Tìm lại ký ức tình thầy trò Trung - Việt:

Kỳ 2: Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ

18:18 | 15/01/2025

Sau khi thông tin tìm kiếm các học viên Việt Nam từng học tập tại Học viện Gốm sứ Cảnh Đức Trấn được đăng tải, phóng viên đã liên hệ được một số học viên cũ. Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa thầy trò Trung - Việt đã khiến những người tham gia không khỏi xúc động, như thể thời gian và khoảng cách chưa từng chia cắt họ.
Nữ bác sĩ Trung Quốc hồi sinh đời tôi
Ông già dọn tuyết ở Lư Sơn

Hồi ức…

Qua sự kết nối của họa sĩ Đặng Thành Long (70 tuổi, cựu nhân viên Nhà máy Sứ Hải Dương), chúng tôi đã liên lạc được với gia đình ông Hoàng Văn Hào, một học viên trong đoàn.

Vì tuổi đã cao (86 tuổi), từng trải qua phẫu thuật ở não nên ông Hào không thể nói chuyện minh mẫn. Nhờ sự giúp đỡ của bà Đinh Thị Phối, vợ ông, chúng tôi nhận ra ông Hào trong bức ảnh chụp chung với đoàn học viên năm xưa.

Vợ chồng ông Hoàng Văn Hào và bà Đinh Thị Phối xem lại những tấm hình xưa
Vợ chồng ông Hoàng Văn Hào và bà Đinh Thị Phối xem lại những tấm hình xưa

Bà Phối kể rằng, khi còn minh mẫn ông Hào thường xuyên nhắc đến những kỷ niệm học tập tại Trung Quốc. Các thầy giáo người Trung Quốc tận tình dạy dỗ, giúp ông nắm vững từng kỹ thuật phức tạp. Ông còn dạy bà những câu tiếng Trung cơ bản như: “Xin chào”; “Xin lỗi”; “Cảm ơn”…

Cũng từng làm việc tại Nhà máy Sứ Hải Dương, bà Phối còn kể cho chúng tôi nghe về bà Đinh Thị Hân, một học viên khác trong đoàn. Bà Phối xúc động nói: "Bà Hân là người đã truyền dạy kỹ thuật vẽ hoa trên gốm sứ mà bà học được từ Trung Quốc cho chúng tôi. Bà Hân, ông Hào hay những học viên khác trong đoàn đã nỗ lực học tập, góp phần đưa kỹ thuật gốm sứ hiện đại về Việt Nam, phát triển ngành gốm trong nước."

Kỷ vật từ quá khứ

Qua giới thiệu của bà Phối, chúng tôi tìm gặp bà Đỗ Thị Hồng Nhữ (86 tuổi, tại Hà Nội). Khác với ông Hào, bà còn minh mẫn và nhớ như in những năm tháng xưa. Bà nhanh chóng nhận ra mình trong bức ảnh đoàn học viên và nói: “Năm 1958, tôi được Bộ Công nghiệp nhẹ cử sang học tập tại Trung Quốc. Những kỉ niệm với thầy giáo và bạn bè Trung Quốc là những hồi ức đẹp đẽ trong cuộc đời tôi. Chúng tôi đã rất lưu luyến vào khoảnh khắc chia tay năm đó.”

Bà Đỗ Thị Hồng Nhữ giới thiệu hai kỷ vật mang về từ Trung Quốc
Bà Đỗ Thị Hồng Nhữ giới thiệu hai kỷ vật mang về từ Trung Quốc

Bà mang ra hai bức tượng bằng sứ từng làm thời còn học tại Trung Quốc. Dù đã cũ, những món đồ ấy vẫn là kỷ vật quý giá nhất của bà.

Tay chỉ hai bức tượng của mình, bà nói: "Đây là sản phẩm tôi làm từ năm 1960, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ, tận tâm của các thầy giáo. Tôi không chỉ học về kỹ thuật vẽ hoa mà còn cả vẽ phong cảnh, vẽ trang trí. Tôi vẫn còn nhớ cách sử dụng màu sắc hài hòa, kỹ thuật cầm bút để đạt được độ chính xác cao..."

