Sẽ có “cú sốc Trump” đối nghịch “cú sốc Nixon”?

17:16 | 30/03/2025

Trước những động thái kinh tế của Tổng thống Trump, những nhà phê bình với quan điểm chính trị ôn hòa vừa tuyệt vọng, vừa hy vọng rằng cơn sốt thuế quan của Trump sẽ sớm hạ nhiệt. Họ cho rằng, Trump sẽ tiếp tục khoa trương cho đến khi thực tế phơi bày sự thiếu cơ sở trong lập luận kinh tế của ông. Tuy nhiên, có một điều mà họ đã không nhận ra: Nỗi ám ảnh của Trump với thuế quan chính là một phần trong một kế hoạch kinh tế toàn cầu, dù tiềm ẩn rủi ro nhưng lại có nền tảng vững chắc. Đây là lập luận của tác giả Yanis Varoufakis - nhà kinh tế học và là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp trong một bài phân tích chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cắt giảm quy mô một số cơ quan liên bang
50 ngày đầu cầm quyền của ông Trump: đột phá hay hỗn loạn?

Theo tác giả Yanis Varoufakis, Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ đơn thuần áp thuế quan vì chủ nghĩa bảo hộ mà đây là một phần trong kế hoạch định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu, nhằm đưa nước Mỹ trở lại vị thế mà ông tin rằng đã bị xói mòn.

Tạp chí Thời đại xin phép được đặt tiêu đề cho bài viết và các trích đoạn, đồng thời giới thiệu bài viết của tác giả Yanis Varoufakis cùng ý kiến của một số chuyên gia đã chuyển ngữ sang tiếng Việt đến bạn đọc. Sau đây là nội dung bài viết của tác giả Yanis Varoufakis đăng trên trang unherd.com.

Giải mã "nỗi ám ảnh" thuế quan của Trump

Đối mặt với các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump, những người chỉ trích theo khuynh hướng trung dung dao động giữa tuyệt vọng và một niềm tin ngây thơ rằng cơn sốt thuế quan của ông rồi sẽ tự tiêu tan. Họ cho rằng ông Trump sẽ làm ầm ĩ một hồi, rồi thực tế sẽ phơi bày sự phi lý trong lập luận kinh tế của ông. Nhưng họ đã không nhận ra: sự ám ảnh thuế quan của ông Trump là một phần trong kế hoạch kinh tế toàn cầu có tính hệ thống, dù ẩn chứa nhiều rủi ro.

Lối tư duy của họ cứng nhắc về cách dòng vốn, thương mại và tiền tệ vận hành trên thế giới. Giống như “người thợ nấu bia tự say bia của chính mình”, giới trung dung tự huyễn hoặc rằng chúng ta đang sống trong thế giới của các thị trường cạnh tranh, nơi tiền là trung lập và giá cả tự điều chỉnh để cân bằng cung - cầu.

Thế nhưng, tuy bị coi là thiếu "tinh tế" nhưng thực chất, Trump lại nhìn thấu “trò chơi” này hơn họ rất nhiều. Ông hiểu rằng sức mạnh kinh tế thuần túy, chứ không phải năng suất cận biên, mới là thứ quyết định ai kiểm soát ai, cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Nỗi ám ảnh của Trump với thuế quan chính là một phần trong một kế hoạch kinh tế toàn cầu, dù tiềm ẩn rủi ro nhưng lại có nền tảng vững chắc.
Nỗi ám ảnh của ông Trump với thuế quan là một phần trong một kế hoạch kinh tế toàn cầu, dù tiềm ẩn rủi ro nhưng lại có nền tảng vững chắc. (Ảnh: Financial Times)

Dù việc cố gắng hiểu tư duy của ông Trump chẳng khác nào "nhìn vào vực thẳm và bị nó nhìn lại", chúng ta vẫn cần nắm rõ ba vấn đề cốt lõi: Vì sao ông cho rằng nước Mỹ đang bị thế giới lợi dụng? Ông muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới như thế nào để nước Mỹ “vĩ đại” trở lại? Và ông dự định thực hiện điều đó bằng cách nào? Chỉ khi hiểu rõ những điều này, chúng ta mới có thể đưa ra những phản biện hợp lý về kế hoạch kinh tế của Trump.

