09:13 | 11/03/2025
Quyết định hủy bỏ 5.200 chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra sau cuộc đánh giá kéo dài sáu tuần. USAID – cơ quan viện trợ nước ngoài hàng đầu của Mỹ – đã bị chính quyền của Tổng thống Trump cáo buộc lãng phí, gian lận và thúc đẩy "chương trình nghị sự tự do," dẫn đến quyết định cắt giảm sâu rộng này.
Động thái này không chỉ đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn phản ánh thái độ ngày càng căng thẳng của Washington đối với Ukraine và các đối tác khác, trong khi chính quyền tổng thống Donald Trump tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow.
![]() |
Mỹ chính thức hủy bỏ 83% chương trình của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) trên toàn cầu. Ảnh: nara.getarchive.net |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, USAID đã cung cấp 2,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo, 5 tỷ USD hỗ trợ phát triển và hơn 30 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Kiyv. Ngoài ra, USAID cũng tài trợ hàng loạt dự án thiết yếu tại Ukraine như tái thiết trường học, sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng và hỗ trợ các sáng kiến xã hội dân sự. Vì vậy, việc cắt giảm hàng loạt chương trình của cơ quan này đang đe dọa nghiêm trọng đến các tổ chức và dự án tại Ukraine – quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn tài trợ của Mỹ
Một bản sao tài liệu dài hàng trăm trang đã tiết lộ danh sách chưa từng có về các chương trình và hợp đồng của USAID bị hủy bỏ. Danh sách này bao gồm nhiều nỗ lực hỗ trợ quan trọng trên toàn cầu, từ xóa sổ bệnh sốt rét tại Myanmar, kiểm soát lây nhiễm virus HIV ở Cộng hòa Dominica, đến hỗ trợ nghề cá ở Ghana hay chi trả lương cho phiên dịch viên tại Ukraine.
Việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia và lĩnh vực khác. Nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm sâu nguồn tài trợ của Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất thế giới, đã để lại khoảng trống lớn và có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Bạch Dương (tổng hợp)