11:11 | 03/04/2025
Cụ thể: Mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4. Nhiều quốc gia chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, mức thuế mới của Mỹ đối với một số quốc gia và khu vực bao gồm: Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Thụy Sĩ (31%), Anh (10%), Malaysia (24%), Ấn Độ (26%), Brazil (10%), Indonesia (32%), Việt Nam (46%), Singapore (10%), Ukraine (10%), Venezuela (15%).
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tấm bảng ghi mức thuế đối ứng cho các nước. (Ảnh: Reuters) |
Khoảng nửa giờ sau khi cầm chiếc bảng công bố mức thuế với từng đối tác thương mại, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế.
"Chúng ta sẽ chỉ áp mức thuế bằng nửa mức họ đang áp lên ta, không áp ở mức đầy đủ. Tôi có thể làm điều đó, nhưng việc này sẽ gây ra khó khăn cho nhiều nước", ông Trump tuyên bố.
Nhà Trắng cũng liệt kê mức thuế được cho là các nước "đang áp cho Mỹ". Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đang áp mức thuế lần lượt là 67%, 39% đối với hàng hóa Mỹ. Nhà Trắng không đưa ra giải thích cách tính toán các con số này.
![]() |
Mức thuế Mỹ áp dụng với từng đối tác thương mại. (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump nói: Mỹ không thể tiếp tục chi trả được thâm hụt với Canada, Mexico và nhiều quốc gia khác. Mỹ phải chăm lo cho người dân của Mỹ và sẽ sử dụng nguồn thu từ thuế quan để "giảm thuế và trả nợ quốc gia".
Cũng theo Reuters, các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm tăng nguy cơ suy thoái và tăng chi phí sinh hoạt cho một gia đình trung bình ở Mỹ lên hàng nghìn USD.
Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump được đánh giá có thể đẩy thế giới vào một giai đoạn bất ổn kinh tế mới và tạo ra những áp lực chưa từng có lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước tình hình này, các quốc gia bị ảnh hưởng khả năng sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương ứng làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại. Trước đó, Canada và EU đã phát đi tín hiệu về các biện pháp trả đũa. Trung Quốc có thể lựa chọn giảm giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, khiến căng thẳng tiền tệ leo thang.
Về trung hạn các mức thuế mới dự kiến sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng toàn cầu tăng cao do chi phí nhập khẩu leo thang tại nhiều quốc gia. Những nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ có thể đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại nếu không kịp mở rộng thị trường thay thế.
Nếu thuế quan được duy trì lâu dài, cấu trúc thương mại toàn cầu có thể thay đổi vĩnh viễn. Các tập đoàn đa quốc gia sẽ buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, dịch chuyển sản xuất về Mỹ hoặc sang các quốc gia không bị áp thuế cao. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài, có nguy cơ làm giảm hiệu quả kinh tế toàn cầu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến GDP toàn cầu giảm từ 0,5% đến 1% mỗi năm trong thập kỷ tới.
Đối với nước Mỹ, chính sách thuế quan cũng được dự báo sẽ mang đến cả lợi ích lẫn rủi ro. Trong ngắn hạn, một số ngành như thép và ô tô nội địa có thể hưởng lợi do hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng lợi ích này có thể bị lu mờ bởi chi phí gia tăng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Về trung hạn, lạm phát tại Mỹ có nguy cơ tăng mạnh khi giá hàng nhập khẩu leo thang, gây áp lực lên cả thị trường tiêu dùng và chính sách tiền tệ.
![]() Các chuyên gia ngành công nghiệp ô tô dự đoán, động thái mới này từ Mỹ có thể sẽ làm đảo lộn hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu. |
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục điều chỉnh các tuyên bố liên quan đến thuế nhập khẩu, dù vài ngày trước đó ông còn để ngỏ khả năng thu hẹp quy mô kế hoạch này. |
Thu Phượng (Theo Reuters)