Bà kể: “Tôi kết thân với những người bạn Trung Quốc. Ngoài giờ học các bạn dẫn chúng tôi đi chơi công viên, tham quan công xã. Có lần, chúng tôi còn được đi thăm quê hương Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tôi còn nhớ thầy Hùng, người Thượng Hải, thường hay tặng chúng tôi những chiếc khăn mùi soa rất thơm, rất ấn tượng. Khi có những món quà gửi từ Việt Nam sang, chúng tôi cũng dành tặng thầy và những người bạn Trung Quốc.”

Sau khi hoàn thành khóa học và trở về Việt Nam, bà Nhữ làm việc tại Nhà máy Sứ Hải Dương, phụ trách phân xưởng vẽ trang trí. Sau này, bà phụ trách hướng dẫn tại Trường Đại học Mỹ thuật, Hà Nội. Bà nói: "Việc được cử sang Trung Quốc học tập là một cơ hội hiếm có. Những gì học được ảnh hưởng sâu sắc đến công việc và cuộc sống của tôi."

Hội ngộ…

Sau khi nhận được thông tin tìm được học viên, ông Vương Văn Hoa, Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa Marx Đại học Gốm sứ Cảnh Đức Trấn đã ngay lập tức hỗ trợ liên lạc kết nối với ông Tăng Nguyên Sinh, người từng phụ trách đoàn học viên Việt Nam. Qua màn hình video, hai người bạn cũ gặp lại nhau, xúc động vẫy tay chào nhau, như thể thời gian và khoảng cách chưa từng chia cách họ.

Cuộc gọi video của bà Đỗ Thị Hồng Nhữ và ông Tăng nguyên Sinh
Cuộc gọi video của bà Đỗ Thị Hồng Nhữ và ông Tăng nguyên Sinh

Bà Nhữ chia sẻ với phóng viên: “Tôi rất vui và xúc động, không ngờ sau bao nhiêu năm xa cách chúng tôi còn có thể gặp lại. Sự hợp tác giáo dục năm đó là một trong những minh chứng tốt đẹp của tình hữu nghị Việt – Trung. Tôi cũng hy vọng thế hệ trẻ hôm nay sẽ nỗ lực học tập và giao lưu hợp tác, làm cho mối tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.”

"Cuộc gặp gỡ không chỉ đơn thuần là sự kết nối ký ức cá nhân, mà còn là cầu nối giữa hai nền văn hóa, là biểu tượng cho tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Trung Quốc," ông Vương Văn Hoa nói.

Chiếc áo ấm tình thầy trò Chiếc áo ấm tình thầy trò
"Chiếc áo ấm của cô Josef Svejkovský đến với tôi trong ngày đông rét, nhiệt độ xuống dưới âm độ C giúp tôi cảm nhận được hơi ấm và nghĩa tình của người dân Tiệp Khắc (cũ) với lưu học sinh Việt Nam ", NSƯT Hà Đình Cường (71 tuổi, Trưởng bộ môn kèn đồng - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) kể với phóng viên tạp chí Thời Đại.
Tìm lại ký ức và tình thầy trò Trung - Việt Tìm lại ký ức và tình thầy trò Trung - Việt
66 năm trước, đã có hơn 20 học viên Việt Nam đến học tập tại Học viện Gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc. Cuối tháng 11/2024, khi tham dự hội thảo quốc tế "Hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa: Kinh nghiệm của Việt Nam và Trung Quốc" tại Đà Nẵng, ông Vương Văn Hoa, Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa Marx của trường mang theo nhiệm vụ đặc biệt từ các giảng viên cao tuổi: tìm lại những học viên Việt Nam, hiện thực hóa mong ước kết nối thầy trò năm xưa.

Quảng An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ky-2-cuoc-hoi-ngo-sau-hon-nua-the-ky-209515.html

In bài viết