11:01 | 11/04/2025
Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều ngày 10/4, Cục Điện ảnh Trung Quốc cho biết sẽ “giảm một cách hợp lý” số lượng phim Mỹ được nhập khẩu và trình chiếu, viện dẫn lý do “sự lạm dụng thuế quan” từ phía Mỹ đã làm giảm mức độ thiện cảm của khán giả Trung Quốc đối với các sản phẩm văn hoá từ Hollywood.
![]() |
Một màn hình hiển thị đoạn giới thiệu cho bộ phim "Black Panther: Wakanda Forever" của Marvel tại một rạp chiếu phim ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/2/2023. (Ảnh: Reuters) |
“Việc chính phủ Mỹ lạm dụng thuế quan đối với Trung Quốc là hành động sai lầm. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục làm giảm mức độ thiện cảm của khán giả trong nước đối với các bộ phim Mỹ.
Chúng tôi sẽ tuân thủ các quy tắc thị trường, tôn trọng sự lựa chọn của khán giả và sẽ giảm một cách hợp lý số lượng phim Mỹ nhập khẩu”, tuyên bố nêu rõ.
Trung Quốc hiện là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Theo hãng tin Bloomberg, cổ phiếu của Walt Disney Co, Paramount Global và Warner Bros Discovery Inc đồng loạt lao dốc sau tuyên bố ngày 10/4 của Cục Điện ảnh Trung Quốc. |
Theo Tân Hoa xã (Trung Quốc), trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Vịnh Tiền cho biết thời gian gần đây Mỹ đã nhiều lần viện dẫn các lý do khác nhau để đơn phương áp đặt thuế quan đối với nhiều đối tác thương mại, bao gồm cả Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố lập trường của Trung Quốc luôn rõ ràng và nhất quán: Nếu đàm phán thì cánh cửa luôn rộng mở, nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nếu đối đầu, Trung Quốc cũng sẽ sẵn sàng đáp trả đến cùng.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định Bắc Kinh không có hứng thú tham gia vào một cuộc chiến, nhưng sẽ không nao núng nếu Mỹ tiếp tục các đe doạ về thuế quan.
Ông Lâm Kiếm nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không ngồi yên để quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nước này bị tước đoạt.
Ngày 10/4, một quan chức Nhà Trắng cho biết trên CNBC (Mỹ) rằng thuế đối ứng của Trung Quốc là 125%, nâng từ mức 84% trước đó. Trước đó, Trung Quốc đã bị ông Trump áp thuế 2 lần, mỗi lần 10%, do nước này không đạt nhiều tiến triển trong ngăn chặn hoạt động buôn fentanyl vào Mỹ. Như vậy, tổng mức thuế Trung Quốc hiện phải chịu là 145%. Thông tin này làm rõ quyết định tăng thuế ngày 9/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc. |
Theo CNBC (Mỹ), trong cuộc họp nội các ngày 10/4, Tổng thống Trump cho biết muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc để chấm dứt căng thẳng đang leo thang.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp Nội các ngày 10/4. (Ảnh: The White House) |
"Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra với Trung Quốc. Chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận với họ", ông nói. Tổng thống Trump cũng thừa nhận Mỹ sẽ phải chịu những "chi phí chuyển đổi" trong nền kinh tế do đòn thuế quan, theo New York Post (Mỹ).
"Sẽ có những chi phí chuyển đổi và các vấn đề chuyển đổi, nhưng cuối cùng đó sẽ là một điều tuyệt vời. Chúng tôi đang làm những gì mà đáng lẽ phải làm từ nhiều năm trước. Sẽ luôn có khó khăn trong quá trình chuyển đổi", Tổng thống Trump nói.
Ông Trump cho biết muốn sử dụng thuế quan để sắp xếp lại nền kinh tế thế giới bằng cách buộc các nhà sản xuất phải đặt trụ sở tại Mỹ và các nước khác phải giảm hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Mỹ.
Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ tái áp dụng các biện pháp thuế sau 90 ngày nếu không đạt được thỏa thuận. “Nếu không đạt được thỏa thuận như mong muốn, chúng tôi sẽ quay lại với kế hoạch ban đầu", ông nhấn mạnh.
![]() Ngày 26/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể giảm thuế đối với Trung Quốc để đổi lấy sự chấp thuận của Bắc Kinh trong thương vụ bán nền tảng mạng xã hội TikTok. |
![]() Trước những động thái kinh tế của Tổng thống Trump, những nhà phê bình với quan điểm chính trị ôn hòa vừa tuyệt vọng, vừa hy vọng rằng cơn sốt thuế quan của Trump sẽ sớm hạ nhiệt. Họ cho rằng, Trump sẽ tiếp tục khoa trương cho đến khi thực tế phơi bày sự thiếu cơ sở trong lập luận kinh tế của ông. Tuy nhiên, có một điều mà họ đã không nhận ra: Nỗi ám ảnh của Trump với thuế quan chính là một phần trong một kế hoạch kinh tế toàn cầu, dù tiềm ẩn rủi ro nhưng lại có nền tảng vững chắc. Đây là lập luận của tác giả Yanis Varoufakis - nhà kinh tế học và là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp trong một bài phân tích chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Phương Thảo (tổng hợp, dịch)