Vậy tại sao Tổng thống Trump lại tin rằng nước Mỹ đang chịu thiệt? Quan điểm của ông là đồng đô la, vốn mang lại sức mạnh cho chính phủ và giới tinh hoa Mỹ, lại đang bị nước ngoài lợi dụng, đẩy nước Mỹ vào tình trạng suy yếu. Điều mà nhiều người coi là "đặc quyền thái quá" của Mỹ, Trump lại xem đó là một "gánh nặng thái quá".

Trump từ lâu đã than phiền về sự suy giảm của ngành sản xuất Mỹ, nhấn mạnh rằng: “Không có thép thì không có quốc gia”. Nhưng tại sao ông lại đổ lỗi cho vai trò toàn cầu của đồng đô la? Theo Trump, nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương nước ngoài không để đồng đô la điều chỉnh xuống mức “đúng”, mức mà xuất khẩu của Mỹ có thể phục hồi và nhập khẩu bị hạn chế lại.

Không phải các ngân hàng trung ương nước ngoài đang âm mưu chống lại Mỹ, mà đơn giản là đồng đô la là tài sản dự trữ quốc tế an toàn duy nhất mà họ có thể nắm giữ. Vì thế, khi người Mỹ nhập khẩu hàng hóa, dòng tiền đô la chảy sang châu Âu và châu Á, các ngân hàng trung ương ở đó có xu hướng tích trữ số đô la này thay vì đổi chúng sang đồng tiền của họ. Điều này khiến nhu cầu đối với đồng nội tệ của họ bị ghìm xuống, kéo theo giá trị của các đồng tiền này thấp hơn so với đô la.

Điều này giúp hàng hóa của họ trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu và châu Á gia tăng doanh số, thu về thêm nhiều đô la. Vòng tuần hoàn này lặp lại mãi, và các ngân hàng trung ương lại dùng số đô la dư thừa để mua trái phiếu chính phủ Mỹ.

Đây chính là điểm mấu chốt. Theo ông Trump, nước Mỹ nhập khẩu quá nhiều vì họ là một “công dân toàn cầu” tốt, cảm thấy có trách nhiệm cung cấp cho thế giới tài sản dự trữ mà họ cần. Nói cách khác, ngành sản xuất Mỹ suy yếu vì Mỹ quá hào hiệp: công nhân và tầng lớp trung lưu Mỹ phải chịu thiệt thòi để phần còn lại của thế giới phát triển.

“Cú sốc Nixon” hay "cú sốc đô la Mỹ" là một biện pháp kinh tế của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ngày 15/8/1971, khi đồng đô la Mỹ tụt giá xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Tổng thống Nixon đã tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương phá giá đồng đô la, đình chỉ khả năng quy đổi của đồng đô la ra vàng, đồng thời áp đặt mức thuế đặc biệt 10% đối với hàng hóa nhập khẩu.

Các biện pháp này đã giúp Mỹ giành lại quyền kiểm soát chính sách tiền tệ, cho phép linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh cung tiền và lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Thế nhưng, chính vị thế bá chủ của đồng đô la cũng là nền tảng cho “sự đặc biệt” của nước Mỹ. Các ngân hàng trung ương nước ngoài mua trái phiếu Mỹ cho phép chính phủ Mỹ chi tiêu thâm hụt và tài trợ cho một quân đội khổng lồ - điều mà bất kỳ quốc gia nào khác có thể phá sản nếu cố làm theo. Nhờ vai trò trung tâm trong hệ thống thanh toán quốc tế, đồng đô la cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng một dạng “ngoại giao pháo hạm” thời hiện đại: tự do áp đặt lệnh trừng phạt lên bất kỳ cá nhân hay chính phủ nào.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để bù đắp thiệt thòi của các nhà sản xuất Mỹ trong mắt Trump. Ông cho rằng giới ngân hàng trung ương nước ngoài đang lợi dụng “dịch vụ” (dự trữ đô la) mà Mỹ cung cấp miễn phí để giữ giá trị đồng đô la ở mức cao, khiến các nhà sản xuất Mỹ bị lép vế. Đối với Trump, nước Mỹ đang tự làm suy yếu mình để đổi lấy vị thế địa chính trị và cơ hội tích lũy lợi nhuận từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, những “tài sản nhập khẩu” này chỉ mang lại lợi ích cho Phố Wall và giới đầu tư bất động sản. Trong khi đó, những cử tri đã bầu cho ông Trump hai lần - những người dân ở vùng trung tâm nước Mỹ, những người sản xuất các mặt hàng như thép và ô tô - mới là những người chịu thiệt thòi, dù chính họ là nền tảng cho sự tồn vong của quốc gia.

