máy bay bị cháy rụi.
Những tay súng này đã quay lại hình ảnh họ đi đến hiện trường vụ tai nạn chỉ vài phút sau khi chiếc máy bay rơi xuống đất bằng camera cầm tay. Viên chỉ huy trong đoạn phim thông báo qua điện thoại cảnh tượng họ nhìn thấy: “Có rất nhiều xác chết, có cả phụ nữ. Họ là người nước ngoài, người Malaysia. Ai đã mở cửa hành lang cho phép họ bay ngang qua không phận này vậy?”
Một tay súng thuộc phe ly khai kiểm tra hành lý bị rơi ra từ chiếc máy bay. (Ảnh chụp từ clip)
Ngay sau khi đoạn băng được công bố, giới chức Australia đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. Thủ tướng nước này, ông Tony Abbott gọi đó là một tội ác, trong khi Ngoại trưởng Julie Bishop nói rằng đoạn video quá khủng khiếp để có thể xem hết.
Ngoại trưởng Bishop cũng cho biết bà không thể xác thực tính chính xác của đoạn video trên. "Thật đáng kinh tởm và đã 12 tháng trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay bị bắn rơi, đáng nói là tại sao đoạn video lại xuất hiện lúc này”, bà phát biểu. "Nỗi đau của họ (người thân các nạn nhân trên chuyến bay MH17) chưa thể nguôi ngoai; phải nhìn lại những cảnh này gần như quá sức chịu đựng của họ" - bà Bishop chia sẻ:
News Corp Australia cho biết đoạn video này đã được chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ.
Với tất cả những mâu thuẫn trong phát ngôn cũng như kết quả điều tra của các bên liên quan, sự thật về vụ thảm kịch MH-17 vẫn còn là một “bí mật thế kỷ”. Và có lẽ sẽ còn phải mất nhiều thời gian để có thể trả lời câu hỏi “Ai là thủ phạm?"
Trọng Sang