15:00 | 07/03/2025
Theo tuyên bố từ người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ, động thái này phù hợp với sắc lệnh hành pháp trước đó do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng sáng kiến JETP "không phản ánh các giá trị của nước Mỹ, cũng như không phù hợp với những đóng góp của chúng tôi trong việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế và môi trường."
Bà Joanne Yawitch, người đứng đầu đơn vị quản lý dự án JETP tại Nam Phi, cũng xác nhận rằng Mỹ đã chính thức thông báo về việc rút khỏi thỏa thuận trong khuôn khổ chương trình tại quốc gia này.
![]() |
Chính quyền của Tổng thống Trump ủng hộ hướng phát triển nhiên liệu hóa thạch. (Ảnh: Reuters) |
Các quốc gia thụ hưởng đầu tiên của JETP bao gồm Nam Phi, Indonesia, Việt Nam và Senegal. Theo Reuters, Mỹ đã cam kết dành hơn 3 tỷ USD cho Việt Nam và Indonesia thông qua các khoản vay thương mại để hỗ trợ 2 nước thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, chính quyền Mỹ đã thực hiện một loạt thay đổi trong chính sách năng lượng và viện trợ nước ngoài. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Trump đã cắt giảm viện trợ nước ngoài và ủng hộ phát triển nhiên liệu hóa thạch.
Việc Mỹ rút khỏi JETP có thể khiến các quốc gia đang phát triển đối mặt với áp lực chuyển đổi năng lượng. Sự thiếu hụt tài chính từ Mỹ có thể làm chậm tiến trình, đồng thời gia tăng gánh nặng lên các quốc gia tài trợ khác trong JETP.
JETP là sáng kiến hợp tác toàn cầu được công bố lần đầu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh, năm 2021. Cơ chế này tập hợp 10 quốc gia tài trợ, với mục tiêu hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thông qua các khoản vay, bảo lãnh tài chính và trợ cấp. |
Bạch Dương (tổng hợp)