Ông Trump  cho rằng giới ngân hàng trung ương nước ngoài đang lợi dụng “dịch vụ” (dự trữ đô la) mà Mỹ cung cấp miễn phí để giữ giá trị đồng đô la ở mức cao, khiến các nhà sản xuất Mỹ bị lép vế.
Ông Trump cho rằng giới ngân hàng trung ương nước ngoài đang lợi dụng "dịch vụ" dự trữ đô la để giữ giá trị đồng đô la ở mức cao, khiến các nhà sản xuất Mỹ bị lép vế. (Ảnh: Fox Business)

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải nỗi lo lớn nhất của Trump. Cơn ác mộng của ông là sự thống trị của đồng đô la chỉ mang tính tạm thời. Từ năm 1988, khi quảng bá cuốn Art of the Deal (Nghệ thuật Đàm phán) trên các chương trình của Larry King và Oprah Winfrey, ông đã than thở: “Chúng ta là một quốc gia mắc nợ. Rồi sẽ có chuyện xảy ra trong vài năm tới, vì không thể cứ tiếp tục mất 200 tỷ USD mỗi năm như thế này.” Kể từ đó, Trump ngày càng tin rằng nước Mỹ đang tiến gần đến một điểm bùng phát nguy hiểm: khi sản lượng của Mỹ giảm dần so với thế giới, nhu cầu toàn cầu đối với đồng đô la lại tăng nhanh hơn mức thu nhập của người Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu dự trữ của thế giới, đồng đô la buộc phải tiếp tục tăng giá. Nhưng điều này không thể kéo dài mãi mãi.

Khi thâm hụt của Mỹ vượt quá một ngưỡng nào đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoảng loạn. Họ sẽ ồ ạt bán tháo tài sản định giá bằng đô la và chuyển sang tích trữ một đồng tiền khác. Lúc đó, người Mỹ sẽ mắc kẹt giữa cơn hỗn loạn toàn cầu với nền sản xuất kiệt quệ, thị trường tài chính rệu rã và một chính phủ trên bờ vực vỡ nợ. Chính viễn cảnh đáng sợ này đã khiến Trump tin rằng ông có một sứ mệnh phải hoàn thành: cứu lấy nước Mỹ. Ông cảm thấy có trách nhiệm định hình lại trật tự thế giới. Cốt lõi trong kế hoạch của ông là tạo ra một cú sốc ngược lại “cú sốc Nixon” vào năm 2025 - một cú sốc toàn cầu nhằm đảo ngược những gì Nixon đã làm năm 1971 khi chấm dứt hệ thống Bretton Woods, mở ra thời đại tài chính hóa.

"Ván cược" kinh tế nhằm thay đổi trật tự thế giới

Trọng tâm của trật tự thế giới mới mà Trump theo đuổi là đồng đô la rẻ hơn nhưng vẫn giữ vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Điều này sẽ giúp Mỹ vay nợ dài hạn với lãi suất thấp hơn nữa. Nhưng liệu Trump có thể vừa có chiếc bánh của mình (một đồng đô la bá quyền và trái phiếu kho bạc Mỹ có lợi suất thấp) vừa ăn nó (một đồng đô la mất giá) không? Ông biết rằng thị trường tự do sẽ không thể tự động tạo ra điều này. Chỉ có các ngân hàng trung ương nước ngoài mới làm được. Nhưng để họ chịu hành động, trước tiên họ phải bị sốc. Đó chính là lý do Trump áp thuế quan.

Đây là điều mà những người chỉ trích Trump không hiểu. Họ lầm tưởng rằng Trump nghĩ thuế quan sẽ tự động làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Ông biết rõ là không. Giá trị thực sự của thuế quan nằm ở khả năng khiến các ngân hàng trung ương nước ngoài hạ lãi suất trong nước. Kết quả là đồng euro, đồng yên và nhân dân tệ sẽ suy yếu so với đồng đô la. Điều này sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không bị tăng lên, và mức giá mà người tiêu dùng Mỹ phải trả sẽ không thay đổi. Nói cách khác, chính các nước bị áp thuế sẽ phải gánh chi phí cho thuế quan của Trump.

Thuế quan chỉ là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch lớn của Trump. Khi mức thuế cao trở thành tiêu chuẩn mới và dòng tiền nước ngoài tiếp tục đổ vào Kho bạc của Mỹ, Trump có thể chờ đợi, để bạn bè lẫn đối thủ ở châu Âu và châu Á tự tìm đến đàm phán. Đây là lúc giai đoạn hai trong kế hoạch của Trump bắt đầu: cuộc đàm phán trọng đại.

Không giống những người tiền nhiệm Carter hay Biden, Trump không ưa các cuộc họp đa phương hay đàm phán đông người. Ông thích làm việc một đối một. Trong thế giới lý tưởng của Trump, trật tự kinh tế giống như bánh xe đạp với một trục trung tâm và các nan hoa, trong đó không có nan hoa nào đủ mạnh để gây tác động lớn đến bánh xe. Tư duy này khiến Trump tự tin rằng ông có thể xử lý từng nan hoa một. Với một tay áp thuế, tay kia đe dọa rút lá chắn an ninh (hoặc thậm chí sử dụng nó để gây sức ép), Trump tin rằng ông có thể khiến hầu hết các nước phải nhượng bộ.

Nhượng bộ điều gì? Chính là việc để đồng tiền của họ tăng giá đáng kể mà không được bán tháo tài sản bằng đô la dài hạn. Trump không chỉ yêu cầu mỗi nước hạ lãi suất trong nước mà còn đặt ra những yêu cầu khác nhau, tùy theo đối tượng. Với các nước châu Á đang tích trữ nhiều đô la nhất, ông sẽ yêu cầu họ bán bớt tài sản bằng đô la ngắn hạn để đổi lấy chính đồng tiền của họ, qua đó làm nội tệ tăng giá. Với khu vực đồng euro, nơi lượng đô la ít hơn và lại đang chia rẽ nội bộ, tạo lợi thế đàm phán cho Trump, ông có thể đưa ra ba yêu cầu: đổi trái phiếu dài hạn thành trái phiếu siêu dài hạn, thậm chí vĩnh viễn; cho phép ngành sản xuất Đức dịch chuyển sang Mỹ; và tất nhiên, mua nhiều vũ khí sản xuất tại Mỹ hơn.

Bạn có thể hình dung được biểu cảm của ông Trump khi nghĩ đến giai đoạn hai trong kế hoạch lớn của mình không? Khi một chính phủ nước ngoài chịu nhượng bộ, đó là khi một chiến thắng nữa được ghi dấu. Còn khi một chính phủ cứng rắn từ chối, Trump chỉ cần giữ nguyên mức thuế cao, giúp Kho bạc Mỹ tiếp tục thu về dòng tiền ổn định.

Khi giai đoạn hai hoàn tất, thế giới sẽ bị chia thành hai phe: một phe nằm dưới lá chắn an ninh của Mỹ, nhưng phải đánh đổi bằng việc đồng tiền tăng giá, mất đi các nhà máy sản xuất và buộc phải nhập khẩu hàng hóa Mỹ, bao gồm cả vũ khí. Phe còn lại có thể xích lại gần Trung Quốc và Nga về mặt chiến lược, nhưng vẫn duy trì quan hệ thương mại với Mỹ ở mức hạn chế, giúp Mỹ thu về nguồn thuế quan đều đặn.

Tầm nhìn của ông Trump về một trật tự kinh tế toàn cầu lý tưởng có thể khác xa, thậm chí đối lập hoàn toàn với nhiều người. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể xem nhẹ tính nhất quán và mục tiêu rõ ràng của tầm nhìn này. Giống như mọi kế hoạch tỉ mỉ khác, chiến lược này dĩ nhiên có thể gặp rủi ro. Đồng đô la có thể không mất giá đủ để bù đắp tác động của thuế quan lên giá cả trong nước. Hoặc việc bán tháo đô la có thể quá mạnh, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng cao hơn mức mong muốn. Tuy nhiên, ngoài những rủi ro có thể kiểm soát này, kế hoạch của ông Trump sẽ phải đối mặt với hai thách thức chính trị lớn.

Thách thức đầu tiên đến từ trong nước. Nếu thâm hụt thương mại giảm như kế hoạch, dòng vốn tư nhân từ nước ngoài sẽ không còn đổ mạnh vào Phố Wall. Khi đó, Trump sẽ phải chọn hoặc phản bội nhóm người trong lĩnh vực tài chính và bất động sản hiện đang phẫn nộ, hoặc phản bội tầng lớp công nhân đã bầu cho ông.

Trong khi đó, một mặt trận khác sẽ mở ra trên trường quốc tế. Khi coi tất cả các nước là những nan hoa xoay quanh trục trung tâm là Mỹ, ông Trump có thể vô tình tạo ra sự phản kháng trên toàn cầu. Trung Quốc có thể không còn giữ thái độ thận trọng mà quyết định biến nhóm BRICS thành một hệ thống Bretton Woods mới, trong đó nhân dân tệ đóng vai trò trụ cột thay thế đồng đô la, giống như cách Mỹ từng định hình hệ thống Bretton Woods ban đầu. Nếu điều đó xảy ra, có lẽ đó sẽ là di sản đáng kinh ngạc nhất, và cũng là giá phải trả cho kế hoạch vĩ đại nhưng đầy tham vọng của ông Trump.

Một số nhận xét của các nhà nghiên cứu về chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay

"Thuế quan sẽ giúp bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, tạo việc làm và giảm sự lệ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc".

Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump

"Ngành ô tô là xuất khẩu chính của Mexico và Canada sang Mỹ. Áp thuế giúp chính quyền Trump gây sức ép để họ thắt chặt kiểm soát biên giới, giảm di cư bất hợp pháp. Một ngành ô tô mạnh là chiến lược quan trọng, dù phải đánh đổi bằng chi phí lao động tăng".

Max Gillman, Giáo sư Lịch sử Kinh tế tại Đại học Missouri (Mỹ)

"Nhìn chung, thuế quan có xu hướng tốt cho đồng đô la. Tuy nhiên, khi được áp dụng đối với các đối tác thương mại thân thiết, chúng sẽ làm xói mòn niềm tin đối với Mỹ".

Lefteris Farmakis, Chiến lược gia ngoại tệ tại ngân hàng Barclays (Anh)

"Thuế quan rất hiệu quả trong việc nhắm vào các mối đe dọa cụ thể, nhưng khi sử dụng quá mức, có thể dẫn đến hiệu quả giảm dần. Cũng giống như vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh, các quốc gia chịu lệnh trừng phạt nhiều lần sẽ phát triển khả năng miễn dịch bằng cách giảm mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ".

Philip Luck, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

"Nhiều người đang đặt câu hỏi: liệu Mỹ có còn là đối tác đáng tin cậy hay không? Những chính sách thuế quan này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Washington".

Niclas Poitiers, Viện nghiên cứu Bruegel (Brussels)

Đường link bài viết của tác giả Yanis Varoufakis đăng trên trang unherd.com

https://unherd.com/2025/02/why-trumps-tariffs-are-a-masterplan/

Hiểu về thuế quan của ông Trump qua năm biểu đồ Hiểu về thuế quan của ông Trump qua năm biểu đồ
Dữ liệu cho thấy việc áp thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, từ dược phẩm đến máy móc...
Thương chiến Trump 2.0: đồng minh Mỹ tìm lối đi riêng? Thương chiến Trump 2.0: đồng minh Mỹ tìm lối đi riêng?
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ tác động đến đối thủ mà còn khiến các đồng minh của Washington phải tìm hướng đi riêng. Theo giới chuyên gia, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các khối kinh tế lớn khác.

https://unherd.com/2025/02/why-trumps-tariffs-are-a-masterplan/

Yanis Varoufakis (Thu Phượng dịch)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/se-co-cu-soc-trump-doi-nghich-cu-soc-nixon-211371.html

In bài viết